Khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng Cần Thơ tiếp nhận 2 bé N.T.T.V (70 tháng tuổi) và bé N.L.M.Đ (48 tháng tuổi) do TTYT huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu chuyển lên vì ngộ độc thuốc diệt chuột giờ thứ 8.
Qua khai thác bệnh sử được biết, cách nhập viện khoảng 8 giờ, bé Đ. thấy ống thuốc diệt chuột giống ống calci mẹ thường cho bé uống, tưởng nhầm ống thuốc diệt chuột là ống calci nên bé lấy 2 ống đưa cho chị và mình cùng uống.
Sau uống bé nôn nhiều, gia đình phát hiện đưa 2 bé đến ngay TTYT huyện Hồng Dân, Bạc Liêu. Tại đây bé được rửa dạ dày, cho truyền dịch và chuyển lên BV Nhi Đồng Cần Thơ.
Đến Khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng Cần Thơ, hai bé được tiếp tục nuôi ăn tĩnh mạch, uống than hoạt tính qua sonde để đào thải độc chất.
Qua 3 ngày điều trị, tình trạng của hai bé ổn định dần, ăn qua đường miệng, sinh hiệu ổn định và được cho xuất viện.
BS. Nguyễn Trọng Nghĩa, Khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng Cần Thơ thông tin, ngộ độc cấp ở trẻ em thường là một tai nạn không cố ý, đặc biệt ở trẻ em dưới 12 tuổi, chủ yếu xảy ra qua đường tiêu hóa (do ăn uống phải chất độc).
Hàng năm Khoa Cấp cứu tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc ở trẻ em. Các nguyên nhân gây ngộ độc hóa chất ở trẻ em thường là:
+ Do người lớn bất cẩn không để thuốc và hóa chất ở nơi an toàn khiến trẻ ăn, uống nhầm. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng ngộ độc.
Việc cha mẹ bất cẩn, chủ quan tái sử dụng các chai lọ nước giải khát để đựng các hóa chất như dầu hỏa, cồn, rượu…. cũng như để các loại thuốc diệt côn trùng, thuốc diệt chuột có vỏ bao bì giống các loại thuốc bổ bé hay uống, ở những nơi dễ thấy, trong tầm tay với của trẻ chính là mối nguy hiểm tiềm tàng về ngộ độc thuốc, hóa chất cho trẻ.
Bệnh nhân ngộ độc gặp ở trẻ từ 1-5 tuổi, đây là nhóm tuổi thích tò mò, khám phá nhưng lại chưa phân biệt được các loại hóa chất độc hại.
+ Ngộ độc có chủ đích do trẻ có ý định tự tử: Thường xảy ra ở tuổi tiền dậy thì (trên 10 tuổi), khi tâm sinh lý của trẻ bắt đầu có sự thay đổi, áp lực về học tập, xung đột với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, những người xung quanh có thể khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương nhưng không được giãi bày, chia sẻ để có định hướng đúng đắn, khiến trẻ có những suy nghĩ tiêu cực.
Cấp cứu trẻ ngộ độc
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa khuyến cáo, ngay khi phát hiện, nghi ngờ trẻ uống nhầm thuốc hoặc hóa chất độc hại, cha mẹ và người trông trẻ cần nhanh chóng tách trẻ ra khỏi các chất có nguy cơ gây ngộ độc.
Nhanh chóng đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất. Khi đi cha mẹ nhớ cầm theo thuốc hoặc hóa chất nghi ngờ gây ngộ độc cho trẻ, điều này sẽ tìm được nguyên nhân và thuốc đối kháng độc chất. Trong khi chờ đợi đưa trẻ đến cơ sở y tế, cha mẹ nên sơ cứu ban đầu cho trẻ bằng cách:
+ Nếu bị nhiễm độc qua da và niêm mạc: Tháo bỏ ngay quần áo bị dính hóa chất, đồng thời rửa vùng cơ thể tiếp xúc với hóa chất của trẻ liên tục dưới vòi nước sạch. Trường hợp hóa chất vào mắt, cần rửa mắt bằng cách ngụp mặt vào chậu nước và chớp mắt liên tục, nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ.
+ Nếu bị nhiễm độc qua đường tiêu hóa: Kê cao đầu hoặc giữ trẻ ở tư thế ngồi nếu trẻ còn tỉnh táo, trường hợp trẻ bị bất tỉnh thì cho nằm nghiêng bên trái. Điều này sẽ giúp trẻ đỡ bị sặc, đồng thời khi trẻ nôn ói nhiều, các chất trong dạ dày sẽ không trào lên thực quản, rồi vào khí phế quản, vào phổi gây nguy hiểm cho trẻ.
Lưu ý cha mẹ tuyệt đối không gây nôn cho trẻ trong trường hợp trẻ hôn mê, li bì, co giật hoặc nghi ngờ uống phải các hóa chất có tính chất ăn mòn như axit, bazơ, xăng dầu…
Để phòng ngừa ngộ độc hóa chất ở trẻ em các phụ huynh nên chú ý:
+ Để thuốc, hóa chất độc hại tránh xa tầm tay của trẻ, tốt nhất nên cất ở những nơi kín đáo, trẻ ít có cơ hội tiếp xúc. Không đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống, các chai lọ có màu sắc bắt mắt thu hút sự chú ý của trẻ, tránh nhầm lẫn.
+ Đối với trẻ em vị thành niên, cha mẹ nên có cách tiếp cận mềm mỏng, tìm hiểu những thay đổi tâm lý, những áp lực trong học tập của trẻ, kịp thời hỗ trợ để trẻ không có những suy nghĩ tiêu cực.
Mời các bạn đọc tiếp tin liên quan đến Cần Thơ: