Tiếp đến là các hãng Apple, Facebook và hàng trăm dự án khởi nghiệp khác cùng cạnh tranh nhau để giành thị phần. Trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo và khai thác dữ liệu hiện đang là đích đến của y học trong tương lai…
“Ông trùm” Google với thuật toán
Tại Google, các kỹ sư đang thử nghiệm một cỗ máy được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) được tích hợp với thực tại ảo và được quảng cáo là “giải pháp hoàn hảo cho mọi nhà phẫu thuật trên thế giới”; các thiết bị máy tính mini có thể cấy được vào cơ thể người nhằm điều chỉnh các tín hiệu điện trong các dây thần kinh nhằm điều trị bệnh. Đây là bước khởi đầu để tiến tới “y học điện sinh mới”. Gần 1.000 nhà khoa học đang phát triển các cảm biến sinh học mới, robot y khoa và những loại thuốc mới. Họ đến từ nhiều lĩnh vực đa dạng: sinh học, y học, hóa học, khoa học vật liệu, khoa học máy tính, cơ khí kỹ thuật. Tất cả họ đều đang nghiên cứu cho Google.
Googleplex là trụ sở hợp tác của Google và công ty mẹ là Alphabet tại Mountain View (California).
Khi “ông trùm” công nghệ này loan báo cách đây 5 năm rằng muốn là đơn vị đầu tiên chinh phục y học, nhiều người đã cười mỉa mai. Sự khởi đầu của Google rất khiêm tốn: 20 nhân viên của hãng này đã được gửi tới tổng hành dinh của Google ở thung lũng Silicon. Nhưng ngày nay, một khối kiến trúc 5 tầng bằng thép và kính đang trải rộng ở vịnh San Francisco. Một trung tâm nghiên cứu độc lập với trường đại học được trang bị tối tân và vô số phòng thí nghiệm. Cơ sở này đã trở thành một công ty độc lập mang tên Verily đặt dưới quyền điều hành từ công ty mẹ Alphabet của Google. Các bác sĩ nổi tiếng và thậm chí là nguyên quan chức đứng đầu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đầu quân cho Verily.
Bác sĩ trưởng của Verily - bà Jessica Mega cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là khai thác dữ liệu y tế thế giới nhằm đạt tới một cuộc sống lành mạnh hơn”. Bà Jessica Mega là một trong những bác sĩ tim mạch hàng đầu của Mỹ, từng là giáo sư tại Trường Y Harvard. Verily đang có kế hoạch xây dựng một nền tảng y tế mới: Cơ sở hạ tầng dùng cho thế giới chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số. Được biết Google đã cung cấp hơn 1 tỷ USD cho những dự án mới mẻ này.
Trong các thập kỷ gần đây, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã chinh phục và chuyển hóa ngành công nghiệp này sang ngành công nghiệp khác, thay đổi căn bản cách chúng ta đang sống. Các chiến lược gia của thung lũng Silicon hiện đang bị thuyết phục rằng sinh học là khu vực hoàn toàn phù hợp để được cách mạng hóa bằng các công cụ kỹ thuật số quyền lực. Trong đó, dữ liệu là chìa khóa cho y học tương lai: Các thiết bị đọc, các cảm biến, bộ gene và vô số xét nghiệm về chỉ dấu sinh học, từ sự xâm nhập của vi khuẩn vào ruột đến thành phần chất đạm.
Tiếp đến, chúng được phân tích và xử lý bằng phần mềm thông minh mà có thể học và nhận dạng các mô hình ngay cả trong một núi thông tin. Các bác sĩ sẽ không phải suy nghĩ cần phải làm gì mà tiến sĩ thuật toán sẽ cung cấp câu trả lời. Nhiều nhà công nghệ tại thung lũng Silicon đã nhìn thấy nhiều cơ hội tuyệt vời cho các công cụ kỹ thuật số không những trong điều trị mà cả chẩn đoán bệnh. Hiện tại, Verily đang chủ yếu làm việc “lập bản đồ sức khỏe con người”, bà Jessica Mega tiết lộ. Bằng việc hợp tác với các trường đại học, Verily đã thu thập toàn bộ dữ liệu sinh học đáng tin cậy của 10.000 người trong thời hạn 4 năm: di truyền, phân tử, tâm lý. Người tham dự sẽ được trang bị với các cảm biến mới và những thiết bị đo nhằm cung cấp dữ liệu suốt ngày đêm. Vào lúc cuối ngày, thuật toán sẽ xác định rõ một người khỏe mạnh để hiệu chuẩn các thiết bị đo với những giá trị này.
Grail với chất lỏng sinh thiết
Công ty Grail (lấy tên từ Holy Grail hay Chén Thánh - một cái bình huyền bí của đạo Công giáo với niềm tin rằng chiếc chén này chứa thứ nước làm nên sự bất tử). Các nhà nghiên cứu của Grail đang hy vọng rằng sẽ có một cơ hội kéo dài sự sống cho con người thông qua một xét nghiệm gọi là “chất lỏng sinh thiết” - các mẫu mô lỏng - nhằm tìm hiểu xem chúng có mang các dấu hiệu cảnh báo của bệnh ung thư hay không. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng những cỗ máy giải trình tự ADN nhanh, phần mềm hỗ trợ AI và những phương pháp phân tích mới sẽ giúp nhận dạng vật liệu di truyền được tiết ra bởi những khối u nhỏ nhất ngay cả khi chúng chưa được nhận dạng.
Grail vừa là công ty phần mềm kiêm luôn công nghệ sinh học. Các kỹ thuật viên của Grail đang thu thập khoảng 1.000 gigabyte dữ liệu từ các mẫu máu của bệnh nhân và “rượt đuổi” chúng thông qua một “máy phân loại” bằng cách dùng các thuật toán AI để tìm ra các mô hình thích hợp. Nếu các xét nghiệm máu thời kỳ đầu đi đúng tiêu chuẩn thì Grail sẽ nhanh chóng trở thành “công ty dữ liệu lớn nhất thế giới”, ông Jeff Huber - Giám đốc sáng lập Grail cho biết.
Các nhà nghiên cứu của Grail muốn thử nghiệm công nghệ của họ trong dự án quy mô lớn đầu tiên: Các dấu hiệu đầu tiên ADN của bệnh ung thư vú sẽ được lọc ra từ mẫu máu của 120.000 phụ nữ. Kế tiếp, Grail sẽ phân tích bệnh nhân và tổng hợp các mẫu nhằm quyết định xem xét nghiệm ADN liệu có dự đoán chính xác ung thư. Kế hoạch của Grail là sẽ tung ra thị trường phương pháp xét nghiệm máu này vào cuối thập kỷ.
Ngoài hai “ông lớn” trên, nhiều nhà tiên phong nổi tiếng trong thế giới công nghệ cũng dấn thân vào nghiên cứu y tế. Nhà sáng lập Facebook-Mark Zuckerberg đã tài trợ cho việc xây dựng “bản đồ tế bào con người”: Một trung tâm nghiên cứu được trao ngân sách hoạt động 600 triệu USD để lập bản đồ tế bào của toàn bộ con người để từ đó cho phép phát triển các loại thuốc mới. Tổng cộng, Mark Zuckerberg đã đầu tư hơn 3 tỷ USD trong nghiên cứu vào các liệu pháp mới này.