Biến thể Omicron đã dẫn đến làn sóng COVID-19 gia tăng ở một số nước. Dòng phụ Omicron 'tàng hình' BA.2 đã trở thành biến thể chủ đạo toàn cầu, chiếm đến gần 94% số mẫu giải trình tự gene.
Hiện nay, các chuyên gia y tế đang quan ngại về 2 biến thể phụ mới của Omicron. Các biến thể mới BA.4 và BA.5 phát hiện ở Nam Phi hiện đang được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giám sát. WHO đã và đang truy vết các dòng phụ của Omicron là BA.1, Omicron 'tàng hình' BA.2, cũng như B.A.1.1 và BA.3.
2 biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 đang khiến các chuyên gia y tế quan tâm bởi những đột biến gene của virus có thể lẩn tránh hàng rào miễn dịch chống lây nhiễm nhờ vaccine hoặc do từng mắc COVID-19 trước đó.
1. Khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch của Omicron BA.4 và BA.5
Theo ông Tulio de Oliviera, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến và Đáp ứng Dịch tễ (CERI) ở Nam Phi, BA.4 và BA.5 có kiểu protein gai tương tự như Omicron 'tàng hình' BA.2, ngoại trừ một vài đột biến bổ sung thêm. Ông đã chia sẻ lên Twitter để cảnh báo về sự nổi lên của hai biến thể phụ mới này.
Ông Tulio de Oliviera cho biết: "Các biến thể phụ mới của Omicron BA.4 và BA.5 đã được phát hiện ở Nam Phi, Botswana, Bỉ, Đức, Đan Mạch và Anh quốc. Hiện chưa đáng báo động bởi sự xuất hiện của BA.4 và BA.5 chưa gây ra tăng vọt về ca mắc, nhập viện hay tử vong ở Nam Phi.
Ông Oliviera cho biết một trong những protein gai nhọn ở các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron cũng hiện diện ở các biến thể Delta, Kappa và Epsilon.
Kể từ khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, các nhà khoa học đã nghiên cứu các đột biến gene virus để xem những đột biến này có khiến hệ miễn dịch khó phát hiện ra virus hay có khiến bệnh COVID-19 dễ chuyển nặng hơn không.
SARS-CoV-2, virus gây ra bệnh COVID-19 sử dụng protein gai để bám vào tế bào cơ thể người và bắt đầu nhân lên trên vật chủ. Theo Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ, nếu đột biến xảy ra ở protein gai, virus sẽ dễ dàng xâm nhập tế bào cơ thể hơn. Ngoài ra, những đột biến này cho phép virus lẩn tránh hệ miễn dịch phát hiện sớm, do đó người có miễn dịch nhờ tiêm vaccine hay từng mắc COVID-19 trước đó vẫn có thể bị nhiễm lại.
Theo TS. Robert G. Lahita, giám đốc Viện Thấp khớp và Bệnh Tự miễn tại Saint Joseph Health, tác giả của cuốn sách "Hệ miễn dịch khỏe" (Immunity Strong) cho biết khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch xảy ra khi miễn dịch cơ thể người không phát hiện virus hiệu quả.
"Hiện giờ Omicron 'tàng hình' BA.2 có khả năng lẩn tránh miễn dịch, vì vậy mà người đã tiêm vaccine rồi vẫn mắc COVID-19", TS. Robert G. Lahita nói.
Nghiên cứu về hai dòng phụ Omicron BA.4 và BA.5 vẫn rất hạn chế. Theo Cơ quan An ninh Y tế Anh, BA.4 và BA.5 có những đột biến căn bản ở protein gai khiến cho hai dòng phụ này khác biệt so với phiên bản Omicron 'tàng hình' BA.2 hay các dạng khác của virus SARS-CoV-2.
2. Tốc độ lây lan của các biến thể phụ Omicron mới BA.4 và BA.5
WHO cho biết đã bắt đầu truy vết BA.4 và BA.5 bởi các đột biến mới cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ về khả năng trốn thoát hàng rào miễn dịch của virus.
Cơ quan An ninh Y tế Anh vào tuần trước cho biết đã xác định các ca nhiễm BA.4 ở Nam Phi, Đan Mạch, Botswana, Scotland và Anh từ ngày 10/1-30/3.
Cho đến tuần trước, tất cả ca nhiễm BA.5 đều ở Nam Phi, tuy nhiên đến ngày 11/4, Bộ Y tế Botswana cho biết đã phát hiện 4 ca mắc BA.4 và BA.5 ở nhóm 30-50 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và chỉ có triệu chứng nhẹ.
Đột biến không có nghĩa là virus sẽ nguy hiểm hơn hay dễ lây lan hơn. Sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ những đột biến này sẽ gây ra tác động gì.
Theo WHO, mới chỉ có vài chục ca mắc BA.4 và BA.5 đã được báo cáo lên cơ sở dữ liệu giám sát dịch tễ học toàn cầu GISAID.
3. Mức độ nghiêm trọng của BA.4 và BA.5
Theo ông Oliviera, chưa có lý do gì để cảnh báo bởi 2 dòng phụ này chưa gây ra đột biến ca mắc, nhập viện hay tử vong ghi nhận ở Nam Phi.
"Phần đông dân số Nam Phi đã được tiêm phòng đầy đủ có lẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến ca mắc, nhập viện lẫn tử vong đều thấp kể từ làn sóng Delta và Omicron BA.1.", chuyên gia y tế này nói.
Ông cũng cho biết còn quá sớm để hiểu rõ xem những đột biến ở 2 dòng phụ của Omicron này sẽ ảnh hưởng thế nào tới dịch tễ học.
Để bảo vệ bản thân khỏi những dòng phụ này, chuyên gia Oliviera cho biết tiêm phòng vaccine COVID-19 vẫn là chìa khóa ngăn ngừa triệu chứng nặng, nhập viện và tử vong ở mọi loại biến thể đã biết của virus SARS-CoV-2.
Ngoài ra, tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khử khuẩn và rửa tay thường xuyên vẫn là cách hữu hiệu để phòng mọi loại biến thể COVID-19.
4. Vaccine COVID-19 hiện tại vẫn hiệu nghiệm với mọi loại biến thể, giảm di chứng hậu COVID
Trong khi vaccine COVID-19 đang được cải tiến trước sự ra đời của những biến thể mới, vaccine phiên bản gốc vẫn có hiệu quả đối với mọi loại biến thể của virus SARS-CoV-2.
Những vaccine COVID-19 hiện nay góp phần bảo vệ người dân khỏi triệu chứng nặng hay tử vong do COVID-19.
GS. Jerry G Blaivas, Hệ thống Y tế Mount Sinai, New York (Mỹ) cho biết: "Vaccine cứu mạng và giảm các di chứng hậu COVID-19 vốn rất phổ biến ở làn sóng dịch đầu tiên."
Một nghiên cứu mới đây do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ cho thấy người đã tiêm 3 liều vaccine mRNA giảm 90% nguy cơ nhập viện trong suốt làn sóng Omicron so với ở người chưa được tiêm phòng.
Vaccine dù kém hiệu quả hơn trong việc ngăn mắc COVID-19 có triệu chứng nhưng vẫn bảo vệ khỏi nguy cơ trở nặng nhờ tiêm đủ liều và tiêm liều tăng cường.
"Nếu là đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi hay người mắc bệnh lý nền, tiêm phòng vaccine là rất quan trọng nhằm bảo vệ chuyển nặng hay tử vong do mắc COVID-19.", GS. Jerry G Blaivas nói.
13 triệu chứng COVID-19 ở người nhiễm biến thể Omicron