2 quy tắc ăn uống người bệnh đái tháo đường cần 'nằm lòng' để luôn vui khỏe ngày Tết

SKĐS - Tết thường là dịp để mọi người thưởng thức hương vị xuân, nhưng với riêng người bệnh đái tháo đường, việc ăn Tết sao cho vui mà vẫn khỏe thật không dễ. Chuyên gia lưu ý 2 quy tắc giúp người bệnh đái tháo đường vui tết an toàn.

Vào những ngày Tết, cuộc sống thường nhật của người bệnh đái tháo đường bị đảo lộn rất nhiều và dễ bị ảnh hưởng như: ăn ngủ không đúng giờ, ăn tiệc liên tục; ăn vặt thường xuyên, quên uống thuốc, thậm chí có thể hết thuốc mà chưa kịp mua, uống bia rượu, cà phê, thuốc lá.

Do đó, nếu không biết cách chọn lựa món ăn, kiểm soát số lượng ăn vào, cũng như giữ ổn định lịch sinh hoạt, duy trì thuốc đều đặn thì mức đường huyết có thể thay đổi liên tục xuống thấp hoặc tăng cao, thậm chí dẫn đến hôn mê phải nhập viện do đường máu tăng quá cao.

2 quy tắc ăn uống người bệnh đái tháo đường cần 'nằm lòng' để luôn vui khỏe ngày Tết - Ảnh 2.

Các món ăn ngày Tết giàu dinh dưỡng nhưng lại không tốt cho người bệnh đái tháo đường nếu ăn không đúng cách.

Với người bệnh đái tháo đường, việc ăn Tết sao cho vui mà vẫn khỏe thật không dễ, khi đa phần các món ăn truyền thống đều chứa rất nhiều tinh bột như bánh chưng, bánh tét, bánh tráng, bún, củ kiệu, dưa hành, mứt, trái cây… hay chứa nhiều chất béo gây khó khăn trong việc giữ đường huyết được ổn định, dẫn đến những nguy cơ cho bệnh nhân đái tháo đường nếu không kiểm soát được lượng thực phẩm tiêu thụ.

1. Một số lưu ý chung về dinh dưỡng ngày Tết cho bệnh nhân đái tháo đường

Mặc dù Tết thường là dịp sum họp gia đình với những bữa ăn đầm ấm, nhưng người bệnh đái tháo đường vẫn nên chú ý tới các thực phẩm ăn vào. Nên kiêng tối đa các thực phẩm chứa đường hấp thu nhanh, làm tăng đường máu nhiều nhất như bánh, kẹo, mứt, chè, mật ong, nước ngọt.

Ăn vừa đủ các món giàu chất bột đường như cơm, bánh tét, bánh chưng, xôi, bún, miến, bánh tráng, khoai, bắp, sắn, mì…

Hạn chế ăn các món giàu chất béo gồm giò chả, giò thủ, lạp xưởng, thịt đông, thịt kho tàu, nội tạng động vật… có lượng mỡ cao, chứa nhiều năng lượng, dễ làm tăng cân và tăng mỡ máu.

Nhóm thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa, đậu.. có thể ăn như người bình thường. Hạn chế sử dụng thịt đỏ (thịt bò, trâu..) quá nhiều vì tăng nguy cơ mỡ máu đi kèm.

Các hạt có dầu như hạt điều, hạt hướng dương, hạt dưa, hạt bí, hạt dẻ, quả óc chó, đậu phộng…, có chứa nhiều chất béo tốt tuy nhiên cũng rất giàu năng lượng, dễ gây tăng cân, nên những người thừa cân, béo phì không nên ăn nhiều.

Nên ăn nhiều rau xanh (300g-400g/ngày), ăn vừa phải trái cây (200g/ngày), hạn chế các loại trái cây nhiều đường (mít, nhãn, vải, nho, sầu riêng), có thể ăn 1-2 miếng dưa hấu bằng bàn tay/lần, chuối, đu đủ, táo, cam… và ăn nguyên trái thay vì uống nước ép trái cây.

