Chiều 7/3, tại Sở Y tế Hà Nội đã diễn ra cuộc họp khẩn Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) về phòng chống ngộ độc rượu methanol.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tại cuộc họp cho biết, trong các ngày từ ngày 22/2 -7/3, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã ghi nhận 11 bệnh nhân nam tuổi từ 40-54 nhập viện, trong đó có 1 trường hợp tử vong được chẩn đoán ngộ độc rượu methanol. Các bệnh nhân cư trú tại 5 quận, huyện của Hà Nội là Đống Đa, Hoàng Mai, Phúc Thọ, Ba Đình và Thanh Xuân. Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP thành phố Hà Nội cho biết, qua điều tra từ các nạn nhân bị ngộ độc rượu, có tới 3 người bị ngộ độc rượu sau khi uống rượu ở các quán ăn tại quận Đống Đa…
Ngay sau sự việc trên, Chi Cục ATVSTP Hà Nội đã thành lập 4 đoàn kiểm tra tình hình kinh doanh rượu trên địa bàn. Ngoài ra, các quận/huyện cũng tổ chức tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh rượu.
Tính đến ngày 7/3, các đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 225 cơ sở, trong đó xử phạt 18 cơ sở với số tiền gần 70 triệu đồng và niêm phong gần 2.000 lít rượu không rõ nguồn gốc, lấy mẫu xét nghiệm tại labo 25 mẫu (xét nghiệm nhanh tại cơ sở 3 mẫu rượu có 1 mẫu dương tính với methanol). Qua kết quả xét nghiệm phát hiện 2/10 mẫu rượu tại phường Mộ Lao (Hà Đông) và phường Khương Đình (Thanh Xuân) có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép từ gần 900 đến hơn 2.000 lần.
Cụ thể, mẫu rượu trắng pha cẩm lấy tại quán cơm Vĩnh Thành (địa chỉ: số 95 khu giãn dân phương Mộ Lao, Hà Đông) có hàm lượng methanol lên tới 202.475mg/L, vượt ngưỡng cho phép 2.002 lần. Hay mẫu rượu ngâm của gia đình ông Nguyễn Đình Chính (địa chỉ: số 59, tổ 24, phương Khương Đình, quận Thanh Xuân) có nồng độ là 89.680mg/L, vượt ngưỡng gần 900 lần.
Lực lượng chức năng liên ngành của Hà Nội đang niêm phong chum rượu không nhãn mác của một nhà hàng
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long cho biết, để truy tận gốc rượu gây ngộ độc từ đâu để xử phạt "đúng người đúng tội" thì cần có sự vào cuộc của lực lượng cảnh sát điều tra. Mặt khác, thành phố xem xét có nên cấm các cửa hàng ăn uống nhỏ lẻ kinh doanh rượu trắng không nguồn gốc, sau đó đi kiểm tra xem việc thực hiện như thế nào. Cùng với đó, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của rượu không nguồn gốc, rượu pha methanol, nhất là tuyên truyền để người kinh doanh hiểu được rằng, nếu bán rượu gây tử vong sẽ bị xử lý hình sự.
Trước thực trạng này, tại cuộc họp, giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền – Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP thành phố Hà Nội đã đề nghị các sở ngành liên quan, các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc các loại rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là nguồn rượu từ những cơ sở đã khiến bệnh nhân ngộ độc methanol. Mặt khác, phải tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, song song với việc bắt buộc các cơ sở nấu rượu phải cam kết đảm bảo an toàn, cấm pha cồn công nghiệp vào rượu.
Để phòng chống ngộ độc thực phẩm do rượu trên địa bàn, Sở Y tế đã có văn bản gửi Sở Công thương, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý, kiểm tra và thực hiện các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do rượu. Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công thương đôn đốc các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đồng loạt kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có bán rượu, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Tăng cường tuyên truyền tác hại của rượu, chất có cồn không rõ nguồn gốc, không nhãn mác để cảnh báo cho cộng đồng, đồng thời khuyến cáo người dân khi có biểu hiện nghi ngộ độc rượu cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị.