Giành sự sống từng giây
Mang song thai ở tuần thứ 30, một ngày trước khi nhập viện, ngày 30/10, chị Nguyễn Thị Tuân, 29 tuổi (thị trấn Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) thấy có dấu hiệu bất thường: đi tiểu nhiều, bụng căng cứng, thai không máy. Chị Tuân đã đến khám tại phòng khám bệnh tư nhân và được xác định hai thai chết lưu. Chị đã quyết định lên BV Phụ sản Hà Nội để điều trị. Sau khi nhập viện, chị Tuân có dấu hiệu chuyển dạ và được chuyển lên phòng chờ đẻ. Tuy nhiên, theo dõi suốt một ngày tại phòng đẻ, tử cung chỉ mở được 3cm. Đến 16 giờ 45 phút ngày 1/11, sản phụ vỡ ối tự nhiên. Sau vỡ ối 10 phút, bác sĩ của ca trực trước khám để chuẩn bị bàn giao cho kíp trực đêm, đột ngột sản phụ tím tái, mất tri giác, suy hô hấp cấp, trụy tim mạch… Ngay lập tức, toàn bộ êkíp bao gồm các bác sĩ gây mê hồi sức và phẫu thuật viên vừa hồi sức, vừa chuyển sang phòng mổ, trong quá trình di chuyển từ phòng đẻ sang phòng mổ, sản phụ bị rối loạn đông máu toàn bộ. Cùng lúc đó, lãnh đạo bệnh viện có mặt hội chẩn và quyết định được đưa ra chỉ trong tích tắc là mổ lấy thai dù hai thai đã chết để giải phóng chèn ép, cắt tử cung bán phần để cầm máu cứu mẹ.
Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Ảnh: NP |
Cho sản phụ dùng thuốc vận mạch, trợ tim và chống rối loạn đông máu bằng cách truyền 2,5 lít huyết tương tươi đông lạnh, 2 lít hồng cầu khối, 1 đơn vị tiểu cầu máy và 2 đơn vị yếu tố cryo, tổng cộng sản phụ được truyền 10 đơn vị máu và các chế phẩm máu. Êkíp cấp cứu cũng cho biết thêm, trong quá trình cấp cứu cho sản phụ, BS hồi sức và phẫu thuật viên liên tục hội chẩn để cầm máu cho sản phụ, tránh rối loạn đông máu. Công việc này phải phối hợp nhịp nhàng, bởi nếu phẫu thuật viên không cầm máu tốt thì bác sĩ hồi sức không thể hồi sức được, còn nếu bác sĩ hồi sức không tốt thì phẫu thuật viên cũng không thể cầm máu được... BS. Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người trực tiếp tham gia mổ cấp cứu sản phụ Tuân nói: "Khi mổ tôi chỉ biết cố gắng hết sức vì mạng sống của sản phụ, cầm máu kỹ lưỡng từng nút chỉ để hạn chế rối loạn đông máu thêm".
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, thời gian mổ cấp cứu chỉ kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ nhưng quá trình hồi sức và theo dõi sản phụ các bác sĩ đã phải thực hiện 21 giờ liên tục và nhiều ngày sau đó. Mặc dù sản phụ đã có rối loạn huyết động, rối loạn đông máu, nhưng nhờ có chẩn đoán, xử trí đúng và kịp thời, sản phụ đã được cứu sống. Quá trình cấp cứu rất nhanh, nếu chỉ do dự vài giây, sản phụ có thể ngừng tim và tử vong. Có được điều này là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của tập thể nhân viên của các khoa, từ Khoa Gây mê hồi sức, Phẫu thuật đến bộ phận xét nghiệm...
Sản phụ Tuân đã qua cơn nguy kịch. |
"Có được phúc này là nhờ thầy thuốc"
Ng. Hồng