20 trường học nào ở Hà Nội vẫn chưa thể dạy trực tiếp?

23-09-2024 17:58 | Xã hội
google news

SKĐS - Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện còn 20 trường học chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp do còn nằm trong vùng ngập lụt sau hoàn lưu của cơn bão số 3.

Theo Sở GD&ĐT, trong tổng số 20 trường chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp, có 8 trường mầm non, 6 trường tiểu học và 6 trường trung học cơ sở. Đáng chú ý, cả 6 trường tiểu học và 6 trường trung học cơ sở chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp đều thuộc huyện Chương Mỹ.

Cụ thể, ở cấp tiểu học là các trường: Hữu Văn, Hoàng Văn Thụ, Mỹ Lương, Xuân Mai B, Tân Tiến, Thủy Xuân Tiên; ở cấp trung học cơ sở là các trường: Nam Phương Tiến A, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Tân Tiến, Thủy Xuân Tiên.

Trong 8 trường mầm non chưa thể đón trẻ đến trường có 4 trường thuộc huyện Chương Mỹ, 2 trường ở huyện Mỹ Đức, 1 trường ở huyện Ba Vì và 1 trường ở thị xã Sơn Tây.

20 trường học nào ở Hà Nội vẫn chưa thể dạy trực tiếp?- Ảnh 1.

Một trong 4 trường mầm non thuộc huyện Chương Mỹ vẫn chưa thể đón trẻ đến trường. Ảnh: Bảo Kiến

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết đã giao quyền chủ động cho các trường. Tùy tình hình cụ thể tại địa phương và điều kiện của học sinh, các trường đã và đang triển khai phương án ứng phó linh hoạt với mục tiêu bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho học sinh, đồng thời dồn lực tập trung khắc phục hậu quả thiên tai để sớm ổn định việc dạy, học.

Đối với những trường chịu nhiều thiệt hại, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có thiết bị học trực tuyến hoặc gia đình ở vùng ngập, bị mất điện, nhà trường tạm thời cho học sinh dừng học hoặc hướng dẫn học tại nhà bằng các hình thức phù hợp.

Thực hiện giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với các trường ảnh hưởng bão lũ

Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT về việc tổ chức dạy học đối với các trường thiệt hại do bão lũ. Để bảo đảm duy trì việc học cho tất cả học sinh và hoàn thành chương trình năm học theo kế hoạch, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn để bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình theo khung thời gian năm học nhưng không gây áp lực, quá tải cho giáo viên và học sinh.

Trong đó lưu ý rà soát, có phương án phù hợp để đưa học sinh ở các trường, điểm trường chưa hoạt động trở lại về điểm trường chính hoặc các trường khác trong khu vực để học tập; đối với những học sinh phải di chuyển quá xa nhà thì có phương án phù hợp với điều kiện thực tế để hỗ trợ học sinh được học bán trú, nội trú trong thời gian khắc phục ảnh hưởng của mưa lũ.

Huy động giáo viên ở các trường trên địa bàn hỗ trợ giáo viên và học sinh các nhà trường bị thiệt hại do bão lũ để tổ chức dạy học; dạy bù cho các đối tượng học sinh phải nghỉ học. Đối với những học sinh do điều kiện khó khăn chưa thể đến trường, nhà trường có phương án phù hợp với điều kiện thực tế để duy trì việc học cho học sinh như giao bài, cử giáo viên trực tiếp hỗ trợ theo từng học sinh hoặc nhóm học sinh tại nơi cư trú, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường, xây dựng kế hoạch học bù cho học sinh bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ I và cả năm học theo kế hoạch giáo dục chung của địa phương và cả nước.


Giáo dục lòng nhân ái cho học sinh qua các hoạt động thiện nguyệnGiáo dục lòng nhân ái cho học sinh qua các hoạt động thiện nguyện

SKĐS - Sau bão số 3, giáo viên và học sinh nhiều trường trên cả nước đã chung tay quyên góp tiền, sách vở... cùng các nhu yếu phẩm để ủng hộ đồng bào bị bão lũ. Thông qua việc ủng hộ dù ít hay nhiều, học sinh sẽ học được bài học về tình tương thân tương ái, về trách nhiệm đối với cộng đồng.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn