Hà Nội

2 bé trai suýt chết vì biến chứng bệnh tay chân miệng

14-11-2018 17:45 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Một ở Cần Thơ, một ở Cà Mau, cả hai bé trai đều mắc tay chân miệng cấp độ IV.

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Nhi Đồng 1 cho biết, trường hợp thứ nhất là bé Đ.T.C (2 tuổi) ngụ tại Cà Mau. Theo lời người nhà, bé có biểu hiện sốt, ho, sau đó nổi hồng ban. Mẹ cho uống hạ sốt thì khỏi nhưng sau đó tiếp tục sốt. Sau 3 ngày ở tự điều trị không thuyên giảm, phụ huynh đưa con đến bệnh viện huyện, sau đó chuyển đến BV Sản Nhi Cà Mau thì bệnh nặng dần, bệnh nhi lên cơn co giật, rối loạn mạch, co giật, lơ mơ, suy hô hấp phải thở máy.

Một trong hai bệnh nhi tay chân miệng vừa được bác sĩ BV Nhi Đồng 1 cứu sống.

Trước tình hình nguy hiểm, các bác sĩ BV Sản Nhi Cà Mau đã nhờ sự hỗ trợ tuyến trên. Đường dây nóng đã được kết nối đến khoa Hồi sức tích cực chống độc BV Nhi Đồng 1. Tất cả các hình ảnh, kết quả xét nghiệm, màn hình monitor theo dõi tim phổi đã được các bác sĩ BV Sản Nhi Cà Mau quay phim, chụp ảnh gửi đến các bác sĩ ở TP.HCM để  ra các chỉ định điều trị. Tuy nhiên do tình trạng bệnh quá nặng, các bác sĩ cuối cùng đã quyết định chuyển viện ngay trong đêm.

Tại BV Nhi Đồng 1, bệnh nhi được xác định mắc bệnh tay chân miệng độ IV, bé tiếp tục phải thở máy và tiến hành lọc máu liên tục. May mắn sau 6 giờ đồng hồ lọc máu, sức khoẻ của bệnh nhi bắt đầu có dấu hiệu cải thiện. Bé tiếp tục được lọc máu 36 tiếng thì tri giác ổn định dần, nhịp tim trở lại bình thường. Sau một tuần chữa trị tích cực, bé hiện đã được cai máy thở, tuy nhiên biến chứng thần kinh đã khiến chức năng nhai nuốt bị ảnh hưởng, phải tập thêm vật lý trị liệu.

Trường hợp thứ hai cũng là một bé trai 2 tuổi nhà ở Cần Thơ. Bệnh nhân cũng bắt đầu bằng dấu hiệu sốt, điều trị ở nhà 3 ngày không khỏi nên phụ huynh đưa đến BV Nhi Đồng Cần Thơ. Tại bệnh viện, bé bị rối loạn hô hấp, rối loạn huyết động học. Các bác sĩ tuyến dưới cũng đã tổ chức hội chẩn trực tuyến với bác sĩ BV Nhi Đồng 1 trước khi quyết định chuyển viện do bệnh quá nặng.

Một xe cấp cứu được trang bị đầy đủ các thiết bị, thuốc men và bác sĩ đã chuyển bệnh nhân từ Cần Thơ về TP.HCM. Tại BV Nhi Đồng 1, bệnh nhi cũng được xác định mắc bệnh tay chân miệng độ IV, biến chứng thần kinh, mạch nhanh hơn 200 lần/phút, suy hô hấp, tri giác kém. Trong tình huống khẩn, các bác sĩ cũng đã cho bé thở máy, lọc máu liên tục trong 36 giờ đồng hồ và phải mất hơn một tuần điều trị, sức khỏe của bé mới cải thiện dần. Hiện bệnh nhi đang tập thở để cai máy thở, tuy nhiên các bác sĩ vẫn phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ các di chứng do biến chứng thần kinh để lại.

Từ 2 trường hợp trên, BS Phạm Văn Quang cho biết, so với thời điểm đầu tháng 9, số ca tay chân miệng nhập viện đang có dấu hiệu giảm, tuy nhiên số ca nặng vẫn còn. “Số ca giảm dễ dẫn đến chủ quan trong phòng bệnh và chính vì thể trẻ mắc bệnh dễ bị biến chứng nặng. Đặc biệt trong năm nay, khi chủng virút EV71 gây biến chứng đã trở lại. Tại BV Nhi Đồng 1, lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng thể nặng chiếm hơn 10%”, BS Quang nói.


THIÊN CHƯƠNG
Ý kiến của bạn