18 năm sống chung với lỗ thủng sàn sọ gây rò dịch não

12-09-2019 15:02 | Camera bệnh viện

SKĐS - 18 năm đau đầu dữ dội sau chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, chị Đỗ Kim Anh 39 tuổi ở Khánh Hòa vừa được các bác sĩ BV. Tai Mũi Họng TP.HCM xác định nguyên nhân do rò dịch não tủy.

Chị Anh. cho biết bị tai nạn giao thông năm 2001. Cấp cứu tại một bệnh viện ở TP.HCM, chị được chẩn đoán chấn thương sọ não, tụ máu trong não, các bác sĩ tiêm thuốc tan máu và điều trị nội khoa. Xuất viện được vài tháng, bệnh nhân bị chảy nước dịch ra tai bên phải.

Bệnh nhân tái khám sau gần một tháng điều trị

Người bệnh lần lượt đến nhiều bệnh viện khám nhưng không xác định rõ nguyên nhân. Năm 2016, tại một bệnh viện ở Khánh Hoà, bệnh nhân được chẩn đoán viêm tai giữa và tiến hành phẫu thuật, tuy nhiên sau đó bệnh nhân đau đầu nhiều hơn, mắt mờ, răng tê không nhai được, ăn uống kém, ngủ bị ảo giác giật mình thức giấc. Tiếp tục đi khám, người bệnh được chẩn đoán viêm xoang, chỉ định uống thuốc viêm xoang kéo dài nhưng không khỏi.

Giữa tháng 8/2019, do không còn chịu được tình trạng đau đầu và chảy dịch tai, chị A. đến BV. Tai Mũi Họng TP.HCM khám. Tại đây, bệnh nhân các bác sĩ xác định bệnh nhân bị viêm tai giữa tái phát nên chỉ định điều trị nội khoa một tuần. Kết quả tái khám sau đó thấy tai khô nhưng người bệnh đau đầu dữ dội. Các bác sĩ quyết định mở tai và phát hiện sàn sọ có chỗ rò kín đáo. Đây là nguyên nhân khiến dịch não tủy rò xuống tai âm thầm nhiều năm qua.

Người bệnh ngay sau đó đã được phẫu thuật vá chỗ rò và vá lại màng nhĩ. Đến sáng 12/9, kết quả tái khám cho thấy các vị trí tổn thương đã lành lặn, bệnh nhân không còn đau đầu, ăn ngủ ngon.

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Thuý, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, BV. Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, đây là trường hợp rò sàn sọ gây viêm tai kéo dài hy hữu. Do chỗ rò quá nhỏ khó có thể nhìn thấy qua chẩn đoán hình ảnh.

"Từ chỗ rò, sẽ nguy hiểm nếu vi khuẩn tấn công ngược lên gây viêm màng não. Ngoài trường hợp này, bệnh viện từng gặp nhiều trường hợp thủng nhĩ nhưng bệnh nhân bỏ qua, đến khi đến khám thì tổn thương đã nghiêm trọng, rất khó vá lành và ảnh hưởng đến thính lực. Chính vì vậy, nếu gặp vấn đề ở tai, người bệnh cần khi khám và nói rõ với bác sĩ những tổn thương trước đó để có hướng điều trị chính xác", BS. Thúy nói


Thiên Chương
Ý kiến của bạn