Học con chữ, cái nghề buổi đầu khó nhọc lắm. Thế rồi thánh thót nó cũng ngấm dần vào đầu óc thành kiến thức, len lỏi vào chân tay con mắt thành kỹ năng. Cốt cách con người, y đức của người thầy thuốc, tinh thần vượt khó để hoàn thiện bản thân, sự đón nhận hy sinh thiệt thòi vì bệnh nhân và học trò… cũng là thứ nên học từ lớp người xưa. Tất cả chúng ta đều có sự thẩm thấu nhất định từ các bậc thầy thành cái “tôi” bây giờ, dù muốn hay không, vô hình hay cảm nhận được. Gần đến ngày 20/11 nhớ thương cha, biết ơn các thầy lắm lắm!
Công cuộc học nghề bắt đầu bằng khóa chuyên khoa sơ bộ năm 1994. Bắt đầu khai giảng cũng là khi thời tiết vẫn còn nóng lắm, nóng phát điên. Trong chiếc blouse trắng nhất mà bố cho tôi mồ hôi không lúc nào ngừng chảy. Lúc thì rìn rịn, lúc thì túa ra, chẳng mấy blouse đã đổi màu vàng úa. Quạt điện là vũ khí chống nóng chủ yếu. Muốn biết cái mát của điều hòa chỉ có vào phòng mổ, một vài phòng máy của bệnh viện. Buổi sáng chúng tôi đi lâm sàng, chiều học lý thuyết trên hội trường là phòng giao ban bệnh viện bây giờ. Buổi trưa nhân viên và bệnh nhân ăn trưa ở quán bà Đỗ khá đông đúc bên cạnh những người yêu cặp lồng cơm mạn tính như bố tôi. Nhanh chóng kết thúc bữa trưa rồi mọi người túa đi tìm chỗ nghỉ trưa, các phòng giao ban dọc ngang nhân viên và học viên nằm nghỉ. Bệnh viện thời đó chỉ có hai dãy nhà chính: Khu dọc đường Bà Triệu và khu nhà B bây giờ. Nhà B được xây mới có thêm một hội trường và thư viện. Chúng tôi hay được dự báo cáo khoa học, lễ bảo vệ luận văn, chuyên gia giảng dạy… Nhờ vậy học được thêm nhiều kiến thức ngoài các bài giảng theo lịch, tiếng Anh, tiếng Pháp cũng được làm quen dần…
Thủa học viên còn thưa thớt (khóa chúng tôi có 42 người), nội trú chỉ có vài người nên chúng tôi thỏa sức tung hoành trong bệnh viện. Bệnh viện toàn người hiền và yêu quí học viên. Không cứ gì bậc giáo sư. Anh Tiến, bác Duyệt dạy chúng tôi tỉ mỉ cách đo nhãn áp, sao cho tròn cho nét, mẹo mực sao cho đo được những trường hợp khó. Cô Tâm cho tôi mân mê máy đo thị trường Landold trên bệnh nhân. Nếu đến viện được vào chủ nhật chị Hạnh, chị Hồng khoa Đông y sẽ cho tôi có cơ hội tiêm mắt nhiều hơn, dạy cả tiêm ngoài da, tiêm trong kết mạc, tiêm tách dính. Anh Thắng, cô Ngọc hay cho tôi thử laser cho có “khái niệm”. Bố tôi vào các buổi chiều muộn hay dạy tôi soi đáy mắt sao cho không làm khổ bệnh nhân mà vẫn tầm soát được tổn thương. Cách tháo lắp mắt giả của ông cũng là thứ mà không ai dạy và cũng ít người muốn học.
Bao nhiêu người đã truyền nghề cho chúng tôi mà chúng tôi chẳng thể gọi là thầy. Mong nhiều người có thể đọc được những dòng này để biết là chúng tôi hàm ơn họ biết bao. Đám học viên chúng tôi được giao việc, cho phụ mổ, cho làm thủ thuật nên càng phấn chấn và chăm chỉ lắm. Một ngày học bắt đầu bằng thay băng và đi buồng. Đôi tay không găng sẽ được nếm trải cồn mát rượi trong những ngày hè cho đến khi rét cóng vào mùa đông cũng là hết 12 tháng học chuyên khoa sơ bộ. Sau đó chúng tôi tỏa đi các phòng mổ chìm trong các ca mổ cho đến trưa hoặc quá trưa.
Tôi có dịp được ngắm nhìn những “bàn tay vàng” của Bác Biền, cô Thanh, cô Thư, cô Mai thời đấy. BS. Lã Huy Biền có bàn tay thô ráp không có gì đặc biệt nhưng thật khéo léo, cẩn trọng và không thừa động tác nào. Có lẽ nhờ bản lĩnh trận mạc của người lính ngày xưa, tôi không thấy bác run hay bối rối bao giờ, ca thứ nhất đến ca thứ mười đều mượt mà như nhau. Bác làm được nhiều loại phẫu thuật khác nhau, nụ cười trên miệng, hay trêu đùa tôi vì biết tôi là con ông Sinh.
Các bác sĩ khám mắt cho bệnh nhân cao tuổi.
