2 kịch bản cho sạt lở, sụt lún ở nhiều địa phương

04-08-2023 10:54 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong trường hợp vết nứt tiếp tục dài, rộng ra, có nước bùn chảy ra phía dưới sườn dốc hoặc xuất hiện thêm các vết nứt mới thì giải pháp tốt nhất là nên tránh xa khu vực này.

Nguy hiểm khi tại vết nứt tiếp tục xuất hiện mưa lớn

Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua đã khiến xuất hiện nhiều địa điểm nứt đất, có nguy cơ sụt lún. Tỉnh Đắk Nông đã ra công điện khẩn chỉ đạo đề phòng, ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất. Để bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống trong khu vực, chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội di dời 45 hộ dân, với 145 khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời tiếp tục vận động thêm 10 hộ dân, với 44 khẩu ở bon Bu Prăng ra khỏi vùng nứt gãy.

2 kịch bản cho sạt lở, sụt lún ở nhiều địa phương - Ảnh 1.

Tại các vị trí có vết nứt sẽ có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

Trong khi đó, từ đêm ngày 01 đến sáng ngày 02/8, trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã xuất hiện những đường bị nứt, gãy nằm phía bên phải tuyến, theo hướng từ TP Gia Nghĩa đi TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Hiện khu vực trên đang được các đơn vị chức năng phân luồng giao thông, hạn chế người và phương tiện đi vào và chờ theo dõi.

Theo PGS.TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, hiện tượng nứt đất, sụt lún do mưa lớn dài ngày khiến đất trở nên nặng, sức bền giảm, dẫn tới nguy cơ sạt lở. Vết nứt là một trong những dấu hiệu đầu tiên của một vụ sạt lở. Vết nứt xuất hiện sẽ gây ra tiếng động, mà mọi người cho rằng đó là tiếng nổ.

Chuyên gia này giải thích, vết nứt thường bắt đầu từ trên đỉnh của khối trượt. Theo diễn biến này, nếu vết nứt rộng thêm, khả năng trượt sẽ càng cao. Trong vài ngày, nếu vết nứt phát triển từ 200 m đến hàng km, có nghĩa khối trượt đang dịch chuyển và nguy cơ sạt lở lớn có thể xảy ra. Hiện tượng trượt lở này có thể dự báo được và cơ quan chức năng về lâu dài cần xây dựng bản đồ dự báo cảnh báo sớm.

PGS. TS Trần Tân Văn dự đoán 2 kịch bản có thể xảy ra. Kịch bản đầu tiên, vết nứt sẽ giữ nguyên. Trường hợp này, nguy cơ xảy ra sạt lở sẽ không cao bởi mặt đất đã bị phá hủy một phần và trở lại ổn định. Kịch bản thứ 2, nếu tại khu vực xuất hiện các vết nứt có mưa lớn thì các vết nứt sẽ rộng và dài ra, dẫn đến nguy cơ sạt lở cao hơn.

"Trong 2 kịch bản trên, dù theo kịch bản nào thì các chuyên gia cũng phải đến hiện trường tiến hành quan trắc. Theo tôi, khả năng thứ 2 xảy ra cao hơn nên trước mắt cần di dời người dân đến nơi an toàn", PGS - TS Trần Tân Văn nhận định. Trong trường hợp vết nứt tiếp tục dài, rộng ra, có nước bùn chảy ra phía dưới sườn dốc hoặc xuất hiện thêm các vết nứt mới thì giải pháp tốt nhất thì nên tránh xa khu vực này.

Nếu kết quả quan trắc cho thấy vết nứt vẫn giữ nguyên, chứng tỏ đất đã ổn định thì lực lượng chức năng có thể yên tâm khắc phục. Tuy nhiên, nếu diễn biến xấu đi, cần tính toán đến phương án bỏ hẳn con đường bị nứt đi để tránh gây thiệt hại. Hơn nữa, chi phí cho việc khắc phục do các vết nứt gây ra cũng rất tốn kém.

Giải pháp khắc phục các vết nứt này cần phải làm bài bản theo giải pháp công trình, không chỉ đơn giản là lấp đi các vết nứt bề mặt là có thể giải quyết được. Giải pháp công trình này khá tốn kém, cần được các nhà khoa học vào cuộc.

