Mới đây, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tiếp nhận, hội chẩn từ xa với Trung tâm Y tế huyện Tiên Lãng trường hợp bệnh nhi 10 tuổi dương tính SARS-CoV-2 bị đau bụng dữ dội vùng trên rốn kèm sốt, nôn suốt 1 ngày.
Hình ảnh chụp Xquang khiến các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi bị thủng tạng rỗng, rất nguy hiểm. Bé được chuyển lên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng để điều trị.
Với chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng dạ dày, bé được phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng, làm sạch, dẫn lưu ổ bụng.
Cũng trong ngày, Bệnh viện xử trí thêm bệnh nhi 5 tuổi vào viện với triệu chứng đau bụng dữ dội vùng trên rốn kèn nôn giờ thứ 12, được chuyển đến với chẩn đoán theo dõi tắc ruột/thủng tạng rỗng trên nền bệnh nhi mắc COVID-19.
Sau mổ, 2 trẻ được tiếp tục điều trị thủng dạ dày, song song với điều trị SARS-CoV-2.
Thủng dạ dày là một cấp cứu ngoại khoa ít gặp ở trẻ em nên thường dễ bị chẩn đoán nhầm. Bệnh đòi hỏi phải chẩn đoán và xử trí kịp thời nếu không có thể dẫn đến nhiều biến chứng như nhiễm trùng, nhiễm độc, nguy hiểm tính mạng.
Theo ThS.BSCKI Nguyễn Minh Hải - Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp thuộc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, một trong 3 nhóm nguyên nhân chính gây thủng dạ dày do viêm loét dạ dày – tá tràng là sử dụng thuốc chống viêm không Steroid không đúng cách.
Với các ca bệnh COVID-19 trên đây, các bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân hai bệnh nhi bị thủng dạ dày liên quan việc gia đình tự ý cho con sử dụng thuốc không đúng.
BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, thành viên nhóm bác sĩ quân y tư vấn F0 tại nhà, cho hay đại đa số F0 điều trị tại nhà khi nhắn tin, gọi điện nhờ ông tư vấn điều trị đều đề cập tới việc dùng kháng sinh, kháng viêm.
Không ít người chia sẻ với bác sĩ việc được nhân viên quầy thuốc tư vấn khuyên dùng các loại thuốc kháng sinh, chống viêm, dù người nhà, trong đó có trẻ nhỏ, mới phát hiện dương tính và chưa có triệu chứng. "Một số loại thuốc đó có chứa Corticoid nhưng có thể người dân không biết hoặc không đọc thành phần thuốc, tin tưởng vào lời khuyên của người bán thuốc" - BS Hoàng nói.
Lấy ví dụ về triệu chứng đau họng, viêm/sưng họng rất thường gặp ở người dương tính những ngày đầu. BS Hoàng cho hay nhiều F0 khi liên hệ với nam bác sĩ phàn nàn tình trạng viêm họng và mong muốn dùng kháng sinh.
Tuy nhiên, vị bác sĩ này đều khuyên rằng nếu đau họng, viêm họng do virus thì không dùng kháng sinh. Bởi kháng sinh không có tác dụng với virus (như SARS-CoV-2), chỉ có tác dụng khi người bệnh bị bội nhiễm vi khuẩn (viêm amiđan, viêm tiểu phế quản, viêm xoang...).
Theo các bác sĩ, thuốc Corticoid hiệu quả nhanh trong vấn đề như giảm triệu chứng sưng họng, dịu họng nhưng dùng thuốc này trong những ngày đầu với F0 triệu chứng nhẹ là "tiếp tay" cho virus nhân lên. "Trong một tuần đầu tiên dương tính, dùng Corticoid cực kỳ nguy hiểm, nó giảm sức đề kháng, lu mờ các triệu chứng" - BS Hoàng chia sẻ.
Nếu dùng lâu, không đúng chỉ định, thuốc chứa Corticoid có nhiều tác dụng phụ, có thể dẫn tới những hậu quả lâu dài, đặc biệt với trẻ nhỏ, như loãng xương, giảm sức đề kháng, yếu cơ, tim mạch…
Việc nhiều bậc phụ huynh tuỳ tiện sử dụng thuốc khi con mắc COVID-19 không phải hiếm. Thay vì hỏi ý kiến bác sĩ, làm theo hướng dẫn của ngành Y tế, không ít gia đình tự tham khảo đơn thuốc của nhau hoặc hỏi "bác sĩ Google" rồi mua tích trữ, sử dụng.
BS Đào Trường Giang (Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) chia sẻ có nhiều phụ huynh nhắn tin hỏi bác sĩ, trong nhà hiện có tới 6-7 loại thuốc, nhưng không biết cho con uống loại gì trước, loại gì sau. Những loại thuốc "xách tay" từ nước ngoài không rõ thành phần cũng được các gia đình tích trữ.
Thực phẩm chức năng dùng cũng phải có chừng
Nhiều phụ huynh còn cho rằng, thực phẩm chức năng, thuốc bổ, thảo dược hay xông mũi, họng… hoàn toàn lành tính, sử dụng nhiều cũng không ảnh hưởng xấu. Tuy nhiên, BS Giang khẳng định, bất cứ loại thuốc nào, kể cả thuốc bổ khi đưa vào cơ thể cũng có thể gây ra tác dụng phụ chưa kể trường hợp dùng nhiều loại cùng một lúc cũng có thể gây ra các tương tác.
BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cho rằng sức đề kháng của mỗi người mạnh lên là do ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, vận động, tập luyện thể dục, thể thao…
Do đó, không thể "nhồi nhét" thuốc bổ, thực phẩm chức năng trong ngày một ngày hai mà tăng được sức đề kháng. Người dân không nên tin theo những loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng được quảng cáo và rao bán trên thị trường, nhất là những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Bởi, đã có những trường hợp phải nhập viện do uống quá nhiều thuốc bổ gây suy thận, suy gan, thậm chí phải lọc máu.