Theo trang Chinahighlights, người Trung Quốc tin rằng, Tết Nguyên đán - lễ hội mùa xuân là thời điểm bắt đầu một năm mới nên những gì bạn làm sau đó sẽ ảnh hưởng đến vận may của bạn trong năm tới. Có rất nhiều truyền thống của người Trung Quốc về việc nên làm và không nên làm trong năm mới.
Một số là điều cấm kỵ, mê tín này có trong ngày mùng một Tết Nguyên đán, thậm chí trong suốt mùa Tết (từ ngày 1 đến ngày 15 Tết Nguyên đán).
1. Tránh dùng thuốc ngày mùng 1 âm lịch Tết Nguyên đán
Việc nấu thuốc hoặc uống thuốc vào ngày mùng một âm lịch là điều cấm kỵ, nếu không sẽ bị bệnh cả năm.
Ở một số nơi, sau khi tiếng chuông báo hiệu năm mới vào lúc nửa đêm ngày Tết, người bệnh đập vỡ niêu, ấm đun thuốc (bình thuốc) với niềm tin tục lệ này sẽ xua đuổi bệnh tật trong năm tới.
2. Không quét nhà hoặc vứt rác
Hành động quét nhà trong ngày này gắn liền với việc quét sạch của cải. Đổ rác tượng trưng cho việc vứt bỏ những điều may mắn ra khỏi nhà.
3. Không nói những lời xui xẻo
Không ai muốn nghe những lời có ý nghĩa tiêu cực trong dịp Tết Nguyên đán. Tránh nói những từ liên quan đến cái chết, bệnh tật, nghèo đói, ma quỷ… Mọi người thay thế chúng bằng uyển ngữ nếu họ cần nói về những chủ đề như vậy, ví dụ như nói "ai đó đã mất" hoặc "ai đó đã qua đời" thay cho từ "chết".
4. Bữa sáng không ăn cháo và thịt
Không ăn cháo vào ngày Tết vì người ta cho rằng chỉ người nghèo mới có cháo vào bữa sáng và người ta không muốn đầu năm "nghèo" vì đây là điềm xấu.
Ngoài ra, không nên ăn thịt vào bữa sáng này vì tôn trọng các vị thần (Phật giáo) vì tất cả các vị thần đều phải ra ngoài gặp nhau và chúc nhau một năm mới hạnh phúc.
5. Tránh gội đầu và cắt tóc
Không được gội đầu vào ngày Tết Nguyên đán vì cho rằng việc "rửa lộc" đầu năm được coi là điều không tốt. Tránh cắt tóc vào ngày này vì người ta tin rằng nó có thể mang lại điều xui xẻo.
Tuy nhiên, việc cắt tóc hoặc làm một kiểu tóc mới trước Tết Nguyên đán để có một diện mạo mới (sự giàu có) mới trong năm tới ngày càng phổ biến.
6. Không giặt quần áo
Người ta không giặt quần áo vào ngày mùng một và mùng hai năm mới vì hai ngày này được tổ chức là ngày sinh nhật của thủy thần. Giặt quần áo được coi là hành vi không tôn trọng thần nước.
Người xưa tin rằng nước tượng trưng cho sự giàu có. Người ta tin rằng việc đổ nước sau khi giặt quần áo có nghĩa là đổ đi của cải.
7. Không nên may vá
Việc may vá không nên được thực hiện ngày Tết vì họ cho rằng năm tới sẽ là một "năm vất vả" (phải may vá nhiều).
Ngày xưa nghề may vá dành cho phụ nữ rất nhiều nhưng họ không may vá, kể cả khâu cúc áo, từ ngày mồng một đến ngày mồng năm tháng giêng âm lịch.
8. Không dùng kéo hoặc dao
Lưỡi kéo được cho là đôi môi sắc nhọn khi người ta cãi nhau. Việc sử dụng kéo vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán được coi là lời mời gọi những cuộc cãi vã với người khác trong năm tới.
Cần tránh sử dụng dao để tránh bất kỳ tai nạn nào, dù gây hại cho người hay dụng cụ đều được cho là sẽ dẫn đến những điều không tốt lành và hao hụt tài lộc trong năm tới.
