Hà Nội

22 tuổi đã bị tăng huyết áp, cảnh báo gia tăng người trẻ mắc bệnh "kẻ giết người thầm lặng"

27-06-2020 19:47 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tăng huyết áp không có triệu chứng điển hình nên bệnh nhân thường không phát hiện ra bệnh lý. Trước đây, 95% người tăng huyết áp không có nguyên nhân đa phần rơi vào nhóm trung niên, người già, 5% tìm ra nguyên nhân rơi vào người trẻ. Nhưng đến nay, trong số 95% tăng huyết áp không rõ nguyên nhân, số người trẻ đang tăng dần.

Trong chương trình khám và tư vấn miễn phí bệnh tăng huyết áp diễn ra ngày 27/6 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Th.S BS Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch - Hô hấp, Trung tâm Tim mạch và lồng ngực cho biết có tới 30% người bệnh tới khám mắc tăng huyết áp là người trẻ.

Trong sáng nay, có hai bệnh nhân mới 22  tuổi và 27 tuổi đã được các bác sỹ phát hiện bệnh lý tăng huyết áp. Đây là hai bệnh nhân có thể tìm ra được căn nguyên gây bệnh sau khi thực hiện các xét nghiệm lâm sàng.

Người dân ở Hà Nội và các địa phương lân cận chờ khám miễn phí bệnh lý tăng huyết áp

Trước đó, các bác sỹ Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực đã kịp thời phẫu thuật cấp cứu trong đêm cứu nam thanh niên 34 tuổi ở Thái Nguyên chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên Bệnh viện Việt Đức vì bị phình, tách động mạch chủ tuyp A trên nền tăng huyết áp và đái tháo đường - 2 căn bệnh “giết người thầm lặng” nhưng... bệnh nhân không hề biết!

Qua khai thác thông tin, người nhà bệnh nhân kể, nam thanh niên vốn hay hút thuốc lá, uống bia rượu, nặng gần 100kg , cao 1,7 m.

Sau cuộc nhậu với bạn bè, nam thanh niên xuất hiện cơ đau nhói ở ngực, xuyên ra sau lưng và lan dọc xương sống. Gia đình đưa bệnh nhân đến viện địa phương ngay, may mắn là bệnh nhân gặp bác sĩ xử lý ban đầu có kinh nghiệm. Bệnh nhân chụp XQ ngực thấy trung thất giãn ngực, theo dõi phình tách động mạch chủ. Và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Việt Đức ngay trong đêm.

Tiếp nhận cấp cứu, các bác sĩ đã hội chẩn ngay tại đó và chẩn đoán bệnh nhân bị phình, tách động mạch chủ tuyp A. Qua làm các xét nghiệm, thăm khám, các bác sĩ thấy huyết áp của bệnh nhân lên đến 180 nên phải cho bệnh nhân sử dụng thuốc hạ áp đường truyền liều cao, đồng thời các bác sĩ cũng phát hiện bệnh nhân bị đái tháo đường.

Theo Ths. BS Tiến Bình, ca mổ thành công, bệnh nhân khỏe lại nhưng nếu không kiểm soát tốt tăng huyết áp, tiểu đường, lối sống thì nguy cơ tái bệnh rất nhiều. Do đó, bệnh nhân cần phải tuân thủ khuyến cáo phòng bệnh.

Th.S BS  Khổng Tiến Bình cho biết, tăng huyết áp là tăng áp lực máu lên mạch máu, gây ra gánh nặng lớn cho tim và tạo hậu quả nặng nề cho cơ quan khác.

Trên thế giới, một năm có 4,7 triệu người chết vì hậu quả của tăng huyết áp, nhồi máu não; hai triệu người chết vì xuất huyết não; 1,5 triệu người chết vì nhồi máu cơ tim…

Th.S BS Khổng Tiến Bình thăm khám và tư vấn điều trị cho người bệnh

Tại Việt Nam, nghiên cứu ở cả ba vùng miền cho thấy, ở lứa tuổi 25 tuổi trở lên có khoảng 25% là tăng huyết áp. Trong đó, chỉ có khoảng 30-38% bệnh nhân được điều trị. Và số bệnh nhân được điều trị đạt đích, hiệu quả tốt chỉ khoảng 10%.

“Bệnh phổ biến nhưng hậu quả nặng nề, trong khi đó các kiến thức phổ cập về điều trị và hiểu biết về tai biến nguy hiểm do tăng huyết áp gây ra được hiểu biết chưa đầy đủ”, BS Khổng Bình cho biết.

BS Bình cảnh báo, tăng huyết áp không có triệu chứng điển hình nên bệnh nhân thường không phát hiện ra bệnh lý. Do đó, người dân cần tầm soát sức khỏe định kỳ. Với nhóm bệnh nhân đã phát hiện tăng huyết áp nhưng xem nhẹ, không điều trị hoặc điều trị không dứt điểm theo đích cuối cùng của bác sĩ.. sẽ gặp rất nhiều hệ lụy về sức khỏe.

Việc trẻ hóa tăng huyết áp, các biến chứng tim mạch, não, tổn thương đáy mắt, thận… sẽ càng trầm trọng hơn vì thời gian tăng huyết áp diễn ra lâu dài hơn. Tăng huyết áp từ trẻ có thể kết hợp với bệnh lý chuyển hóa khác như rối loạn mỡ máu, tiểu đường, làm biến cố tim mạch rõ ràng hơn.

Mặc dù 95% tăng huyết áp vô căn nhưng trong cuộc sống, những yếu tố như uống bia rượu, hút thuốc lá, lối sống không lành mạnh, ít vận động, stress, béo phì… là vấn đề đang được đặt ra với giới trẻ bây giờ. Đặc biệt, với người mắc bệnh lý tăng huyết áp, cần phải giảm 30% khẩu phần ăn muối hằng ngày so với khuyến cáo.

"Tăng huyết áp là căn bệnh rất nguy hiểm nhưng lại thường ít triệu chứng thể hiện, khiến cho nhiều người không phát hiện ra bệnh kịp thời mà chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám một bệnh lý khác. Nhưng những biến chứng của tăng huyết áp lại rất nguy hiểm, khó lường, thậm chí gây tử vong.

Bệnh tăng huyết áp là một bệnh mạn tính. Để ngăn ngừa lâu dài các biến chứng, người bệnh nhất thiết phải kiểm soát tốt huyết áp, bằng cách áp dụng lối sống khoa học và tuân thủ thuốc điều trị của bác sỹ"- ThS.BS Tiến Bình nhấn mạnh


Thái Bình
Ý kiến của bạn