Những cơn mệt mỏi và choáng kéo dài
Sau khi học hết cấp 2, Q quyết định nghỉ học và đi làm thuê cho một xưởng hàn cơ khí ở Bình Dương. Công việc vẫn diễn ra bình thường trong vài năm cho đến một ngày, khi Q. đang làm việc, có những cơn mệt mỏi, vã mồ hôi.
Q. xin phép được nghỉ ngơi 1 lúc, nhưng triệu chứng có vẻ không hề thuyên giảm. Nhiều khi người mệt và choáng, không còn sức lực để làm việc.
Anh trai của Q. làm cùng ở xưởng thấy vậy đã đưa Q vào BVĐK tỉnh Bình Dương. Ở đó, Q. được chẩn đoán là hạ đường huyết và được điều trị 4 ngày rồi xuất viện trong tình trạng ổn định.
Tuy nhiên, về nhà được ít ngày, triệu chứng mệt mỏi, thỉnh thoảng có cơn ngất trong vài phút và mất ý thức, sau ngất Q lại tỉnh táo nhưng không nhớ những sự việc vừa xảy ra.
Mỗi sáng Q. cảm thấy rất khó dậy để ra khỏi giường. Vấn đề này cứ tái đi tái lại trong khoảng 1 tháng đã khiến gia đình quyết định cho Q đi khám tại bệnh viện chuyên khoa ở TP.HCM.
Tại đây, Q đã được chẩn đoán là động kinh và được kê thuốc uống. Hàng tháng, Q đều đi khám lại để kiểm tra và lấy thuốc về uống tiếp.
Trong quá trình điều trị, triệu chứng của Q. có cải thiện hơn nhưng không nhiều, các triệu chứng thường được cải thiện sau khi ăn sáng và uống thuốc.
Điều trị được khoảng 8 tháng, do dịch COVID-19 diễn ra phức tạp nên Q. trở về Gia Lai.
Sau khi trở về nhà được 1 thời gian ngắn, Q. lại thấy mệt mỏi, vã mồ hôi, co quắp tay chân, co giật và đã xuất hiện hôn mê trên đường vận chuyển tới Bệnh viện Quân Y 211 (Gia Lai).
Q đã hôn mê 2 ngày sau đó mới dần tỉnh lại. Thời gian tiếp theo, Q vẫn bị xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, vã mồ hôi và ngất nên phải vào cấp cứu tại bệnh viện này vài lần nữa. Sau đó, Q được giới thiệu đến điều trị ở Bệnh viện Tâm thần kinh Gia Lai để điều trị tiếp động kinh trong khoảng hơn 3 tháng.
Nhưng tình trạng vẫn không thấy có gì tiến triển tốt hơn. Trong 1 tháng gần đây, ngoài triệu chứng mệt mỏi và vã mồ hôi, cơn co giật toàn thân xuất hiện với tần suất cao hơn, khoảng 1 tuần có một cơn, Q. cảm thấy như mọi thứ đang dần sụp đổ hoàn toàn.
Tưởng chừng không còn cách gì để cứu chữa, nhưng bước ngoặt cuộc đời đã đến với Q.
Căn bệnh hiếm
Một người ở cùng làng cũng có người thân bị những triệu chứng tương tự, đã giới thiệu Q. đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai – nơi có nhiều chuyên khoa đầu ngành của cả nước.
Tại đây, Q. đến khám tại phòng khám Thần kinh và được chụp cộng hưởng từ sọ não, đo điện não đồ, kết quả chưa thấy bất thường. Q. được làm thêm một số xét nghiệm và phát hiện có chỉ số đường máu thấp nên đã được chuyển đến Khoa Nội tiết để tìm nguyên nhân. Tại đây, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, phát hiện ra một khối u ở vùng thân tụy.
Q. tiếp tục được thực hiện thêm một số xét nghiệm và thăm khám chuyên sâu. Kết quả chẩn đoán cho thấy, Q. mắc u thân tụy tiết insulin (Insulinoma).
