Trần Kim Khôi hiện là hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, là gương mặt biên kịch trẻ, xông xáo và nhiều sáng tạo với nhiều kịch bản sân khấu gây ấn tượng cảm xúc đến khán giả. Bắt đầu sáng tác từ năm 2004, bằng những tiểu phẩm, và năm 2009, Khôi viết kịch bản dài đầu tiên “Bạn thằng Bờm”, đã được dàn dựng trên sân khấu.
Biên kịch SKĐA Trần Kim Khôi
Năm 2010, Khôi là tác giả trẻ nhất với tác phẩm “Vùng tối” tham dự Liên hoan Sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân” – Nhà hát Thế Giới Trẻ- Đại học SKĐA TP Hồ Chí Minh. Năm 2015 Khôi vẫn là biên kịch trẻ nhất khi tham gia Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015 và Liên hoan Sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân” với vở “Bông hồng vàng” - Nhà hát Thế giới Trẻ dàn dựng.
Năm 2014, Khôi đã tạo dấu ấn đầy ấn tượng với sân khấu Việt Nam và cả với các nhà biên kịch có tên tuổi với vở “Cây bàng vuông”, đề tài chủ quyền biển đảo Trường Sa- Hoàng Sa, sau dịp được đi trải nghiệm thực tế Trường Sa. Vở kịch đã được NSƯT- Đạo diễn Hoa Hạ dựng theo phong cách nhạc kịch, đã diễn thành công hàng chục buổi. Riêng Khôi đã được Giải thưởng của Liên hiệp các hội Văn học NT Việt Nam dành cho vở diễn xuất sắc năm 2014, giải B của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ngoài các vở kịch dành cho sân khấu chuyên nghiệp, Khôi còn sáng tác nhiều vở kịch ngắn phục vụ cho phong trào văn hóa cơ sở, các Câu lạc bộ văn hóa quận/ huyện. Ở mảng này Khôi cũng gặt hái nhiều thành tích, hàng loạt giải Nhất cho các vở “Kịch bản con mõ”, “Toàn đàn ông”, “Chảy về đâu”…, do Cục văn hóa cơ sở tổ chức. Gần nhất là kịch bản “Thùng rác thông minh”, giải Nhất kịch ngắn kịch vui do Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Biên kịch Trần Kim Khôi- Cảnh trong vở kịch Cây Bàng vuông
Là nhà biên kịch và vì muốn kịch bản của mình khi viết ra là sẽ được dàn dựng trên sân khấu, nên Trần Kim Khôi quyết định học thêm ở Khoa Đạo diễn- Đại học SKĐA TP Hồ Chí Minh. Khôi chia sẻ: “Rất cần kiến thức, kỹ năng của một đạo diễn, sẽ giúp giảm thiểu được những dư thừa mà một người chỉ học biên kịch thường mắc phải. Với cái đầu của một đạo diễn sân khấu, khi viết kịch bản, là đồng thời mình đã “dàn dựng” vở kịch của mình trên giấy thật kỹ lưỡng, khi đưa lên sàn tập, đạo diễn không phải mất nhiều công chỉnh sửa câu chữ nữa”.
Trong những ngày TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Chính phủ lần thứ hai, hỏi Khôi, khi là một người trẻ, tính cách sôi động, thích di chuyển, thích khám phá trải nghiệm thực tế, có cảm thấy buồn chán không. Và thật bất ngờ, Khôi cho biết, không lãng phí một chút thời gian nào, hai tuần này là dịp Khôi thực hiện hai việc thích từ lâu.
Thấy Khôi có cây đàn guitar phím lõm hay mang đi các chuyến thực tế sáng tác?
Dạ vâng. Đó cũng chính là việc thứ nhất trong đợt giãn cách này. Em đang nghiên cứu thêm và học những gì có liên quan đến cải lương nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung. Như học đàn ghi ta phím lõm. Học những bài lý, học bài bản vọng cổ, bài bản tổ để trước hết là trang bị cho mình những kiến thức về nhạc cổ truyền của dân tộc, sau có thể áp dụng để sáng tác ra những tác phẩm mà mình ấp ủ.
