Hà Nội

2 lý do khiến bệnh sốt xuất huyết trở nặng và cách phòng bệnh hiệu quả

24-08-2024 06:22 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm xảy ra quanh năm, vào mùa mưa có nguy cơ bùng phát dịch bệnh nhiều hơn. Hiện số ca mắc sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng.

Theo đó, ngày 21/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình cho biết, một bệnh nhi ở Quảng Bình đã tử vong do sốt xuất huyết vì vậy người dân cần hết sức cảnh giác, có biện pháp phòng tránh.

Tại Hà Nội phát sinh thêm 15 ổ dịch sốt xuất huyết, theo CDC Hà Nội trong tuần qua, thành phố ghi nhận 274 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 86 trường hợp so với tuần trước. Bệnh nhân phân bố tại 28 quận, huyện. Một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng, Hà Đông, Quốc Oai, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng.

Nguyên nhân khiến bệnh sốt xuất huyết trở nặng

Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh sốt xuất huyết trở nặng, ngoài các yếu tố về điều trị, chăm sóc,diễn biến của bệnh thì sốt xuất huyết trở nặng do yếu tố sau :

Sự chủ quan của người bệnh và người thân

Khi xuất hiện các biểu hiện sốt thường chủ quan không đến cơ sở y tế thăm khám và theo dõi. Đây chính là một nguyên nhân phổ biến khiến tình trạng bệnh trở nặng và nguy kịch. Sốt xuất huyết có 3 giai đoạn, bao gồm: Giai đoạn sốt; giai đoạn nguy hiểm, giai đoạn phục hồi. Ở giai đoạn đầu những triệu chứng sẽ xuất hiện sau thời gian ủ bệnh và tồn tại trong khoảng 4 - 10 ngày.

Bệnh nhân sốt cao 39 - 40 độ C liên tục và rất khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở trán, 2 hai hố mắt nhức. Buồn nôn, chán ăn, đau khớp, đau cơ.... chính vì lẽ đó nhiều người chủ quan không đi khám.

Khi sang giai đoạn nguy hiểm, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, cần được theo dõi đặc biệt bởi có thể xuất hiện dấu hiệu cảnh báo và tiến triển nặng. Khi đó bệnh nhân có hiện tượng: bứt rứt, vật vã, lạnh đầu chi, li bì, mạch nhanh nhỏ, da lạnh ẩm, tụt hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít... thậm chí xuất huyết nội tạng: nôn ra máu, đi ngoài phân đen và có thể tử vong.

Vì thế, khi nghi ngờ bản thân có dấu hiệu nhiễm bệnh, tốt hơn hết người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi. Bởi bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng một cách âm thầm. Đối với sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nặng thậm chí tử vong nếu chủ quan không đi thăm khám.

Sốt xuất huyết đã chuyển sang giai đoạn nguy hiểm tức là cần hết sức thận trọng, phải nhập viện ngay để được điều trị ngăn ngừa biến chứng.

2 lý do khiến bệnh sốt xuất huyết trở nặng và cách phòng bệnh hiệu quả- Ảnh 1.

Áp dụng một số biện pháp như đốt hương muỗi, vợt muỗi và phun thuốc diệt muỗi để phòng sốt xuất huyết

Cứ nghĩ hết sốt là khỏi bệnh

Nhiều người cho rằng khi mắc sốt xuất huyết hết sốt là khỏi bệnh. Tuy vậy, sau giai đoạn sốt cao lại chính là giai đoạn nguy hiểm. Sau 3 - 7 ngày, người bệnh thường sẽ hết sốt và đỡ khó chịu hơn nhưng không nghĩ rằng đây lại là thời điểm quyết định bệnh có trở nặng hay không.

Ở thời kỳ này, virus Dengue đã làm hệ miễn dịch suy yếu đi rất nhiều. Triệu chứng bắt đầu nhận rõ như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam. Nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng có thể gây suy tạng với biểu hiện viêm cơ tim, viêm gan, viêm não.

Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được theo dõi sát sao bởi bác sĩ.

Không được chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể gây thành dịch. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt từ muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Virus Dengue sẽ gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Vì vậy, chúng ta có nhiều nguy cơ mắc sốt xuất huyết Dengue thậm chí bị nặng nếu đã từng bị sốt xuất huyết Dengue trước đó.

Các triệu chứng của sốt xuất huyết Dengue nặng có thể xuất hiện trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi hết sốt. Khoảng 1/20 số bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue sẽ có các triệu chứng nặng.

Phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và người lớn tuổi có nhiều nguy cơ mắc sốt xuất huyết Dengue nặng.

Chảy máu khi mắc sốt xuất huyết Dengue là do số lượng tiểu cầu thấp; tiểu cầu là một trong các thành phần máu giúp đông máu và ngăn ngừa tình trạng chảy máu quá mức.

Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết Dengue nặng bao gồm:

Khi mắc sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện chuyển nặng người bệnh có các biểu hiện như:

  • Mệt, bứt rứt hoặc vật vã (kích thích)
  • Đau bụng nhiều ở vùng thương vị hoặc vùng gan
  • Nôn ói nhiều (≥ 3 lần trong vòng 1 giờ hoặc ≥ 4 lần trong vòng 6 giờ)
  • Chảy máu mũi hoặc nướu răng
  • Nôn ra máu hoặc tiêu tiểu ra máu
  • Xuất huyết âm đạo bất thường
  • Xuất huyết dưới da (bầm da)
  • Khó thở, thở nhanh.

Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh

Để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết cần thực hiện:

- Giữ gìn nơi ở, môi trường sống xung quanh luôn sạch sẽ

- Tuyệt đối không được trữ nước ở các thùng, xô chậu hay các dụng cụ khác trong nhà, để muỗi không có cơ hội đẻ trứng

- Áp dụng một số biện pháp như đốt hương muỗi, vợt muỗi và phun thuốc diệt muỗi;

- Phát quang bụi rậm

- Mắc màn khi ngủ để tránh bị muỗi đốt

- Nếu có dấu hiệu sốt nên đến ngay cơ sở y tế để khám và được tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà.

Ngày 21/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình cho biết, một bệnh nhi ở Quảng Bình đã tử vong do sốt xuất huyết

Bệnh nhi V.A.H. (SN 2023), xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình xuất hiện triệu chứng sốt cao, người mệt, bỏ bú, quấy khóc, người nhà đã đưa vào điều trị tại Bệnh viện TTH Quảng Bình. Sau đó, bệnh nhi có giảm sốt, nhưng quấy khóc nhiều, tiểu ít, xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo của sốt xuất huyết nên được gia đình chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue. Tại đây, cháu được các y bác sĩ tập trung cứu chữa nhưng đã không qua khỏi.

Theo CDC Quảng Bình, tính đến ngày 21/8, số ca ghi nhận mắc sốt xuất huyết ở tỉnh Quảng Bình tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2023. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 906 ca mắc sốt xuất huyết.

BS. Nguyễn Lê Xuân
Ý kiến của bạn