BS. Nguyễn Thị Kim Hải
Cần lưu ý nếu uống nhiều rượu bia mà không ăn đầy đủ có thể dẫn đến hạ đường huyết.

Hạn chế rượu bia ở mức tối thiểu vì bản chất quá trình lên men bia cũng tạo ra đường. Có thể uống 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn/ngày với nữ giới, mỗi đơn vị cồn bằng 1 lon bia (330ml) hay 100ml rượu vang hay 30ml rượu mạnh (40%).

2. 2 quy tắc đặc biệt cần thiết đối với người bệnh đái tháo đường

Sai lầm nghiêm trọng nhất mà người bệnh đái tháo đường thường thực hiện là chia nhỏ bữa ăn. Chia nhỏ bữa ăn sẽ làm đường huyết sau ăn tăng nhiều lần, tương ứng ứng số lần bệnh nhân ăn vào. Mà đường huyết sau ăn góp phần gây các biến liên quan mạch máu lớn và nhỏ.

Để dễ áp dụng bệnh nhân có thể sử dụng phương pháp đĩa thức ăn hoặc quy tắc bàn tay Zimbabwe để ước lượng khẩu phần ăn hằng ngày.

2 quy tắc ăn uống người bệnh đái tháo đường cần 'nằm lòng' để luôn vui khỏe ngày Tết - Ảnh 5.

Hình minh họa về phương pháp đĩa thức ăn phù hợp với bệnh nhân đái tháo đường.

2.1 Phương pháp đĩa thức ăn

(Áp dụng với đĩa có đường kính khoảng 20-22cm)

+ 1/2 đĩa: rau củ

+ 1/4 đĩa: thực phẩm nhóm protein (thịt, cá, trứng...)

+ 1/4 đĩa: thực phẩm nhóm tinh bột (cơm, bún, miến..)

Các loại rau củ ít tinh bột mà bạn có thể tham khảo

  • Măng tây
  • Bông cải xanh hoặc súp lơ trắng
  • Bắp cải
  • Cà rốt
  • Rau cần tây
  • Quả dưa chuột
  • Cà tím
  • Các loại rau xanh nhiều lá như cải xoăn, cải thìa, cải bẹ xanh
  • Nấm
  • Đậu bắp, đậu xanh, đậu Hà Lan, đậu tuyết
  • Ớt: như ớt chuông và ớt cay
  • Rau xanh như rau diếp, rau bina…
  • Các loại họ bí như bí xanh, bí vàng, su su,...
  • Cà chua…

2.2 Quy tắc bàn tay Zimbabwe người bệnh đái tháo đường nên áp dụng

2 quy tắc ăn uống người bệnh đái tháo đường cần 'nằm lòng' để luôn vui khỏe ngày Tết - Ảnh 6.

Hình minh họa cách lựa chọn thực phẩm theo quy tắc bàn tay Zimbabwe.

- Thực phẩm giàu tinh bột: chỉ ăn lượng bằng một nắm tay

-Thực phẩm giàu đạm: ăn một phần bằng 1 lòng bàn tay, có độ dày bằng độ dày ngón tay út.

- Rau: Chọn lượng rau đầy hai lòng bàn tay, chọn các loại rau ít carbohydrate: rau có lá xanh, bông cải xanh, đậu cô ve

- Lượng thực phẩm giàu chất béo: Giới hạn lượng chất béo bằng với đốt đầu tiên của ngón cái ( một muỗng cà phê 5ml). Nên chọn các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu mè, dầu ô liu, dầu hướng dương.

Lời khuyên của bác sĩ cho người đái tháo đường vào mùa đôngLời khuyên của bác sĩ cho người đái tháo đường vào mùa đông

SKĐS - Vào mùa đông, người mắc đái tháo đường phải đối mặt với nguy cơ mắc nhiều biến chứng nặng nguy hiểm hơn như tim mạch và hô hấp.

Xem thêm video đang được quan tâm

Cách giúp bạn "nhẹ bụng" sau những bữa liên hoan, tiệc tùng cuối năm.


BS dinh dưỡng Nguyễn Thị Kim Hải
Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng
Ý kiến của bạn