2 bệnh nhân được nhìn thấy ánh sáng nhờ giác mạc của bác sĩ hiến tặng

01-09-2016 22:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Chỉ sau khi thu nhận giác mạc 1 ngày, Bệnh viện Mắt trung ương đã tiến hành ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân. Đó là việc làm kịp thời của các bác sĩ bệnh viện Mắt Trung ương để tri ân với người đồng nghiệp của mình.

Bác sĩ, đại tá Vũ Thị Thoa – người vừa có một hành động đẹp, hiến tặng giác mạc của mình khi qua đời hôm 30/8, khiến cho rất nhiều người khâm phục. Ngay sau khi chị qua đời, các y bác sĩ của Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận giác mạc và ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân. Họ là 2 bệnh nhân 29 và 49 tuổi, mắc bệnh sẹo đục giác mạc lâu năm, khiến thị lực bị suy giảm, gây khó khăn trong cuộc sống và ghép giác mạc là biện pháp cuối cùng.

Nụ cười của những người được hiến tặng giác mạc

Bệnh nhân T, mắc bệnh loạn dưỡng giác mạc bẩm sinh di truyền. Anh T bị bệnh từ khi còn nhỏ, càng lớn bệnh càng nặng khiến thị lực 2 mắt anh suy giảm, chỉ còn dưới 1/10. T gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt khi tầm nhìn bị hạn chế và nhìn mọi vật không rõ ràng. Và niềm vui đã đến khi anh được tiến hành phẫu thuật ghép giác mạc. Rồi đây anh sẽ làm được những việc mà trước đây dù có muốn cũng không thể làm được vì căn bệnh của mình.

TS.BS Phạm Ngọc Đông đang khám cho bệnh nhân sau ghép giác mạc, hình ảnh mắt trên màn hình là mắt sau khi được ghép giác mạc, mảnh ghép rất trong và phục hồi thị lực tốt hơn cả con mắt còn lại.

Gặp T  - người vừa được hiến tặng giác mạc – anh nở nụ cười rất tươi và tự nhiên “khoe” con mắt mới được mổ của mình và bảo: “Trước kia em nhìn lờ mờ, nhưng sinh hoạt rất khó khăn, buổi tối không dám đi ra ngoài”.  T tâm sự, anh cảm thấy rất may mắn khi là một trong những người được nhận giác mạc, vì không phải ai cũng có suy nghĩ đến việc hiến tặng giác mạc. T nói rằng, sau này bằng chính câu chuyện của mình, anh sẽ là người phổ biến cho mọi người lợi ích của việc hiến tặng giác mạc.

Mỗi ca ghép giác mạc thành công, cuộc đời của một con người sẽ được mở ra một trang mới.  Chắc hẳn, khi chị Thoa di nguyện hiến tặng giác mạc  cũng đã biết rằng sẽ có 2 người khiếm thị hoàn toàn xa lạ sẽ được thắp lên ánh sáng cuộc đời. Và ở thế giới bên kia chị hẳn sẽ mãn nguyện, hạnh phúc với sự sẻ chia của mình.

Nguồn giác mạc “tươi” tốt hơn cho người được ghép

TS Phạm Ngọc Đông, trưởng khoa Kết Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, mỗi năm Bệnh viện Mắt Trung ương tiến hành khoảng 180 - 200 ca ghép giác mạc. Số người đăng ký chờ ghép giác mạc ở Bệnh viện Mắt rất đông, khoảng 1000 người. Trên cả nước, số người cần ghép lên tới khoảng 30.000 bệnh nhân. Hiện số người được ghép giác mạc ở Bệnh viện Mắt rất ít do không có nguồn giác mạc hiến tặng. Số giác mạc từ người hiến trong nước và từ nước ngoài mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu của người bệnh.

Việc có được nguồn giác mạc ở trong nước quyết định rất lớn đến chất lượng cuộc ghép. Bởi ngoài việc chi phí thu nhận giác mạc thấp, giác mạc mới, chất lượng tốt hơn nhiều so với giác mạc từ nước ngoài chuyển về.  Vì giác mạc chỉ bảo quản được trong vòng 14 ngày, nếu sau thời gian đó, giác mạc sẽ bị giảm chất lượng, mờ đục và không dùng để ghép được cho người bệnh. Sau khi thu nhận, giác mạc càng được ghép sớm thì kết quả phẫu thuật ghép giác mạc càng tốt.

Cũng theo TS Phạm Ngọc Đông, ghép giác mạc từ lâu đã trở thành phẫu thuật thường quy ở Bệnh viện Mắt Trung ương. Phẫu thuật viên sẽ cắt bỏ phần giác mạc bị tổn thương sau đó thay thế bằng giác mạc bình thường. Sau ghép giác mạc, người bệnh chỉ cần nằm viện từ 3- 5 ngày. Cũng giống như ghép các mô tạng khác, người ghép giác mạc phải dùng thuốc chống thải ghép. Một giác mạc được cấy ghép tốt có “tuổi thọ” từ 20-25 năm, sau đó có thể phải tiến hành ghép lại.

Chi phí ghép giác mạc từ nguồn hiến tạng trong nước chỉ khoảng 15 triệu đồng (trong đó 4 triệu đồng là chi phí thu nhận, bảo quản giác mạc và còn lại là chi phí phẫu thuật theo quy định của Nhà nước, nếu bệnh nhân có bảo hiểm y tế chi phí sẽ còn thấp hơn) , trong khi đó nếu phải lấy nguồn giác mạc từ nước ngoài chi phí sẽ tăng thêm khoảng 20 triệu do người bệnh phải trả phí thu nhận cao hơn và phí vận chuyển giác mạc từ nước ngoài về.


Hiện nay, số người chờ được ghép tạng tại Việt Nam lên tới hàng chục nghìn người, tuy nhiên số người tình nguyện xin hiến tạng rất ít, số ca ghép tạng trong nước càng ít hơn. Ngành y tế là nơi có nhiều nhất những người tình nguyện xin hiến các bộ phận cơ thể cho y học. Một người hiến tặng giác mạc có thể đem lại ánh sáng được cho 2 người khác.


Bài và ảnh: Mai Linh - Hải Yến
Ý kiến của bạn