Hà Nội

1.838 điểm dừng xe buýt không có mái che

08-06-2015 09:33 | Tin nóng y tế
google news

Người chờ xe buýt phải đứng giữa trời nắng gắt 40 độ C để đợi xe buýt ở những điểm chờ không có mái che. Gặp lúc dông bão còn khổ hơn.

Gọi tới đường dây nóng của Báo An ninh Thủ đô, nhiều bạn đọc phản ánh tình trạng phải đứng giữa trời nắng gắt 40 độ C để đợi xe buýt ở những điểm chờ không có mái che. Những lúc gặp dông hay cơn mưa bất chợt, hành khách chờ xe buýt còn khổ hơn vì không biết trú vào đâu.

83% điểm dừng lộ thiên

Chiều 7-6, trao đổi với phóng viên ANTĐ, ông Lương Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, phản ánh của bạn đọc Báo An ninh Thủ đô là hoàn toàn đúng. Toàn thành phố hiện có 2.210 điểm dừng xe buýt, trong đó, 372 điểm dừng có nhà chờ (mái che), còn 1.838 điểm dừng không có nhà chờ, chiếm tới 83%.

Theo Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, những năm gần đây, số lượng nhà chờ xe buýt tăng khá nhanh. Từ năm 2011, thành phố chỉ có khoảng 200 nhà chờ thì tới năm 2015, con số này đã tăng lên 372. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng nhà chờ vẫn còn rất thấp, chỉ khoảng 17% tổng số điểm dừng xe buýt. Đáng chú ý, trong khi số điểm dừng có mái che rất ít, thì nhiều nhà chờ lại bị một số người thiếu ý thức chiếm dụng làm điểm bán hàng hoặc sử dụng sai mục đích.

Dưới cái nắng 40 độ C, hành khách phải khổ sở chờ xe buýt trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân

Về vấn đề này, ông Lương Đức Thịnh cho biết, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị không có thẩm quyền xử phạt các trường hợp này nên phải phối hợp với các lực lượng chức năng như Thanh tra GTVT và chính quyền địa phương để rà soát, giải tỏa vi phạm. Tuy nhiên, việc giải tỏa cũng gặp không ít khó khăn bởi các đối tượng vi phạm thường rất “cơ động”, khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng, họ nhanh chóng thu dọn đồ đạc và khi lực lượng kiểm tra đi khỏi, họ lại bày ra.

Hiện Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đang khảo sát lập phương án đầu tư phát triển mới 150 nhà chờ xe buýt, nâng tổng số điểm dừng có mái che lên 522, đạt khoảng 24% tổng số điểm dừng. Tại các điểm dừng không đủ điều kiện để lắp đặt nhà chờ có mái che, Trung tâm đang nghiên cứu mẫu biển báo điểm dừng có bổ sung các tiện ích phục vụ hành khách đi xe buýt. Ông Lương Đức Thịnh nói: “Mô hình cụ thể còn đang được nghiên cứu, sau đó phải lấy ý kiến các ngành. Dù thế nào thì biển báo dừng cũng phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể về kỹ thuật theo các quy chuẩn hiện có, nhất là phải đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị”.

Chờ vốn xã hội hóa

Khẳng định Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị luôn chủ động trong việc phát triển nhà chờ nhưng ông Lương Đức Thịnh cho biết, việc phát triển nhà chờ xe buýt để phục vụ hành khách còn gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhiều điểm không đủ điều kiện mặt bằng để lắp đặt nhà chờ do vỉa hè hẹp. Tiếp đó, do ngân sách còn hạn hẹp nên việc xây dựng nhà chờ chủ yếu chờ đợi nguồn xã hội hóa. “Đầu tư một nhà chờ xe buýt bê tông cốt thép, vách bằng kính cường lực, có mái che chi phí hàng trăm triệu đồng. Thế nên, nhà đầu tư cũng phải “trông giỏ bỏ thóc”. Họ thường quan tâm tới những điểm chờ trên các tuyến phố có thể bán được quảng cáo chứ ít quan tâm tới khu vực ngoại thành.

Ngay cả ở nội thành, nhiều điểm cũng không thể bán được quảng cáo nên việc thu hút vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà chờ xe buýt rất khó khăn”, ông Lương Đức Thịnh giải thích. Ngoài ra, thực tế, nhiều hộ dân hoặc cơ quan, đơn vị phía sau điểm dừng đã cản trở việc lắp đặt bởi họ không muốn nhà chờ xe buýt che chắn mặt tiền kinh doanh. “Ở nhiều tuyến phố, mỗi lần xây dựng nhà chờ là liên ngành và chính quyền địa phương phải vào cuộc vận động, thuyết phục rất nhiều người dân mới thông. Người dân nội thành không ai muốn có điểm chờ xe buýt trước cửa nhà mình. Đây là vấn đề ý thức vì cộng đồng và không dễ thay đổi trong một sớm một chiều”, ông Lương Đức Thịnh nói.

Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, giải pháp hiệu quả nhất để phát triển nhà chờ xe buýt vẫn là kêu gọi thu hút vốn đầu tư xã hội hóa. “Nắng nóng như thế, chúng ta ngồi trong nhà còn khó chịu nữa là người đứng chờ xe buýt ngoài trời. Chúng tôi rất chia sẻ với người dân và cam kết có giải pháp để nhanh chóng phát triển thêm nhiều nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, việc phát triển nhà chờ xe buýt ảnh hưởng lớn tới chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Bởi, nếu có nhà chờ có mái che, hành khách sẽ chọn đi xe buýt nhiều hơn thay vì các phương tiện khác như taxi, xe ôm, nhất là khi trời nắng nóng đỉnh điểm trong những ngày qua hay lúc mưa, dông...

 


Ý kiến của bạn