Từ ngày 25 - 27/4, tại huyện đảo Phú Quốc - tỉnh Kiên Giang, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với các Viện nghiên cứu, các bệnh viện lớn trong toàn quốc tổ chức Hội nghị khoa học về Tế bào gốc toàn quốc lần thứ II.
Hội nghị có sự tham dự của gần 300 đại biểu là các nhà khoa học Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài đến từ Đức và Hàn Quốc đang nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh với gần 30 báo cáo khoa học trên các lĩnh vực khác nhau về ứng dụng của tế bào gốc như: Huyết học – Truyền máu, Mắt, Tim mạch, Da liễu, Bỏng, Ngoại khoa...
Tế bào gốc (stem cell) là những tế bào có khả năng biệt hóa thành các tế bào khác nhau để thay thế cho các tế bào bị mất đi do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Nhờ đặc điểm này mà người ta có thể sử dụng tế bào gốc để tạo ra các tế bào mới thay thế cho các tế bào bị tổn thương hoặc mất chức năng, đem lại nhiều triển vọng trong điều trị các bệnh nan y.
Trường hợp mới nhất được ghép tế bào gốc tạo máu tại Viện Huyết học- Truyền máu TƯ vừa ra viện hôm 23-4 vừa qua. (Ảnh do Viện HH-TM TƯ cung cấp) |
Ở các nước phát triển, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong y học đã được tiến hành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Những thành công bước đầu trong lĩnh vực này là việc sử dụng tế bào gốc tạo máu để điều trị một số bệnh máu ác tính (ghép tế bào gốc tạo máu). Nguồn tế bào gốc sử dụng cho ghép được lấy từ tủy xương, máu ngoại vi, máu cuống rốn và gần đây là từ màng lót cuống rốn. Ngày nay, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc không chỉ giới hạn trong việc điều trị các bệnh máu mà còn được nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều chuyên khoa khác nhau như: mắt, tim mạch, xương khớp, bỏng, da liễu, thẩm mĩ, nhi khoa…
Tại Việt Nam, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc đã được tiến hành từ những năm 90 của thế kỷ trước. Năm 1995, bệnh viện Truyền máu – Huyết học thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành ca ghép tế bào gốc đầu tiên để điều trị cho bệnh nhân bị bệnh máu. Đến nay, nhiều hoạt động liên quan tới Tế bào gốc ở nước ta bao gồm: tổ chức các Trung tâm tế bào gốc, đào tạo cán bộ, tiếp nhận tế bào gốc, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị… đã phát triển mạnh mẽ trên cả nước. Nhiều cơ sở y tế triển khai nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc trong điều trị như: Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện 108, Bệnh viện 19/8…
Tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng cho biết, từ năm 2006 viện đã tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu điều trị một số bệnh về máu cho bệnh nhân, đến nay đã tiến hành ghép được 65 ca (gồm 44 ca ghép tự thân và 21 ca ghép đồng loại). Tính chung cả nước đến tháng 4/2013, đã có tổng cộng 212 bệnh nhân được ghép tế bào gốc tạo máu để điều trị bệnh, trong đó có 124 ca ghép tự thân và 88 ca ghép đồng loại.
Thanh Hằng