Hà Nội

2 bài thuốc cổ phương hỗ trợ điều trị tăng huyết áp

SKĐS - Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính không lây có tỉ lệ mắc cao trong cộng đồng và được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào danh sách 10 bệnh nguy hiểm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Y học cổ truyền thường căn cứ vào mạch, triệu chứng và nguyên nhân của bệnh tăng huyết áp rồi dùng bài thuốc để điều trị (bệnh nhân bệnh cơ, biện chứng luận trị, lý pháp phương dược).

Khi huyết áp lên cao thường biểu hiện bằng các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, hồi hộp (tâm quý), mất ngủ, mệt mỏi, chân tay tê, đau mỏi lưng, gáy cứng, vùng ngực buồn bực...

Nếu nặng hơn nữa, công năng của tâm, não, thận bị trở ngại sinh ra hôn mê, tai biến, đột quỵ…

2 bài thuốc cổ phương chủ trị bệnh tăng huyết áp - Ảnh 1.

Củ thiên ma là chủ dược trong bài Thiên ma câu đằng ẩm trị tăng huyết áp.

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh tăng huyết áp là tình chí (tình cảm ý chí) hư tổn, ăn uống không điều độ, làm cho âm dương của can thận mất điều hòa. Can là tạng thuộc về phong mộc, sinh bởi thận thủy (thận thủy sinh can mộc), lo lắng, uất kết, tức giận, can âm hao tổn bất túc, lâu ngày thận thủy hư không tư dưỡng được can, cho nên phát sinh bệnh tăng huyết áp. Bởi vì biến động là ở can còn nguồn gốc là ở thận. Can thận âm hư, can dương bốc lên, chính là cơ chế chủ yếu phát sinh ra bệnh tăng huyết áp.

Ngoài ra, có những người thường hay ăn cao lương mỹ vị, nhiều chất béo bổ, hoặc lao lực quá mức. Đặc biệt thường uống nhiều rượu bia, ăn những thứ cay nóng mang dương tính và nhiệt tính cao. Đây cũng là một nguyên nhân tự mình gây nên bệnh tăng huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường…

Xin nêu hai bài thuốc hỗ trợ chữa tăng huyết áp như sau:

Bài 1: "Thiên ma câu đằng ẩm" trị tăng huyết áp

Trong những năm gần đây, người ta thường dùng bài "Thiên ma câu đằng ẩm" để chữa bệnh tăng huyết áp thuộc âm hư dương bốc lên mạnh.

Bài thuốc gồm có: Thiên ma 9g, câu đằng 12g (cho vào sắc sau), thạch quyết minh 18g (sắc trước), sơn chi (chi tử) 9g, đỗ trọng 9g, tang ký sinh 9g, hoàng cầm 9g, xuyên ngưu tất 9g, dạ giao đằng 9g, chu phục thần 9g (cũng là củ bạch phục linh nhưng bên trong có lõi và điểm xuyết có màu hung hung, vì chữ chu có nghĩa là màu đỏ).

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần, uống lúc thuốc còn ấm. 

2 bài thuốc cổ phương chủ trị bệnh tăng huyết áp - Ảnh 3.

Cây câu đằng cho vị thuốc câu đằng chủ trị bệnh tăng huyết áp trong bài Thiên ma câu đằng ẩm.

Trong bài thuốc thiên ma, câu đằng, thạch quyết minh là chủ dược, bình can tiến dương (ghìm giữ chân dương ở can). Sơn chi, hoàng cầm thanh tiết can nhiệt để bình giáng can dương được thuận lợi. Xuyên ngưu tất hoạt huyết đồng thời dẫn huyết đi xuống để bình giáng can dương.

Tang ký sinh, đỗ trọng tu dưỡng can thận cùng làm thuốc phụ trợ. Dạ giao đằng, chu phục thần minh tâm an thần. Ích mẫu thảo hành huyết khử trừ ứ tụ, cùng là tá dược. Các vị thuốc phối hợp tạo thành công hiệu thanh nhiệt bình can, tiềm dương tức phong.

Theo nghiên cứu thực nghiệm bài thuốc này có tác dụng giáng áp – hạ huyết áp.

Bài 2: Bài Trấn can tức phong thang ("Y học trung tham tây lục")

Bài thuốc gồm có: Hoài ngưu tất 30g, sinh đại giả thạch 30g (nghiền nhỏ), sinh long cốt 15g (giã nát), sinh mẫu lệ 15g (giã nát), sinh hàng thược (bạch thược) 15g, huyền sâm 15g, thiên môn đông 15g, xuyên luyện tử 5g (giã nát), linh mạch nha 6g, nhân trần 6g, cam thảo 4,5g. 

Cách dùng: Sắc uống mỗi ngày một thang chia làm 2 lần, uống lúc thuốc còn ấm.

Công năng: Trấn can tức phong chữa chứng nội trúng phong. Mạch huyền trường hữu lực hoặc thượng thịnh hạ hư, hay chóng mặt, hoa mắt, đau đầu phát nhiệt, sưng mắt, ù tai, trong tâm phiền nhiệt, hay ợ hơi, chân tay cơ thể cảm thấy không tự nhiên, miệng mặt dần dần méo xệch, hoặc mặt đỏ như người say rượu rồi đột quỵ hôn mê.

Ít lâu sau mới hồi tỉnh lại, hoặc sau khi tỉnh không phục hồi được như trước, tinh thần giảm sút, hoặc chân tay bại liệt như bỏ đi, hoặc bán thân bất toại (tê liệt nửa người).

Nếu trong tâm nhiệt nặng, gia sinh thanh cao (thanh cao để sống không nung qua lửa) 30g, đờm nhiều gia nam tinh chế 6g. Nếu mạch xích thấy hư, gia thục địa hoàng 24g, sơn thù du 15g. Đại tiện không thực (nhão, nát, lỏng), bỏ quy bản, đại giả thạch, gia xích thạch chi 30g.

Trong bài thuốc trọng dụng ngưu tất để dẫn huyết đi xuống, đánh thẳng vào dương can (dương thịnh), tu dưỡng được can thận.

2 bài thuốc cổ phương chủ trị bệnh tăng huyết áp - Ảnh 4.

Vị thuốc ngưu tất trong bài Trấn Can tức phong thang trị tăng huyết áp.

Đại giả thạch giáng khí trấn nghịch, bình can tiến dương là vị thuốc làm quân.

 Long cốt, mẫu lệ tiến dương giáng nghịch, quy bản, huyền sâm, thiên môn đông, bạch thược tu dưỡng âm dịch, là vị thuốc làm thần, cùng phối hợp giúp cho vị thuốc làm quân để chế ngự dương kháng (dương bốc lên).

Nhân trần, xuyên luyện tử, mạch nha chủ yếu là hiệp trợ cho chủ dược để thanh tiết hữu dư của can dương, điều đạt uất trệ của can khí để có lợi cho bình giáng can dương.

Cam thảo điều hòa các vị thuốc cùng phối hợp với mạch nha, hòa vị và điều trung, đều là thuốc làm tá, sứ, nhằm giảm thiểu cái tệ của vị thuốc giả thạch làm trở ngại cho vị.

Các vị thuốc phối hợp cùng với nhau, tạo thành bài thuốc Trấn can tức phong.

Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp mỗi người cần kiểm soát cân nặng thường xuyên, có chế độ ăn uống khoa học, luyện tập đều đặn và duy trì nền nếp sinh hoạt lành mạnh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cháo trai- món ăn bổ dưỡng

TTND Trần Văn Quảng
Hội Đông y Việt Nam
Ý kiến của bạn