1. Mất chức năng thận, nguy cơ ghép thận do tự ý chữa sỏi thận bằng thuốc nam tại nhà
Mới đây, tại Bệnh viện 19-8 tiếp nhận bệnh nhân T.V.T. (56 tuổi, Hà Nam) trong tình trạng mất chức năng thận và phải điều trị thay thế thận suy bằng kỹ thuật lọc máu ngoài cơ thể, nguy cơ phải ghép thận.
Khai thác tiền sử, bệnh nhân T. cho biết, thấy có biểu hiện đau tức mạn sườn phải, cơn đau lan ra sau lưng. Đi khám bệnh nhân được phát hiện có sỏi thận, có chỉ định nhập viện điều trị. Nhưng theo lời mách bảo của người thân trong gia đình, bệnh nhân tự dùng thuốc nam trong hơn 2 năm. Tình trạng không thuyên giảm, người bệnh quay lại nhập viện trong tình trạng sỏi thận phải, sỏi niệu quản trái, giãn thận độ IV. Đây là giai đoạn vô cùng nguy hiểm của suy thận, làm mất chức năng thận, vỡ thận... có nguy cơ tử vong.
Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, BSCKII Trịnh Hùng, Phó Trưởng khoa Nội Thận Khớp, Bệnh viện 19-8 cho biết, rất đáng tiếc cho bệnh nhân T. Nếu nhập viện điều trị đúng chỉ định ban đầu, sức khỏe bệnh nhân có thể hoàn toàn hồi phục, bình thường... nhưng giờ thì nguy cơ ghép thận là hiện hữu.
Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp không tuân theo chỉ định của bác sĩ, tự ý dùng thuốc nam gây tai biến, và đây là một tai biến rất nặng.
Theo BSCKII Trịnh Hùng, hiện nay số người mắc sỏi tiết niệu tại Việt Nam khá cao, trong đó 40% trường hợp là sỏi thận. Có nhiều phương pháp có thể điều trị sỏi thận hiệu quả. Tuy nhiên, đối với những trường hợp điều trị không đúng phương pháp có thể dẫn tới nhiều biến chứng cấp tính như bít tắc đường niệu, suy thận cấp hoặc nhiễm khuẩn tiết niệu, thận ứ nước, ứ mủ tái phát nhiều lần, nhiễm khuẩn huyết, shock nhiễm khuẩn hoặc suy thận mạn. Kết quả cuối cùng có thể dẫn đến mất chức năng, phải cắt bỏ thận rất đáng tiếc.
2. Cách điều trị sỏi thận
Tùy thuộc vào kích thước, vị trí, biến chứng của sỏi mà có thể áp dụng phương pháp điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.
2.1. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa thường được chỉ định đối với những trường hợp sỏi có kích thước nhỏ (thường là dưới 10mm), sỏi ở vị trí dễ đào thải ra ngoài qua đường tự nhiên, sỏi có hình thái trơn láng và chưa gây ra biến chứng như bít tắc đường niệu, tiểu máu kéo dài hay suy giảm chức năng thận.
Các thuốc dùng trong bệnh sỏi thận bao gồm:
- Thuốc hòa tan sỏi theo bản chất của sỏi:
- Sỏi oxalat có thể sử dụng: Thuốc lợi tiểu ức chế carbonic anhydrase (methazolamide, fonurit, acetazolamid...); thuốc lợi tiểu thiazid... Không tự ý sử dụng thuốc vì các nguy cơ rối loạn điện giải và rối loạn nhịp tim.
- Sỏi urat: Thường sử dụng potassium citrate và natri bicarbonat để kiềm hóa nước tiểu, allopurinol và febuxostat để kiểm soát nồng độ acid uric máu và niệu... Tác dụng phụ có thể gặp là nôn, buồn nôn, đau bụng, phát ban...
- Sỏi cystine: Thuốc penicillamine, alpha-mercaptopropionylglycine... để giảm nồng độ cystine trong nước tiểu. Cần chú ý là thuốc phải uống cùng với nhiều nước. Một số tác dụng phụ có thể gặp như phát ban, tiểu máu, buồn nôn...
- Thuốc điều trị các biến chứng:
- Thuốc giảm đau không steroid: Tiêm tĩnh mạch diclofenac (voltaren ống 75mg). Một số trường hợp không có hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc việc sử dụng morphin.
- Thuốc cầm máu: Thường dùng tranexamic acid
- Thuốc giãn cơ trơn: Tiêm tĩnh mạch buscopan, drotaverin,…
- Kháng sinh: Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng, thường được sử dụng nhiều là kháng sinh có tác dụng trên vi khuẩn gram âm như cephalosporin thế hệ 3, quinolon và các aminosid. Nếu bệnh nhân bị suy thận thì tùy theo mức độ suy thận để thay đổi liều lượng, tránh dùng aminosid.
- Thuốc hỗ trợ đào thải sỏi:
- Thuốc chẹn alpha giao cảm: Tamsulosin, alfuzosin... Tác dụng phụ hay gặp là chóng mặt, hạ huyết áp, buồn nôn...
- Thuốc chẹn kênh calci: Nifedipin giúp giãn cơ trơn, tăng khả năng tống sỏi. Đây là nhóm thuốc có tác dụng chính để hạ huyết áp, vì vậy khi sử dụng cần lưu ý nguy cơ tụt huyết áp do thuốc.
2.2. Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa có nhiều phương pháp như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, nội soi tán sỏi hoặc phẫu thuật lấy sỏi. Bệnh nhân được chỉ định tán sỏi hoặc phẫu thuật lấy sỏi trong các trường hợp sỏi có kích thước lớn thường > 10mm, hình thái xù xì, có biến chứng như tắc đường niệu, tiểu máu, suy giảm chức năng thận…
3. Một số lưu ý cho người bệnh sỏi thận trong sinh hoạt và ăn uống
Theo BSCKII Trịnh Hùng, người bệnh sỏi thận cần lưu ý một số yếu tố sau:
- Uống đủ nước 2 - 3 lít/ngày
- Chế độ ăn nhiều chất xơ và rau, giảm đạm 0.8-1g/kg/ngày, giảm muối 4-5g/ngày
- Tránh bổ sung quá nhiều vitamin C, calci 1-1.2g/ngày
- Duy trì các hoạt động thể lực, BMI 18-25, tránh stress…
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Khi Bị Ngộ Độc Thực Phẩm, Người Bệnh Có Nên Nhịn Ăn? | SKĐS