Hò, xự, xang, xê, cống…, hay hiểu biết về 20 bài bản tổ 4 mùa (Xuân, Hạ, Thu, Ðông) và 4 hướng (Ðông, Tây, Nam, Bắc): 3 bài Nam gồm: Nam Xuân, Nam Ai Nam Ai Lớp Mái , Đảo Ngũ Cung Song Cước; 6 bài Bắc gồm: Lưu Thủy, Xuân Tình, Phú Lục , Bình Bán, Tây Thi, Cổ Bản; 7 bài Lễ gồm: Xàng Xê, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Ðối Hạ, Long Ðăng, Long Ngâm, Vạn Giá, Tiểu Khúc; 4 bài Oán gồm: Tứ Ðại Oán, Giang Nam, Phụng Cầu Hoàng, Phụng Hoàng Cầu; 4 bài Oán phụ gồm: Văn Thiên Tường, Bình Sa Lạc Nhạn, Thanh Dạ Đề Quyên, Xuân Nữ
Là những cung bậc “tiếng nói dân tộc” một thời gian dài và cho tới giờ vẫn chiếm trọn tình yêu trong em.
Khôi học bằng cách nào trong khi giãn cách như thế này?
Thật ra, không phải tới lúc này mới học, mà em đã học lai rai từ lâu. Cũng có kiếm thầy thợ bài bản đàng hoàng. Ngoài việc học ở những anh, chị tác giả có chuyên môn về cải lương thông qua những cuộc trao đổi với các soạn giả Lê Duy Hạnh, Đăng Minh, Kim Oanh, Phạm Tân, Đức Hiền… em giờ còn lên mạng học thêm nhiều người khác từ những clip nói chuyện của nhạc sỹ Huỳnh Khải (nhạc viện thành phố) và đặc biệt là những clip của cố giáo sư Trần Văn Khê. Với em, giáo sư là một người thầy lớn dù thầy đã mãi mãi đi xa.
Từ niềm say mê đó, em cũng tập tành viết được những bài vọng cổ, những điệu lý, những bài bản tổ, chặp cải lương với mong ước sau này có thể tự viết được một vở cải lương nào đó. Sự thật thì em cũng đã hoàn thành một kịch bản cải lương 90 phút nhưng chắc chưa có duyên nên vẫn còn đợi các đoàn “rước”.
Việc thứ hai thì sao?
Em có một đam mê và đang định vị viết cho thiếu nhi. Vì em rất yêu trẻ con. Em thật sự quan tâm mảng đề tài này, vì lâu nay, văn hóa nghệ thuật nói chung dành cho thiếu nhi rất thiếu, riêng kịch bản cho thiếu nhi càng hiếm hơn. Thời gian này em đang tập trung sáng tác những tác phẩm liên quan đến thiếu nhi. Những bài lý cho thiếu nhi, kịch bản phim hoạt hình và nhất là trong sở trường của mình là kịch bản sân khấu.
Hiện tại kịch bản rối “Hạt mầm yêu thương” - chuyển thể từ truyện ngắn “Một bà mẹ” của Andersen do em viết (Đạo diễn Trí Đức), dài 30 phút, do Nhà hát Phương Nam tại TP Hồ Chí Minh đầu tư dàn dựng và dự định sẽ dự Liên hoan Múa rối Quốc tế ở Hà Nội vào cuối năm 2021. Nếu không có dịch thì đã được ra mắt các em thiếu nhi TP vào ngày 1/6 này rồi. Nhưng có thời gian giãn cách này, cũng hay, là em và cả ekip vở rối có thêm những chăm chút cho hoàn hảo hơn.
Tác phẩm em đang dự định trong dự án năm 2021 của Liên hiệp Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh sắp tới, cũng chọn đề tài về thiếu nhi, chủ đề Bác Hồ với thiếu nhi.
Nói chung, bây giờ đề tài thiếu nhi chiếm trọn suy nghĩ của em. Em muốn những tác phẩm thiếu nhi của em sẽ là quà tặng cho các con của mình sau này.