Hà Nội

2014, kinh tế thế giới còn bấp bênh

06-01-2014 08:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Năm 2014 sẽ ra sao, có khởi sắc hơn 2013 hay không? Đây là chủ đề mà báo chí thế giới đang tìm hiểu đánh giá. Tuy nhiên, báo chí đánh giá 2014 sẽ là một năm đầy rủi ro tài chính.

Năm 2014 sẽ ra sao, có khởi sắc hơn 2013 hay không? Đây là chủ đề mà báo chí thế giới đang tìm hiểu đánh giá. Tuy nhiên, báo chí đánh giá 2014 sẽ là một năm đầy rủi ro tài chính.

Những yếu tố không mấy lạc quan là: 5 năm sau khủng hoảng tài chính lớn trên thế giới (2008), các rủi ro vẫn đè nặng lên kinh tế toàn cầu. Các nước phương Tây đang trên đường vực dậy, nhưng tất cả đều sẽ lệ thuộc vào sự lèo lái của Ngân hàng Trung ương Mỹ FED. Còn các quốc gia đang trỗi dậy trong năm 2013 đã bị thất thoát vốn nghiêm trọng và đang tìm một mô hình phát triển mới. Điều đáng ngại nữa đối với các quốc gia này là công nợ tăng lên một cách nguy hiểm: như tại Trung Quốc, nợ công ở địa phương lên đến mức 1/3 GDP. Riêng vùng đồng euro, dù thoát ra khỏi suy thoái nhưng tăng trưởng vẫn còn yếu và nợ thì vẫn tiếp tục tăng lên trong nhiều nước của khu vực.

Dự báo năm 2014, kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 4,1%.

Kinh tế thế giới quả là đã được vực dậy trong giai đoạn từ 2013 chuyển sang 2014, nhưng không đồng đều. Mỹ và Anh quốc thì có vực dậy thật sự, theo đánh giá giới chuyên gia, như phân tích của kinh tế gia Patrick Artus thuộc Ngân hàng Đầu tư Pháp Natixis: “Đầu tư cao, đơn đặt hàng đầy ắp, việc làm tăng, hoạt động công nghiệp vươn lên. Kinh tế thật sự vực dậy”. Ngược lại, tại vùng đồng euro, tăng trưởng có vẻ ì ạch cho dù tất cả các nước lớn trong khu vực này đều nối lại với tăng trưởng.

Riêng các nước đang trỗi dậy, trong quý 3/2013 vẫn đóng góp gần 3/4 vào tăng trưởng của thế giới, hoạt động kinh tế châu Á đã chống chọi tốt kể từ sự “vùng dậy” của hoạt động kinh tế Trung Quốc vào mùa hè, nhưng tại những nơi khác thì có phần chậm lại. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nếu kinh tế Nhật Bản tụt hậu trở lại thì sẽ làm cho các nền kinh tế châu Á yếu đi. Tình hình vực dậy khác biệt như trên sẽ còn kéo dài. Các nhà phân tích cũng nêu lên lo ngại về nguy cơ khủng hoảng hối đoái đối với các nước đang trỗi dậy như Indonesia vì không có trữ lượng ngoại tệ tốt, hay Ấn Độ vì tăng trưởng yếu, lạm phát cao. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ năm tới đây sẽ phải rất chật vật để đối phó.

Trong lĩnh vực tài chính, các nhà phân tích nhìn lại các món nợ địa phương Trung Quốc, mối quan ngại triền miên của chính quyền Trung ương Bắc Kinh và cũng nêu bật khó khăn của Trung Quốc trong việc từ bỏ mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư, vốn đặt nền tảng trên nợ công không kiểm soát được của các địa phương. Thông báo của cơ quan kiểm toán Trung Quốc, theo đó nợ của các địa phương đã tăng 67% trong 3 năm qua. 50.000 nhân viên cơ quan đã đến kiểm tra kế toán của 62.000 đơn vị hành chính các vùng. Cộng thêm với nợ của chính quyền Trung ương, nợ công tại Trung Quốc chiếm khoảng 56,2% GDP của nền kinh tế thứ nhì thế giới.

Kể từ cuộc khủng hoảng 2008, vấn đề nợ các địa phương là vấn đề nan giải của kinh tế Trung Quốc. Chính quyền địa phương vay nợ để đầu tư vào hạ tầng cơ sở, đường sá, nhà ga, cơ quan chính quyền, khu nhà ở sang trọng, cho phép Trung Quốc duy trì tăng trưởng, giữ được công việc làm. Ông Chu Hải Bân (Zhu Haibin), một kinh tế gia Ngân hàng JP Morgan ở Trung Quốc cho là Trung Quốc không đứng trước một vấn đề khả năng chi trả, mức nợ vẫn có thể giải quyết được, nhưng vấn đề là một số địa phương sẽ không có khả năng thanh toán, trả nợ và chính quyền Trung ương lại không có những cơ chế rõ ràng để giải quyết vấn đề.

Bắc Kinh chưa bao giờ để ai trong tình trạng không chi trả nợ, tránh cảnh phá sản như thành phố Detroit ở Mỹ. Các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc cứ cấp tín dụng thêm, không trừng phạt về rủi ro. 60% nợ nêu lên trong báo cáo kiểm toán đáo hạn từ đây đến năm 2015. Một tỷ lệ tương tự đã được ghi nhận trong kế toán năm 2010 và phải giải quyết vào năm 2013. Chiếc thảm như thế cứ được trải dần ra.

(Theo CNN, Le Monde)

Song Minh

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu vừa cập nhật, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2013 chỉ đạt 3,5%, thấp hơn dự báo 3,6% đưa ra trước đó. Năm 2014, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 4,1%. Cũng theo IMF, kinh tế eurozone sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2014. IMF cảnh báo, eurozone vẫn tiềm ẩn rủi ro lớn đối với kinh tế toàn cầu nếu giới chức ở đây không nỗ lực cải thiện nền kinh tế và tiến tới lập liên minh ngân hàng. Trong khi đó, IMF dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng 3% năm 2014. Nhật Bản tăng trưởng 0,7% năm 2013, 2014. IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng Trung Quốc là 8,5%.

 


Ý kiến của bạn