2015: Chỉ còn một kỳ thi chính

10-09-2014 13:06 | Thời sự
google news

Năm 2015 chỉ còn một kỳ thi chính, không còn khối thi A, B, C, D; không còn kỳ thi tốt nghiệp PTTH, không còn kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH...

Những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12/6.

Chỉ tốt nghiệp: Thi 4 môn tại địa phương

Các sở GD-ĐT, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi quốc gia vào trung tuần tháng 3/2015.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hằng năm có khoảng 20% số học sinh tốt nghiệp lớp 12 không có nhu cầu thi ĐH, CĐ. Tại các địa phương không có cụm thi do trường ĐH chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì.

  • Kỳ thi quốc gia, 2015, Bộ GD-ĐT, thí sinh
    Ảnh Lê Huyền

 

Thí sinh sẽ được hoàn toàn tự nguyện lựa chọn cụm thi phù hợp với nhu cầu của cá nhân. Các địa phương không được áp đặt việc bố trí thí sinh thi tại cụm địa phương.

Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh phải thi bốn môn (gọi là bốn môn thi tối thiểu) gồm ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Thí sinh không học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.

Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD-ĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ.

Các sở GD-ĐT kết hợp sử dụng kết quả bốn môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ

Những năm qua Bộ GD-ĐT quy định thí sinh đăng ký nguyện vọng vào ĐH, CĐ trước khi thi tuyển sinh (NV1), và sau khi có kết quả thi nếu không trúng tuyển NV1 sẽ được cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển các NV khác.

Tuy nhiên, đến năm 2015, thí sinh sẽ không đăng ký trước nguyện vọng vào ĐH, CĐ mà sau khi có kết quả của kỳ thi quốc gia, thí sinh lấy kết quả đó để đăng ký xét tuyển vào các trường phù hợp.

Các trường phải công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả thi chung để tuyển thí sinh vào trường trước ngày 1/1/2015. Các điều kiện này bao gồm kết quả các môn thi của kỳ thi quốc gia - số lượng môn thi tuỳ trường quy định, không nhất thiết 3 môn theo khối thi A, B, C, D như trước; mức điểm tối thiểu của mỗi môn thi hoặc tổng điểm tối thiểu của các môn thi.

Ngoài ra, trường có thể quy định thêm kỳ kiểm tra bổ sung với các môn kiểm tra do trường lựa chọn như phỏng vấn, viết bài luận, trắc nghiệm IQ....

Như vậy, với phương thức xét tuyển này, thí sinh không bị giới hạn nguyện vọng vào các trường ĐH. Thí sinh có cơ hội xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành với môn dự thi ít hơn trước.

Ví dụ trước đây để thi để có thể thi đại học khối A, B, trước tiên thí sinh phải trải qua một kỳ thi tốt nghiệp gồm 4 môn thi, sau đó thí sinh phải thi hai đợt tuyển sinh với đủ sáu bài thi (mỗi khối thi có ba môn thi).

Trong khi đó, năm 2015, để đăng ký xét tuyển vào các ngành đại học thuộc 2 khối A, B (trong trường hợp các trường vẫn lựa chọn môn xét tuyển như trước), thí sinh chỉ cần trải qua 1 kỳ thi với ba môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ thêm 1 môn để xét tốt nghiệp, ví dụ như Vật lý thêm 2 môn Hóa học, Sinh học. Và như vậy, thậm chí thí sinh không chỉ xét tuyển được vào 2 khối A, B như mong muốn ban đầu mà có thể xét tuyển vào các ngành tương ứng với các khối A1, D trước đây.

Tuy nhiên, khác với phương thức tuyển sinh cũ thí sinh chỉ thi trong các đợt thi là xong, thì năm 2015, ngoài kỳ thi quốc gia, tuỳ thuộc yêu cầu của từng trường, thí sinh có thể phải tham dự các kỳ thi bổ sung, các bài kiểm tra bổ sung với thời gian cụ thể do trường quy định.

Thí sinh muốn theo học ở các trường tuyển sinh riêng (năm 2014 là 62 trường) ngoài việc tham gia kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp cũng phải tham gia dự thi, xét tuyển theo phương thức nhà trường công bố. Bộ GD-ĐT dự kiến xếp lịch tuyển sinh của các trường này theo 2 đợt vào mùa xuân – thu.

Không tập trung quá đông về các thành phố lớn

Việc coi thi, chấm thi kỳ thi quốc gia được tổ chức theo cụm. Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường ĐH đủ năng lực.

Quy mô các cụm thi vào khoảng 30.000 - 40.000 thí sinh/cụm thi. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tính toán để thí sinh phải di chuyển đến cụm với quãng đường phù hợp nhất.

Với lượng thí sinh thực tế dự thi ĐH hiện nay, dự kiến cả nước sẽ có 20 - 30 cụm thi thay cho số lượng bốn cụm thi hiện nay.

Riêng hai thành phố Hà Nội, TP.HCM dự kiến có thể hình thành nhiều cụm thi.

 

 


Ý kiến của bạn