TS Vũ Ngọc Long, nguyên viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam cho rằng tình trạng sạt lở, sụt lún xảy ra vừa qua ở Tây Nguyên đều liên quan đến việc sử dụng đất, canh tác, khai thác nước ngầm, dùng chất hóa học để làm sạch bề mặt... khiến hệ sinh thái tự nhiên mất đi thảm thực vật.

Theo ông, nhiều người đổ xô trồng cây cao sản, đặc sản mà không còn chú trọng đến an toàn trong vườn của mình nữa. Ở đó, các thảm thực vật đã biến mất, khi gặp mưa to kéo dài, đất ngấm nước tạo thành những dòng chảy ngầm, cấu trúc đất đá bị rã, vỡ sẽ dẫn đến sạt lở, sụt lún. Việc lạm dụng các chất hóa học làm sạch mặt bằng khiến hệ vi sinh vật đóng vai trò giữ vững kết cấu đất biến mất. Lúc này đất sẽ không tự bảo vệ được nữa.

Cẩn trọng với lũ và ngập lụt đô thị

Về giải pháp, TS Vũ Ngọc Long cho rằng cơ quan chức năng cần phải đánh giá việc sử dụng đất và phải đặt vai trò của rừng trong việc chống biến đổi khí hậu lên hàng đầu. Kể cả rừng nghèo kiệt cũng không được cải tạo, trồng cao su hay sầu riêng vì nó còn thảm thực vật bên dưới sẽ đóng vai trò chống xói mòn, sạt lở, sụt lún. Theo đó, ngành nông nghiệp nên hướng đến sản xuất an toàn, bền vững. Trong mỗi khu vườn, các loại cây trồng phải có mối liên kết với nhau bằng cách trồng xen canh các cây họ gừng, cỏ tre để bảo vệ đất trong các vườn cao su, cà phê hay sầu riêng.

Ngoài nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các vùng đồi núi thì mưa lớn kéo dài cũng tác động không nhỏ đến cư dân ở đô thị.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai chia sẻ, từ hoàn lưu của bão Doksuri, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã nhận lượng mưa kỷ lục trăm năm mới có một lần. Tổng lượng mưa được ghi nhận là 744.8 millimet trong 2 ngày 30 và 31 tháng 7/2023. Đây là kỷ lục được ghi nhận tại đây kể từ khi ngành khí tượng Trung Quốc bắt đầu có đo lượng mưa cách đây 140 năm.

Lượng mưa lớn này đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) và vùng lân cận, khiến hạ tầng thoát nước không đủ năng lực để chống chịu. Rất nhiều nhà cửa, xe cộ bị ngập và cuốn trôi. Dù được dự báo trước, trận ngập lụt vẫn khiến 21 người thiệt mạng và 26 người mất tích.

"Hầu hết các thành phố của chúng ta được thiết kết với năng lực thoát nước khoảng từ 100-150mm/ngày, có nơi thấp hơn chỉ khoảng 50mm/ngày. Trong khi đó chúng ta đã ghi nhận những trận mưa lớn với lượng mưa 150-170mm/2h (ở Cầu Giấy Hà Nội, chiều 29/5/2022), hay ở Đà Nẵng là 795mm/16h ngày 14/10/2022.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, những đợt mưa cực đoan diễn ra với tần suất dày hơn và ngẫu nhiên hơn trong khi hạ tầng đô thị không đủ khả năng ứng phó. Những hoàn cảnh như vậy rất cần sự chuẩn bị sẵn sàng và các phương án dự phòng ứng phó", TS Nguyễn Ngọc Huy nhìn nhận.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (04/8), do ảnh hưởng của rãnh thấp đi qua khu vực phía Bắc Biển Đông nối với vùng áp thấp trên khu vực phía Bắc của vịnh Bắc Bộ nên ở vịnh Bắc Bộ đã có mưa dông kèm gió giật mạnh. Ở trạm đảo Bạch Long Vỹ và trạm đảo Cô Tô đã có gió giật mạnh cấp 8-9. Ngoài ra, trong ngày và đêm 04/8, ở vịnh Bắc Bộ, khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Người Đàn Ông Xây Nhà Vệ Sinh 0 Đồng Trên Cao Tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết Hỗ Trợ Người Đi Đường | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn