Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2024 đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội (điểm nhận đăng ký xét tuyển đại học chính quy) là 20 điểm (chưa nhân hệ số, đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng (nếu có)).
Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Đại học Quốc gia Hà Nội và Bộ GD&ĐT (đối với nhóm ngành Sức khỏe, Đào tạo giáo viên), các đơn vị đào tạo ra thông báo điểm ngưỡng theo ngành/nhóm ngành/chương trình đào tạo (tối thiểu bằng điểm ngưỡng do Đại học Quốc gia Hà Nội và Bộ GD&ĐT quy định).
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng yêu cầu các trường đại học thành viên báo cáo Ban Chỉ đạo tuyển sinh điểm ngưỡng của đơn vị trước 17h ngày 19/7, đồng thời, công bố công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị, Cổng thông tin tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội có 13 đơn vị tuyển sinh đại học chính quy với 18.000 chỉ tiêu cho 150 ngành/chương trình đào tạo, tăng hơn 3.000 chỉ tiêu so năm ngoái.
Trước đó, Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố ngưỡng đầu vào đối với các phương thức khác phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Ngưỡng đầu vào đối với thí sinh sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức đạt tối thiểu 80/150 điểm trở lên (một số ngành khối Sức khỏe: Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học ngưỡng đầu vào đạt tối thiểu 100 điểm); Ngưỡng đầu vào đối với thí sinh sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức đạt tối thiểu 750/1200 điểm trở lên.
Đối với thí sinh sử dụng chứng chỉ A-Level tổ hợp kết quả 3 môn thi theo các khối thi quy định của ngành đào tạo tương ứng đảm bảo mức điểm mỗi môn thi đạt tối thiểu 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60).
Đối với thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi SAT là 1100/1600.
Đối với thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa ACT (American College Testing) đạt điểm từ 22/36.
Đối với thí sinh là người Việt Nam đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương ở nước ngoài phải có kết quả học tập 3 môn học bậc THPT theo tổ hợp môn xét tuyển tương ứng của ngành để học (điểm các môn học xét tuyển tương đương với yêu cầu xét tuyển thí sinh có chứng chỉ A-Level) kết hợp với kiểm tra kiến thức chuyên môn và năng lực Tiếng Việt hoặc năng lực ngoại ngữ (tùy theo yêu cầu của ngành học để xét tuyển) đáp ứng quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT và của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngưỡng đầu vào đối với xét tuyển kết hợp là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS tối thiểu 5.5 hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác quy định tại Quy chế tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội và có tổng điểm 2 môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 14 điểm trong kỳ thi THPT năm 2024 (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn).
Đối với ngành thuộc lĩnh vực Sức khỏe (Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt) và các ngành đào tạo có cạnh tranh cao ưu tiên xét tuyển những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 6.5 trở lên kết hợp với các môn chuyên môn (điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển phải đạt tối thiểu 16 điểm). Các tiêu chí cụ thể khác, điều kiện tối thiểu để đăng ký dự tuyển vào từng ngành được quy định cụ thể trong đề án tuyển sinh của các đơn vị.
Ngoài ra, một số đơn vị có ngành/chương trình đào tạo, lĩnh vực đặc thù có phương thức tuyển sinh riêng (thi năng khiếu hoặc phỏng vấn kết hợp với kết quả học tập THPT/kết quả thi tốt nghiệp THPT/kết quả thi ĐGNL/chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ - VSTEP), ngưỡng đầu vào được quy định chi tiết trong đề án thành phần.
Các chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ tiếng Anh VSTEP, kết quả thi Đánh giá năng lực phải còn hạn sử dụng tính đến ngày thí sinh đăng ký xét tuyển (thời hạn sử dụng 2 năm kể từ ngày dự thi).
Theo kế hoạch, việc xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2024 hoàn tất chậm nhất vào ngày 19/7.
Thí sinh có thể nộp đơn phúc khảo bài thi từ ngày 17 - 26/7. Chậm nhất ngày 23/7, các trường THPT cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh.
Từ ngày 18/7 - 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 31/7, đối tượng thí sinh diện xét tuyển thẳng xác nhận nhập học trên hệ thống (nếu có).
Từ ngày 31/7 - 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Trước 17 giờ ngày 19/8, các cơ sở đào tạo thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 và trước 17h ngày 27/8, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.