Hà Nội

2 vị thuốc quý chữa hiếm muộn ở nam giới

SKĐS - Theo Y học cổ truyền (YHCT), sâm cau có vị cay, tính nhiệt, có độc. Quy vào kinh thận, can tỳ. Tác dụng bổ thận dương, cường gân cốt, trừ hàn thấp.

Tiên mao (sâm cau)

Tiên mao hay còn gọi là sâm cau (Curculigo orchioides) Gaertn., họ sâm cau (Hypoxidaceae). Vị thuốc là thân rễ (Rhizoma Curculiginis). Ở Việt Nam, sâm cau có ở vùng núi tỉnh Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang. Về thành phần hóa học, trong thân rễ sâm cau chứa các thành phần saponin thuộc nhóm cycloartan triterpenic như curculigo saponin A F, các triterpen penta cyclic, các phenyl glucosid: Corchiosid A. Về tác dụng sinh học, rễ sâm cau dạng cao cồn có hoạt tính hormon sinh dục nam và kích thích miễn dịch. Còn có tác dụng chống viêm, chống co giật, an thần,  tăng hoạt động của buồng trứng, tăng trọng lượng tử cung và tăng co bóp tử cung.

Theo Y học cổ truyền (YHCT), sâm cau có vị cay, tính nhiệt, có độc. Quy vào kinh thận, can tỳ. Tác dụng bổ thận dương, cường gân cốt, trừ hàn thấp. Trị dương nuy, tinh lạnh, gân cốt mềm yếu, lưng gối đau lạnh, dương hư lãnh tả; đồng thời làm tăng thêm sức nóng cho cơ thể.Liều dùng chung 3-10g. Tiên mao thường dùng phối hợp với các thuốc bổ dương khác như thỏ ty tử, câu kỷ tử, dâm dương hoắc để tăng thêm tác dụng.

Tiên linh tỳ (dâm dương hoắc), vị thuốc là cành lá khô của nhiều loài dâm dương hoắc.

Tiên linh tỳ (dâm dương hoắc), vị thuốc là cành lá khô của nhiều loài dâm dương hoắc.


Tiên linh tỳ

Tiên linh tỳ còn có tên là dâm dương hoắc. Vị thuốc là cành và lá đã phơi hay sấy khô của nhiều loài dâm dương hoắc [Epimedium sagittatum ( Sieb. et Zucc.) Maxim.], họ hoàng liên gai (Berberidaceae). Ở nước ta có 2 loài tiên linh tỳ được khai thác. Chúng mọc ở vùng núi cao trên 1.500m, như Sa Pa, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang.

Về thành phần hóa học, lá dâm dương hoắc chứa prenylflavon glucosid, epimedosid A, epimedin B, C, sagittatosid A, B... Về mặt sinh học, dâm dương hoắc có tác dụng làm tăng lượng hormon sinh dục testosteron trên động vật thí nghiệm. Tuy nhiên, dạng lá tươi không có tác dụng.

Theo YHCT, dâm dương hoắc có vị cay, ngọt, tính ấm. Quy vào các kinh can, thận. Có tác dụng bổ thận, tráng dương, mạnh gân cốt, trừ phong thấp đau nhức. Trừ  tê bì, co quắp chân tay. Dùng khi thận dương hư nhược, dương nuy, di tinh, tảo tiết. Dâm dương hoắc được dùng chữa một số chứng sau:

Chữa liệt dương: phối hợp với tiên mao, ngũ gia bì mỗi vị 125g; long nhãn 40g. Các vị ngâm với rượu gạo 3-4 tuần lễ. Mỗi lần uống 20-30ml vào buổi tối,  trước khi đi ngủ.

Chữa xuất tinh sớm (tảo tiết): dâm dương hoắc, phá cố chỉ, thục địa, hoài sơn, hồ lô ba, thỏ ty tử, ba kích thiên, ích trí nhân, phục linh, sơn thù nhục mỗi vị 500g. Tất cả nghiền bột mịn, làm hoàn, mỗi lần uống 10g, ngày 2 lần.

Tiên mao còn gọi sâm cau, vị thuốc là thân rễ khô của cây sâm cau.

Tiên mao còn gọi sâm cau, vị thuốc là thân rễ khô của cây sâm cau.


Phương thuốc “Tán dục đan”

“Tán dục đan” là phương thuốc quý của YHCT, dùng trị chứng hiếm muộn ở nam giới. Trong trường hợp dương vật không cương cứng hoặc có cương nhưng không bền, lưng gối đau mỏi, hoạt tinh, số lượng tinh trùng giảm sút, không đủ để thụ thai. Phương này gồm có các vị: thục địa, đương quy mỗi vị 16g; bạch truật, nhục thung dung, ba kích, kỷ tử, đỗ trọng, tiên mao mỗi vị 12g; phụ tử (chế), sơn thù, tiên linh tỳ mỗi vị 8g; phỉ tử 7g, xà sàng tử, nhục quế mỗi vị 6g.

Trong thành phần phương Tán dục đan có nhiều vị thuốc chứa tinh dầu nên bào chế theo 3 cách:

Dạng đan (dạng viên tròn nhỏ): đem các vị thuốc mà thành phần chứa tinh dầu như đương quy, bạch truật, phỉ tử, nhục quế, và những vị thuốc có thể chất mỏng manh, xốp, giòn như kỷ tử, sơn thù, xà sàng tử tán thành bột mịn. Các vị còn lại như tiên mao, tiên linh tỳ, thục địa, nhục thung dung, ba kích, đỗ trọng, phụ tử (chế) nấu thành cao mềm. Phối hợp bột mịn với cao làm thành viên hoàn nhỏ. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g, trước bữa ăn 1giờ 30 phút.

Thuốc sắc: đem đương quy, bạch truật, phỉ tử, quế nhục tán thành bột mịn. Các vị còn lại sắc 3 lần, mỗi lần đun sôi 1 giờ. Gộp dịch chiết chia 3 lần, uống trước bữa ăn 1giờ 30 phút. Mỗi lần uống lấy 1/3 lượng bột của 4 vị thuốc  trên quấy đều rồi uống.

Nếu không tán bột, đem 4 vị thuốc sắc vào 30 phút cuối của lần sắc thứ 3. Làm như vậy để chống thất thoát những hoạt chất là thành phần bay hơi có trong vị thuốc.

Thuốc rượu: đem tất cả các vị thuốc trong phương ngâm vào rượu gạo có nồng độ ethanol khoảng 35-40 độ trong 3 tuần lễ, gạn rượu, uống riêng. Tiếp tục ngâm lần 2, lần 3. Cũng có thể gộp dịch chiết cả 3 lần ngâm. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 20-30ml trước bữa ăn hoặc trước  khi đi ngủ.


GS.TS. PHẠM XUÂN SINH
Ý kiến của bạn