Trái ngược với tiểu đường là bệnh lý mà đường máu luôn ở mức cao do thiếu hụt insulin - insulinoma là một bệnh lý khối u tăng tiết insulin có nguồn gốc từ tuyến tụy gây tình trạng dư thừa insulin dẫn đến hạ đường huyết.
Căn bệnh này có tỷ lệ 1 – 4 người mắc/ 1 triệu dân, có thể xảy ra trên mọi lứa tuổi và cân bằng ở cả hai giới. Có tới 90% là u lành tính, hầu hết đều nằm trong tụy và thường có kích thước nhỏ dưới 2 cm (90%).
Triệu chứng của bệnh là triệu chứng hạ đường huyết nhất là sáng ngủ dậy với biểu hiện mệt mỏi, vã mồ hôi, cảm giác đói, run và có thể có rối loạn thần kinh như: thay đổi hành vi, tính cách, rối loạn thị giác, co giật, ngất và hôn mê, do vậy có thể nhầm lẫn với các bệnh lý của chuyên khoa tâm thần, thần kinh.
Chẩn đoán trước đây của bệnh phụ thuộc vào việc đáp ứng các tiêu chí của tam chứng Whipple, vốn vẫn là nền tảng của quá trình sàng lọc: hạ đường huyết (glucose huyết tương < 50 mg/ dL hay < 2,8 mmol/ L); các triệu chứng rối loạn thần kinh; giảm nhanh các triệu chứng sau khi sử dụng glucose.
Chẩn đoán bệnh hiện nay dựa vào biểu hiện lâm sàng và thêm các tiêu chí về xét nghiệm.
Tại thời điểm hạ đường huyết trong thử nghiệm nhịn ăn 72 giờ: glucose máu < 2,5mmol/l; insulin máu > 5mIU/L (36 pmol/L); C - peptid > 0,6 ng/mL (0,2nmol/L); tỷ lệ insulin/ C – peptid < 1; proinsulin > 0,20 pmol/ L; sự vắng mặt của sulfonyurea trong huyết thanh hoặc nước tiểu.
Phương pháp điều trị tốt nhất là phẫu thuật cắt bỏ khối u. Tùy vào vị trí và số lượng khối u mà sẽ chọn phương án phẫu thuật phù hợp.
Bệnh nhân Q. được chuyển sang Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa – Gan Mật Tụy để tiến hành phẫu thuật. Tại đây, bệnh nhân đã được các phẫu thuật viên giỏi, giàu kinh nghiệm hội chẩn và lựa chọn phương án phẫu thuật nội soi cắt thân đuôi tụy, bảo tồn lách – đây là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, rất tốt cho người bệnh tuy nhiên là phẫu thuật khó ngay cả với phẫu thuật mở, đòi hỏi phẫu thuật viên được đào tạo bài bản và phải là người có kinh nghiệm.
Ca phẫu thuật đã thành công trong khoảng 2 giờ với vài vết mổ rất nhỏ 0,5 – 1cm trên thành bụng. Chỉ sau mổ một ngày, các triệu chứng của hạ đường huyết của bệnh nhân đã không còn, đường huyết theo dõi luôn nằm ở mức bình thường. Mỗi sáng tỉnh dậy, bệnh nhân Q không còn cảm giác mệt mỏi, không muốn ra khỏi giường; những cơn ngất hay co giật cũng không còn xuất hiện. Q cảm thấy mọi thứ như thay đổi, tự thấy mình có nhiều sức lực hơn và có thể làm được rất nhiều việc mà cậu muốn.
Chặng đường hai năm đi tìm đúng bệnh của một thanh niên trẻ tuổi diễn ra vô cùng khó khăn, tưởng chừng như vô vọng nhưng cuối cùng đã có một kết thúc đẹp khi Q. đã tìm được đến Bệnh viện Bạch Mai - bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa đầu ngành, bằng kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng cùng sự cập nhật những kĩ thuật điều trị tiến bộ nhất đã giúp nhiều người như Q trở lại cuộc sống bình thường.