2 lần phẫu thuật cứu bệnh nhân mắc căn bệnh cực hiếm gặp

01-11-2021 14:21 | Y tế
google news

SKĐS - Bệnh nhân đến viện trong tình trạng đau vùng thượng vị, nôn ra máu tươi lẫn cục, đi tiêu phân đen...

Chạy đua thời gian cứu sống bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa nguy kịch tính mạng

Bệnh nhân D. T. H. K., sinh năm 1981 (Đồng Tháp) bị xuất huyết tiêu hóa do rò động mạch chủ ngực - thực quản.

Đây là bệnh lý rất hiếm gặp, khó chẩn đoán, nguy cơ tử vong rất cao nếu không phẫu thuật kịp thời.

Trước đó, bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới lên (lúc 5 giờ chiều ngày 29/9) trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị, nôn ra máu tươi lẫn cục, đi tiêu phân đen. Người bệnh có tiền sử trào ngược dạ dày thực quản và dùng thuốc giảm đau lâu ngày.

Bệnh nhân được chẩn đoán chảy máu tiêu hóa trên nghi do thủng 1/3 thực quản, thiếu máu mức độ nặng.

Cứu sống bệnh nhân rò động mạch chủ ngực - thực quản nguy kịch tính mạng - Ảnh 1.

Hình ảnh lỗ dò thực quản của bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Trong quá trình chuẩn bị nội soi dạ dày, tá tràng, người bệnh đột ngột nôn ra máu tươi rất nhiều, cơ thể nhợt nhạt, da xanh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp khó đo, tình trạng nguy kịch, nguy cơ tử vong rất cao.

Ngay lập tức, người bệnh được hồi sức tích cực: Truyền máu và các chế phẩm của máu, dịch truyền và nhanh chóng chuyển thẳng xuống phòng mổ.

Kết quả nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng ghi nhận cách cung răng 25 mm có 1 tổn thương dạng thủng thực quản, máu từ động mạch chủ ngực rò vào thực quản với lượng lớn.

Các bác sĩ đã khâu lại động mạch chủ ngực và thực quản ngực, đồng thời mở dạ dày để nuôi ăn, ca phẫu thuật kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, đến 8 giờ sáng ngày 01/10, ống dẫn lưu màng phổi trái tếp tục chảy máu (ra 1.200ml máu/trong 24 giờ) ê kip đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật lần 2 với chẩn đoán: chảy máu chỗ khâu động mạch chủ ngực/hậu phẫu ngày thứ 1 rò động mạch chủ ngực - thực quản, ca phẫu thuật do BSCK2 Trầm Công Chất - Trưởng Khoa Gây mê hồi sức thực hiện.

Ngày 14/10/2021, bệnh nhân được chỉ định nội soi kiểm tra thực quản và can thiệp đặt Stent kim loại thực quản có bao phủ kết hợp dẫn lưu và tưới rửa khoang màng phổi trái. Sau phẫu thuật tình trạng bệnh nhân vẫn nguy kịch, sốt cao, phải thở máy..

Người bệnh tiếp tục được hồi sức tích cực nội khoa, thở máy, kháng sinh, được truyền 40 đơn vị máu và các chế phẩm của máu, dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch và mở dạ dày nuôi ăn....

Sau hơn 30 ngày điều trị tình trạng bệnh nhân cải thiện dần, đã ăn được qua đường miệng và dự kiến ngày 3/11 được xuất viện.

Cứu sống bệnh nhân rò động mạch chủ ngực - thực quản nguy kịch tính mạng - Ảnh 2.

Ê kíp phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Thách thức của ca phẫu thuật

Theo BSCKII Trầm Công Chất, BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết, đây là ca bệnh đầu tiên được chẩn đoán và phẫu thuật cấp cứu tại BVĐK Trung ương Cần Thơ. Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa trên thường là do giãn tĩnh mạch thực quản hoặc loét dạ dày. Rò động mạch chủ - thực quản rất hiếm là nguyên nhân gây nên tình trạng chảy máu nhiều.  

Rò động mạch chủ - thực quản là sự tiếp nối giữa động mạch chủ và thực quản, cho phép máu có áp suất cao từ động mạch chủ bơm vào ống tiêu hóa áp suất thấp. Loại đường rò này là một nguyên nhân rất hiếm của xuất huyết đường tiêu hóa trên và hầu như gây tử vong.

Nguyên nhân thường gặp nhất của rò động mạch chủ - thực quản là vỡ phình động mạch chủ ngực, chiếm gần 75% các trường hợp, nguyên nhân phổ biến tiếp theo là dị vật thực quản ăn mòn vào động mạch chủ chẳng hạn như thủng do xương cá.

Các nguyên nhân khác bao gồm giãn phình sau khi sửa chữa phình động mạch chủ ngực, khối u ác tính của thực quản hoặc phế quản...

Cứu sống bệnh nhân rò động mạch chủ ngực - thực quản nguy kịch tính mạng - Ảnh 3.

Sau hơn một tháng điều trị, người bệnh đã ổn định có thể ăn qua đường miệng. Ảnh: BVCC

Viêm loét thực quản mãn tính là một nguyên nhân hiếm của lỗ rò động mạch chủ và chỉ chiếm 0,5% các trường hợp được báo cáo. Để đảm bảo bất kỳ cơ hội sống sót nào, chẩn đoán phải được thực hiện nhanh chóng sau khi xuất huyết tiêu hóa trên chưa rõ nguyên nhân và có mức độ nguy kịch.

Chỉ 25% bệnh nhân chảy máu lại trong vòng 6 giờ do đó thường không đủ thời gian để chẩn đoán. Nội soi thực quản được khuyến cáo vì nó xác định và loại trừ các nguyên nhân chảy máu khác nhau. Không có trường hợp nào sống mà không có xử trí phẫu thuật.

Việc chẩn đoán phải được tiến hành thật nhanh để xác định đúng là bị rò động mạch chủ -thực quản, bởi nếu không chẩn đoán đúng và giải quyết kịp thời, bệnh nhân sẽ bị tử vong do mất máu.

Điểm đặc biệt chính là thương tổn động mạch chủ nằm trong một môi trường nhiễm trùng, nên cần có những phương án phẫu thuật đặc biệt và kỹ lưỡng.


Phạm Phong
Ý kiến của bạn