2 giờ nghẹt thở cứu sống bé 8 tháng tuổi bị bệnh tim nặng

20-07-2014 19:31 | Thời sự
google news

SKĐS - Mới đây, tại Trung tâm Can thiệp tim mạch và Điện sinh lý, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, một bé trai mới chỉ 8 tháng tuổi (nặng 6,8kg) đã được cứu sống bằng kĩ thuật đốt triệt đường dẫn truyền bất thường

Mới đây, tại Trung tâm Can thiệp tim mạch và Điện sinh lý, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, một bé trai mới chỉ 8 tháng tuổi (nặng 6,8kg) đã được cứu sống bằng kĩ thuật đốt triệt đường dẫn truyền bất thường trong tim gây cơn tim nhanh kịch phát nguy kịch. Thành công này đã đánh dấu một bước tiến mới trên con đường áp dụng công nghệ vào điều trị các rối loạn nhịp trong nhi khoa.

Ca tim nhanh trên thất nguy kịch

Bé Phạm Trung N. (Hải Phòng) sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác. Khi được 6 tháng tuổi, bé bắt đầu có những cơn tím tái, bỏ bú và quấy khóc. Gia đình cho đi khám và được phát hiện bé bị tim nhanh trên thất. Tình trạng bé ngày một xấu. Sang tháng thứ 8, bé N. rất khó thở và suy tim nặng.

BS. Nguyễn Thanh Hải khám lại bệnh nhi trước khi ra viện (Ảnh do bệnh viện cung cấp).

ThS.BS. Nguyễn Thanh Hải, Khoa Tim mạch, BV Nhi TW cho biết: Tim nhanh trên thất là loại cấp cứu rối loạn nhịp hay gặp nhất ở trẻ em, bệnh thường do căn nguyên bẩm sinh do tồn tại đường dẫn truyền xung điện tim bất thường. Cơn tim nhanh có thể xuất hiện ở bất cứ tuổi nào, nhưng thường biểu hiện sớm trong năm đầu sau sinh. Cơn tim nhanh thường xuất hiện và mất đi đột ngột, tái phát nhiều lần. Khi cơn tim nhanh kéo dài thường gây suy tim nếu không được cấp cứu cắt cơn, trẻ có thể tử vong. Một số trường hợp trẻ có thể biểu hiện tình trạng nguy kịch ngay khi mới xuất hiện cơn tim nhanh. Khi cơn tim nhanh kéo dài dai dẳng có thể gây bệnh cơ tim giãn và suy tim nặng.

Phương pháp điều trị tim nhanh trên thất phổ biến hiện nay thường dùng là các thuốc chống loạn nhịp để cắt cơn và dự phòng tái phát cơn cho các bệnh nhân có cơn tim nhanh kéo dài và cơn tim nhanh nguy kịch. Tuy nhiên việc dùng các thuốc chống loạn nhịp có nhiều hạn chế: không điều trị được triệt để, uống thuốc hàng ngày, dùng thuốc kéo dài, tác dụng hạn chế (hiện tượng kháng thuốc), tác dụng phụ của thuốc, tốn kém.

Phương pháp can thiệp điều trị bằng sóng cao tần được lựa chọn hàng đầu đối với người lớn và trẻ lớn bị tim nhanh trên thất. Đây là biện pháp điều trị triệt để, chống tái phát cơn, tỉ lệ điều trị thành công trên 95%, ít tai biến do kĩ thuật. Tuy nhiên đối với trẻ nhỏ phải thận trọng cân nhắc vì lí do an toàn. Trẻ em càng nhỏ, kích thước giải phẫu mạch máu và tim rất nhỏ nên nguy cơ tổn thương càng cao khi làm can thiệp.

Thoát chết nhờ kỹ thuật mới

Bé N. là bệnh nhi nhỏ và cân nặng thấp nhất được điều trị bằng kĩ thuật này tại Việt Nam. Ngay cả trên thế giới, cũng chỉ một số ít trung tâm tim mạch có thể thực hiện kĩ thuật ở trẻ nhỏ dưới 15kg. Theo BS. Nguyễn Thanh Hải, nếu không can thiệp kịp thời, tình trạng bệnh nhân rất nặng và nguy cơ tử vong cao. Cơn nhịp nhanh dai dẳng, diễn biến phức tạp, gây giãn và suy giảm thất trái nặng (EF 32%). Hơn nữa các phương pháp điều trị thông thường rất kém hiệu quả (shock điện cắt cơn, các thuốc chống loạn nhịp), cơn tim nhanh đa hình thái tái phát nhiều lần trong tình trạng nguy kịch. Bé đã phải nhập viện nhiều lần và nằm viện dài ngày tại BV tuyến dưới và tại BV Nhi TW.

Phương pháp can thiệp điều trị được thực hiện bằng sử dụng một hệ thống các thiết bị chẩn đoán công nghệ cao, cùng với 3 dây điện cực được đưa qua da vào mạch máu rồi vào trong tim. Đầu các dây này được gắn các điện cực và được đặt tại các vị trí khác nhau trong tim, thông qua các điện cực đó sóng điện tim tại từng vùng được ghi lại và phân tích. Thông qua các điện cực đầu dây tiếp xúc với mô tim, dùng máy kích thích tim theo chương trình nhằm tái hiện cơn tim nhanh và phát hiện các đáp ứng điện tim bất thường. Quá trình này được gọi là kĩ thuật “thăm dò điện sinh lý”. Nhờ đó, các bác sĩ đã xác định được nguyên nhân và cách thức gây tim nhanh. Một dây điện cực đốt triệt được đưa vào trong tim để dò tìm vị trí mô tim bất thường, sau đó năng lượng được phát ra từ máy phát sóng radio cao tần được truyền đến đầu điện cực này chuyển thành nhiệt lượng làm tổn thương và vô hiệu hóa mô tim bất thường đó. Thủ phạm gây bệnh là 2 đường dẫn truyền xung điện tim bất thường nối giữa tâm nhĩ và tâm thất đã bị tiêu diệt.

Ca can thiệp kéo dài trong suốt 2 giờ. Sau một tuần theo dõi, toàn trạng bệnh nhi đã trở về bình thường, kiểm tra lại thì không có biểu hiện tái phát cơn tim nhanh, kích thước và chức năng thất trái đã hồi phục hoàn toàn.

Linh San

 


Ý kiến của bạn