Học khó nhất, học mãi vẫn thấy khó nhưng luôn thấy thú vị là những giờ giảng của thầy Tiến (GS. Hà Huy Tiến). Khúc xạ, lác luôn làm học viên đau đầu, khó nhớ, học rồi lại quên. Chỉ có thầy Tiến thấy là đơn giản, nhớ nhiều, biết hết (chúng tôi cảm nhận vậy). Tật khúc xạ nhờ có thầy mà đã sáng như thắp đuốc trong đầu. Ngày đó tôi đã biết lác rất khó và có môn học riêng - strabology hay lác học là do vậy. Độ lác tiên phát, thứ phát chúng tôi được học từ ngày đó. Thầy Tiến khi đó đã là giáo sư cùng với thầy Dẫn, thầy Duy Hòa, thầy Tân… đã nghỉ mổ xẻ chỉ còn hội chẩn giảng bài và quản lý khoa phòng. Ai cũng giản dị, sẵn sàng giảng dạy, truyền thụ. Học viên lười biếng hay dốt tí có thể bị mắng nhưng hàm lượng giáo dục vẫn rất cao nên người bị mắng không cảm thấy bị tổn thương. Thấy đám sơ bộ chúng tôi đứng đông, vẻ nhàn rỗi thầy hất hàm “có muốn học tí không”, chúng tôi nhao nhao “có ạ” . Thầy cười “thế thì mua cho tao cốc chanh đá, điếu thuốc, tao giảng cho mà nghe”. Trời ạ! Chẳng ai nghĩ cốc chanh đá, điếu thuốc lá là món bồi dưỡng xứng đáng với thầy nhưng nhờ yêu cầu nhỏ nhỏ đó mà thầy trò mới gần nhau đến vậy. Thầy hay xưng hô mày tao nên giờ học với thầy vui như họp gia đình. Cặp kính đen gọng to, mắt nheo nheo, miệng tuy hơi móm nhưng luôn tươi roi rói. Kiến thức cứ tuôn ra mê hoặc chúng tôi, vốn ngoại ngữ và chuyện xưa của thầy làm tôi phục mê.
Ai cũng sợ thầy Tân. Đúng ra là khó có người tự tin trụ vững trước kiến thức, phong cách khoa học, nghiêm túc và động não tới cùng khi đối mắt với bệnh tật của thầy. Dễ sinh ra sợ sệt là do vậy. Ấy vậy mà khi đi học khoa Mắt hột thời đó chúng tôi không hề bị mắng mà còn được học nhiều. Tôi nhớ mãi khi thầy hội chẩn một bệnh nhân đập con gián chết và cho nó là thủ phạm gây ra u kết mạc dạng biểu mô cho mình. Cả bệnh nhân và bác sĩ điều trị đều lơ là và mơ hồ quan hệ nhân quả đó. Do con gián thật hay không: Cự ly khi đập nó có đủ gần, chất tiết của nó hay chân tay của nó bay vào… Phải khai thác như thám tử như vậy mới có giá trị định hướng chẩn đoán được, thầy nhấn mạnh. Bác sĩ còn bị thầy mắng tơi bời chứ không phải lũ học viên thấp cổ bé họng như chúng tôi. Thầy cũng thương sinh viên lắm. Dần tôi cũng bớt sợ thầy hơn và chuyển sang ngưỡng mộ. Sẽ chẳng thể nào quên thầy Tân cao nhưng dáng dấp gày gò, dáng đi nghiêng nghiêng, giọng lơ lớ như người nước ngoài nói tiếng Việt, bàn luận với chuyên gia Anh, Pháp sôi nổi không cần phiên dịch. Với tôi còn một kỷ niệm khó quên là Tết năm nao khi tôi còn bé bác Tân đem nguyên suất thịt, lòng Tết bệnh viện chia cho đến tập thể tặng cho nhà tôi ăn Tết. Bác nói ở Hà Nội có một mình, vợ con ở trong Nam cả, không có nhu cầu ăn Tết nên tặng cho gia đình sáu miệng ăn chúng tôi. Cả nhà mời mãi bác mới ngồi ăn mấy miếng lòng lợn, uống chén rượu với bố tôi rồi nhanh chóng cáo về. Thầy Tân giỏi giang, nghĩa hiệp, tính khí đặc biệt luôn nổi danh trong ngành Mắt cho đến tận bây giờ.
Còn ai nữa thầy Dẫn mặc áo bông xanh, quấn khăn to xụ giảng bài soi đáy mắt. Thầy Duy Hòa với cặp kính trắng, trán rộng và cao tít giảng bài viêm kết mạc mùa xuân. Thầy Nại hiền như bụt hay đi buồng kéo theo đàn học viên như rồng rắn. Gần như tất cả đã về với tổ tiên nhẹ nhàng, giản dị nhưng mỗi khi nhớ lại, nhắc lại hình bóng các thầy, tài năng, đức độ vẫn là những tấm gương sáng trong lòng lớp lớp học trò, đồng nghiệp và thân nhân...
Xin có vài dòng tưởng nhớ các thầy, các bậc tiền nhân thay cho bó hoa và cái ôm thật chặt.