Hiện nay ung thư dạ dày là một trong những ung thư chiếm tỷ lệ cao trong các bệnh ung thư đường tiêu hóa và hay gặp ở Việt Nam.
Biểu hiện ung thư dạ dày
Một số triệu chứng bệnh nhân hay gặp ở ung thư dạ dày là:
- Cảm giác đau tức âm ỉ ở vùng thượng vị
- Ợ hơi, ợ chua
Nếu ở giai đoạn sớm, những triệu chứng này thường mơ hồ và bệnh nhân thường không để ý. Còn ở giai đoạn muộn bệnh nhân có tình trạng thiếu máu, sút cân. Nhiều bệnh nhân thường đến thăm khám trong tình trạng mệt mỏi, lúc này bệnh thường ở giai đoạn muộn.
ThS.BS Nguyễn Huy Du giải đáp về các dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày.
Để tầm soát ung thư dạ dày, hiện nay các tổ chức trên thế giới khuyến cáo, đối với những bệnh nhân sau 50 tuổi nên tầm soát ung thư bằng cách soi dạ dày. Đây là phương pháp cận lâm sàng giúp chẩn đoán sớm nhất phát hiện tình trạng tổn thương đường tiêu hóa.
Ngoài ra, đối với những người trong gia đình có những yếu tố di truyền như đa polyp dạ dày hoặc có người thân có tiền sử ung thư đường tiêu hóa. Sau khi đủ tuổi vị thành niên nên đi tầm soát ung thư dạ dày. Nếu lần đầu không vấn đề gì, sau 1 năm nên đi tầm soát lần nữa, sau đó nên duy trì 5 năm/lần.
Hơn nữa, những người có yếu tố ăn uống thói quen hút thuốc, uống rượu nhiều, viêm dạ dày có vi khuẩn HP cũng là một trong những yếu tố có nguy cơ gây ung thư.
Ung thư dạ dày có chữa được không?
Hiện nay, với những tiến bộ về y khoa, ung thư dạ dày có thể chữa được bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, sức khỏe bệnh nhân các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Ung thư dạ dày càng phát hiện sớm, càng làm tăng tỷ lệ điều trị thành công. Thậm chí, nếu phát hiện sớm khi chưa có tình trạng di căn, bệnh nhân có thể thực hiện phẫu thuật nội soi để loại bỏ vùng niêm mạc tổn thương.
Trong trường hợp, khối u có dấu hiệu xâm lấn sâu vào thành dạ dày hoặc di căn, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt dạ dày kèm theo nạo các tổ chức hạch để tìm ung thư. Sau khi phẫu thuật xong, bệnh nhân cần theo dõi xem xét hạch di căn và điều trị hóa chất tùy thuộc vào từng cá thể người bệnh.
Tùy từng trường hợp bệnh nhân, các bác sĩ sẽ đánh giá và lựa chọn phương pháp điều trị đích hoặc điều trị miễn dịch.
Phòng ngừa ung thư dạ dày bằng cách nào?
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ung thư dạ dày, do vậy không có cách nào ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc như tiền sử gia đình hoặc mắc vi khuẩn HP. Mọi người cũng có thể thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách:
- Tăng cường chất xơ trong bữa ăn: ăn nhiều rau và trái cây
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn
- Không hút thuốc lá
- Hạn chế đồ ăn lên men, ủ chua, và lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày
- Tầm soát ung thư để phát hiện sớm và tăng hiệu quả điều trị.
Xem thêm video được quan tâm:
5 Biến chứng nguy hiểm của trào ngược dạ dày thực quản | SKĐS