2 phương án hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện

01-06-2015 19:40 | Thời sự

SKĐS - Để tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện BHXH tự nguyện, Bộ LĐTBXH đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BHXH, trong đó đề xuất hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia tự nguyện

 

Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH tự nguyện, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, dự báo năm 2020, lực lượng lao động có khoảng 60 triệu người và số người tham gia BHXH sẽ là 30 triệu người. Với quỹ thời gian còn 7 năm, để đạt được mục tiêu này thì mỗi năm cần có thêm trên 2,6 triệu người tham gia BHXH, chủ yếu là đối tượng tự nguyện.

Tuy nhiên, triển khai chính sách BHXH tự nguyện sau 8 năm thực hiện cho thấy số người tham gia còn thấp. Tính đến hết ngày 31/12/2014, số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ đạt 196.254 người, chiếm 0,35% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động 0,45% so với số người thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện, tốc độ gia tăng đối tượng bình quân năm giai đoạn 2010- 2014 chỉ đạt 39,4%

bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh giúp người lao động yên tâm khi về già

bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh giúp người lao động yên tâm khi về già

Trên thực tế Luật BHXH sửa đổi năm 2014 có nhiều chính sách tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện như hạ mức sàn thu nhập là căn cứ đóng BHXH bằng mức chuẩn các hộ nghèo của khu vực nông thôn; không khống chế tuổi trần của người tham gia, linh hoạt trong phương thức đóng (đóng một lần cho nhiều năm và đóng một lần cho những năm còn thiếu cơ bản)...

Tuy nhiên, TS Phạm Đỗ Nhật Tân, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH cho rằng, việc thực hiện chính sách bảo hiểm tự nguyện thời gian qua cho thấy, những chính sách tạo điều kiện là chưa đủ. Nếu không được Nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng thì sẽ khó thu hút người lao động tham gia. Khoản 1, điều 87, Luật BHXH có quy định căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm hỗ trợ tiền cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Do đó, để có thể đạt được mục tiêu về mở rộng đối tượng, thì Chính phủ cần sớm triển khai chính sách hỗ trợ

Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ LĐTBXH đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BHXH, trong đó đề xuất hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia tự nguyện;

Hai phương án hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện

Phương án 1 về đối tượng, Nhà nước hỗ trợ tiền cho người tham gia BHXH tự nguyện và hỗ trợ 10 năm đầu; mức hỗ trợ của Nhà nước theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng tối thiểu, 5 năm đầu là 50%; 5 năm tiếp theo là 30%.

Phương án 2, Nhà nước chỉ hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động ở khu vực nông thôn tham gia bảo hiểm tự nguyện, với toàn bộ thời gian tham gia; mức hỗ trợ hằng tháng là 30% mức đóng tối thiểu.

Người tham gia BHXh tự nguyện sẽ được hỗ trợ tiền tham gia BHXH?

Người tham gia BHXh tự nguyện sẽ được hỗ trợ tiền tham gia BHXH?

Về phương thức hỗ trợ:

Người tham gia đóng BHXH tự nguyện phần thuộc trách nhiệm phải đóng cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu BHXH tự nguyện tại cấp xã. Định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ theo mẫu do Bộ Tài chính quy định, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHXH. Cơ quan tài chính căn cứ quy định về phân cấp quản lý ngân sách của địa phương và bảng tổng hợp đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ do cơ quan BHXH chuyển đến, có trách nhiệm chuyển kinh phí vào quỹ BHXH mỗi quý một lần; chậm nhất đến ngày 31/12 hằng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí hỗ trợ vào quỹ BHXH của năm đó.

Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, dự thảo đang lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương,, người dân và sẽ trình Chính phủ trong tháng 7.

Thái Bình

 

 


Ý kiến của bạn