9. Không nhận số tiền lì xì lẻ
Đừng bỏ một số tiền lẻ vào phong bì màu đỏ. Nhiều người thích những con số chẵn, với niềm tin truyền thống rằng những điều tốt đẹp luôn nhân đôi. Nhưng cũng nên tránh những con số không may mắn như 4 và 40, vì số 4 trong tiếng Trung nghe giống như cái chết.
10. Đừng tặng một số món quà nhất định
Đừng tặng những món quà nhất định, ví dụ như đồng hồ, kéo và quả lê vì chúng có ý nghĩa không tốt khi tặng.
11. Tránh làm vỡ bát, đĩa, ly
Phá vỡ tượng trưng cho sự không trọn vẹn và xui xẻo. Làm vỡ bát, đĩa, ly, bình hoặc gương trong lễ hội mùa xuân được coi là điềm xấu, tổn thất tiền bạc hoặc gia đình tan vỡ.
Nếu chẳng may có thứ gì bị vỡ, người ta thường dùng giấy đỏ để gói lại những mảnh vỡ rồi nói "quanh năm bình an".
12. Con gái đã lấy chồng không được phép về thăm nhà bố mẹ vào ngày mùng 1 Tết
Con gái đã lấy chồng không được phép về thăm nhà bố mẹ vào ngày Tết Nguyên đán vì điều này được cho là sẽ mang lại xui xẻo cho cha mẹ, gây khó khăn về kinh tế cho gia đình. Theo truyền thống, con gái đã lấy chồng sẽ đến thăm nhà bố mẹ đẻ vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán.
13. Giữ cho trẻ không khóc
Tiếng khóc của trẻ được cho là sẽ mang lại điều xui xẻo cho gia đình nên cha mẹ phải cố gắng hết sức để trẻ không khóc bằng mọi cách có thể.
14. Không đến bệnh viện
Việc đến bệnh viện trong thời gian này được cho là sẽ mang lại bệnh tật cho người được đề cập trong suốt năm tới, do đó tránh được việc đến bệnh viện, trừ những trường hợp cấp cứu.
15. Tránh cho vay và mượn tiền
Không nên cho vay tiền vào ngày đầu năm, mọi khoản nợ phải trả trước đêm giao thừa, nếu có ai nợ mình thì đừng đến nhà người ta đòi. Người ta nói rằng ai làm như vậy sẽ gặp xui xẻo cả năm.
16. Không mặc quần áo hỏng
Nếu mọi người, đặc biệt là trẻ em mặc quần áo như vậy vào tháng giêng âm lịch thì sẽ mang lại điều xui xẻo.
17. Không mặc đồ trắng hoặc đen
Màu đỏ là màu may mắn trong dịp Tết Nguyên đán. Không mặc quần áo màu trắng hoặc đen vì hai màu này có liên quan đến tang lễ theo truyền thống.
18. Không giết chóc
Nên tránh giết gà, vịt, lợn và cá trước Tết Nguyên đán hoặc vào đêm giao thừa.
Tuy nhiên, những điều kiêng kỵ nói trên chỉ là những tập tục chủ yếu được truyền miệng phổ biến trong dân gian và những điều này gần như không thể kiểm định được, cũng như không có cơ sở khoa học chứng minh. Chưa kể, việc kiêng uống thuốc ngày mùng 1 Tết rất nguy hiểm với những người có bệnh lý đang uống thuốc trị bệnh theo đơn của bác sĩ.
Theo ThS.BS Hà Phan Thắng, điều quan trọng là mọi người cần giữ sức khỏe tốt, chú ý đến việc ăn uống, nghỉ ngơi đi lại trong dịp Tết, hạn chế rượu bia, duy trì vận động thể lực... để có một kỳ nghỉ Tết an vui, hạnh phúc. Điều này cũng góp phần thúc đẩy những năng lượng tích cực trong một năm mới.
Xem thêm video đang được quan tâm:
10 điều nhiều người kiêng kỵ trong dịp Tết.