Hà Nội

200.000 người Việt bị đột quỵ não mỗi năm, cách phòng bệnh trong rét đậm

29-12-2022 06:30 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Đột quỵ não là nguyên nhân dẫn tới tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới, chỉ sau ung thư và tim mạch. Kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền sẽ giúp người bệnh được cứu sống và phục hồi một cách toàn diện, để sớm hòa nhập cộng đồng.

Đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đột quỵ não là một hội chứng lâm sàng được đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng biểu hiện tổn thương của não (thường là khu trú), tồn tại trên 24 giờ hoặc bệnh nhân tử vong trước 24 giờ. Những triệu chứng thần kinh khu trú phù hợp với vùng não do động mạch bị tổn thương phân bố, loại trừ nguyên nhân chấn thương.

Đột quỵ não là nguyên nhân dẫn tới tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới sau ung thư và tim mạch, là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế.

Đột quỵ não thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Khi đó, não bị thiếu oxy, thiếu dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Đây là một trong những bệnh lý thần kinh nguy hiểm và phổ biến nhất.

Thống kê của Hội Đột quỵ não Việt Nam cho biết, hàng năm có khoảng 200.000 người bị bệnh lý này ở nước ta. Đặc biệt bệnh hay xảy ra vào mùa lạnh và khi thời tiết thay đổi đột ngột.

Đột quỵ não là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu nhưng chỉ rất ít trường hợp đột quỵ ở Việt Nam đến bệnh viện trong 6 giờ đầu - thời gian vàng để cứu sống người bệnh.

Kết hợp Đông – Tây y trong điều trị đột quỵ như thế nào?

photo-1672241341549

GS.TS.BSCC Lê Văn Thính, Trưởng Đơn vị Đột quỵ não – Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai.

Tại Hội nghị khoa học toàn quốc Phòng và điều trị đột quỵ não bằng Đông- Tây y kết hợp do Hội Đông y Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, GS.TS.BSCC Lê Văn Thính, Trưởng Đơn vị Đột quỵ não – Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Đột quỵ não cấp tính cần phải được cấp cứu bằng y học hiện đại, bằng mọi cách để cứu sống bệnh nhân, nhưng sau khi được cứu sống, hầu hết bệnh nhân sẽ có những di chứng với các mức độ khác nhau như: Liệt vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn ngôn ngữ và một số rối loạn cơ thể khác. Do đó, ở giai đoạn sau phối hợp với các phương pháp của Đông y để điều trị.

Theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, trong Đông y, bệnh đột quỵ não đã được mô tả với danh từ ‘trúng phong’ cùng biểu hiện bệnh đột ngột, bệnh nhân hôn mê hoặc bị yếu, liệt mặt, tay hoặc liệt nửa người.

Y học cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn phục hồi cho người bệnh như với các phương pháp như: Châm cứu, tập luyện, xoa bóp và dùng thuốc… Do đó, việc phục hồi chức năng sớm bằng các phương pháp y học cổ truyền là một trong những lựa chọn và là thế mạnh của Đông y.

Tuy nhiên, người dân nhận phải biết được các biểu hiện của đột quỵ để đến bệnh viện giai đoạn sớm nhất. Ví dụ: Khi thấy không cầm nắm được chặt, tay đưa lên khó, mặt liệt méo… cần đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. 

photo-1672241343184

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam.

Phòng ngừa đột quỵ thế nào?

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cho biết, các yếu tố làm gia tăng các ca đột quỵ và trẻ hóa như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… không được kiểm soát. 

Bên cạnh đó, hút thuốc, stress quá nặng cũng là nguyên nhân gây đột quỵ. Do đó, việc kiểm soát tốt các tình trạng này là rất quan trọng, để phòng ngừa đột quỵ.

Ngoài ra, sự đổi mùa, không khí lạnh, đặc biệt lạnh đột ngột là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm cho đột quỵ não gia tăng. Do đó, ngoài việc kiểm soát tốt các tình trạng mạn tính, cần phải chú ý chống nhiễm lạnh, lưu ý đến ăn mặc, tắm gội… kiểm soát lạnh trong mùa đông cũng giúp phòng ngừa đột quỵ.

Mới đây, Hội Đông y Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học toàn quốc phòng, chống đột quỵ não bằng đông-tây y kết hợp. Đây là dịp để các thầy thuốc Tây y và Đông y cập nhật, trao đổi kiến thức, chia sẻ điểm mạnh, từ đó kết hợp tạo hiệu quả tối ưu trong phòng ngừa và điều trị căn bệnh này, nhất là trong thời điểm mùa lạnh như hiện nay ở nước ta.

Tham gia hội nghị có đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ, nghiên cứu viên trong lĩnh vực cấp cứu điều trị đột quỵ, thần kinh, phục hồi chức năng của các cơ sở y tế hàng đầu về y học hiện đại và y học cổ truyền như: Bệnh viện Bạch Mai; Viện Châm cứu Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội… và hàng chục nghìn hội viên Hội Đông y Việt Nam trên cả nước tham dự qua hình thức trực tuyến.

Mùa của đột quỵ não: Làm thế nào để phòng tránh?Mùa của đột quỵ não: Làm thế nào để phòng tránh?

Cứ vào dịp cuối năm khi thời tiết chuyển lạnh, nguy cơ đột quỵ gia tăng, đặc biệt ở những người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn mỡ máu… Điều đáng nói, độ tuổi đột quỵ não ngày càng trẻ hóa.

Mời độc giả xem thêm video:

4 sai lầm 'kinh điển' khi ăn trái cây nhiều người mắc phải


Thu Hương
Ý kiến của bạn