Video: Các diễn giả trình bày về tác hại của khói thuốc lá tới phụ nữ và trẻ em trong gia đình Việt
Đây là số liệu được đưa ra tại hội thảo “Tác động của tăng thuế thuốc lá đến sức khỏe phụ nữ và trẻ em” diễn ra sáng 26-6 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) và Tổ chức Sức khỏe toàn cầu Vital Strategies tổ chức.
Theo Bệnh viện K (năm 2000), tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Bệnh tật và tử song sớm do thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em – những người không sử dụng thuốc lá đang phải gánh chịu hậu quả của hút thuốc thụ động, phơi nhiễm ngoài ý muốn.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc lá làm tăng tỷ lệ viêm đường hô hấp, tăng triệu chứng của đường hô hấp mãn tính như hen, giảm sự phát triển của phổi và tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc lá có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân.
Bà Trần Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Bà Trần Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, nghiên cứu GATS năm 2015 (điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành) công bố, người hút thuốc ở Việt Nam đã sử dụng 31 nghìn tỷ để mua thuốc lá, tương đương với 2,4 triệu tấn gạo, đủ nuôi sống 14,3 triệu người/năm. Trong khi đó, trên 24 nghìn tỷ đồng là tổng chi phí điều trị và chi phí mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho năm nhóm bệnh/25 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra.
Bà Trần Thị Hương cho biết, hiện nay thuế trên giá bán lẻ của thuốc lá ở Việt Nam thấp thứ ba trong khu vực, chỉ chiếm khoảng 35%, trong khi khuyến cáo của Ngân hàng thế giới và WHO là từ 70% trở lên. Giá thuốc lá tại Việt Nam còn rất rẻ và sức mua thuốc lá cũng đang gia tăng do thu nhập tăng. Do đó, bà Trần Thị Hương nhấn mạnh, việc tăng thuế với thuốc lá một trong những chính sách hiệu quả giúp giảm tiêu dùng thuốc lá.
“Giá thuốc lá cao sẽ giúp giảm lượng tiêu thụ, giảm số lượng những người mới hút, đặc biệt là thanh thiếu niên và người nghèo”, bà Hương bày tỏ ý kiến.
Hội thảo thu hút nhiều đại biểu tham dự
Theo ThS Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá: Mức tăng thuế trong giai đoạn 2006-2019 khoảng 5%, thấp hơn so với giai đoạn 2006 – 2008 (10%) và giá thuốc trung bình của một bao thuốc lá 20 điếu có xu hướng giảm, từ 12.700 đồng năm 2010 xuống còn 11.819 đồng vào năm 2015, làm tăng khả năng mua thuốc lá của người dân, giảm hiệu quả công tác phòng chống tác hại thuốc lá.
Do đó, bà Phan Thị Hải cho biết, hiện Bộ Y tế đang đề xuất hai phương án tăng thuế thuốc lá trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân. Trong đó, Bộ Y tế ủng hộ phương án bổ sung phương án tăng thuế tuyệt đối. Bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, sẽ bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 2 nghìn đồng/bao và tối ưu là 5 nghìn đồng/bao.
“Với mức bổ sung 5 nghìn đồng/bao thì tỷ lệ hút thuốc sẽ giảm 6,5% tuyệt đối, giúp 1,8 triệu người bỏ thuốc và qua đó sẽ giúp tránh được 900 nghìn ca tử vong sớm; giúp doanh thu thuế tăng lên khoảng 10.700 tỷ đồng”, bà Hải nêu ý kiến.
Theo bà Hải: Với phương án này sẽ giúp có tác động chắc chắn lên giá, tránh được hiện tượng chuyển giá, dễ quản lý thu thuế, giảm hiện tượng chuyển dịch tiêu dùng từ giá cao xuống giá thấp và có hiệu quả tốt hơn trong việc phòng ngừa sử dụng thuốc lá cho giới trẻ và người có thu nhập thấp.