Tại Mỹ, cứ 3 người thì có 1 mắc bệnh tim ở mức độ khác nhau. 17 thói quen dưới đây được xem là thủ phạm “nặng ký” làm gia tăng căn bệnh nguy hiểm này.
1. Nghiện tivi
Ngồi lỳ hàng giờ trước màn hình, kể cả tivi lẫn internet là thủ phạm gia tăng bệnh tim như: đau tim, đột quỵ cho dù năng luyện tập. Theo các chuyên gia ở Trung tâm nghiên cứu y học Langore (LMC) thuộc ĐH New York thì luyện tập không đền bù được thời gian ngồi nhiều, nó làm tăng các loại mỡ máu và đường huyết. Để hạn chế căn bệnh này, mọi người nên thường xuyên đứng dậy đi lại, vận động thường xuyên, hạn chế ngồi nhiều, nằm nhiều, kể cả xem tivi, phim ảnh hay vào mạng internet.
2. Không khám và điều trị stress và trầm cảm
Những ai luôn cảm thấy căng thẳng, uất ức, hận thù, thù địch, trầm cảm thì cần phải đi khám ngay để tìm ra nguyên nhân và điều trị. Để lâu ngày sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nhất là sức khỏe tim, trong đó stress (căng thẳng) được xem là môi chất gây bệnh cao nhất.
3. Bỏ qua tật ngáy ngủ
Dù ngáy to, ngáy nhỏ cũng là dấu hiệu nghiêm trọng, đây là hiện tượng dễ nhận biết của căn bệnh ngưng thở khi ngủ, hơi thở bị gián đoạn và là thủ phạm làm cho huyết áp tăng cao, gia tăng bệnh tim mạch. Những người ngủ ngáy khi thức dậy thường mệt mỏi. Vì vậy, nếu có triệu chứng này thì nên đi khám, tư vấn bác sĩ để có giải pháp khắc phục kịp thời.
4. Không vệ sinh răng miệng thường xuyên
Các loại bệnh về răng lợi có liên quan mật thiết đến bệnh tim mạch. Lý do chính xác khoa học chưa rõ, người ta mới chỉ tình nghi bệnh sâu răng, bệnh về lợi là do vệ sinh kém, thức ăn bám vào chân răng tạo điều kiện cho khuẩn phát triển và ngấm vào máu, gây viêm nhiễm và nhiều mối nguy hiểm khác, đặc biệt là bệnh xơ cứng động mạch, đẩy nhanh chứng đau tim. Ví lý do này, mọi người nên đánh răng thường xuyên và áp dụng các biện pháp khác để giữ gìn răng lợi sạch sẽ.
5. Xa lánh cộng đồng
Trong xã hội hiện đại vẫn còn có người muốn sống âm thầm, xa lánh cộng đồng, ngại giao tiếp, kể cả bạn bè, người thân hoặc tham gia những công việc xã hội. Đây là tật xấu gây “hại” nhiều hơn “lợi”, trong đó có nguy cơ mắc bệnh tim rất cao. Vì lý do nói trên và để làm cho cuộc sống thêm sinh động, mọi người nên hội nhập, giữ mối liên hệ với nhau, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn... Đây chính là liều thuốc chữa bệnh hiệu quả, ai cũng có thể làm được.
6. Hội chứng WWS
Hội chứng WWS (Weekend Warrior Syndrome- tạm dịch: Hội chứng chiến binh cuối tuần) có nghĩa, ngồi cả tuần làm việc, cuối tuần lao vào luyện tập hay chơi thể thao. Chơi hết mình và do đột ngột nên bị tổn thương do căng duỗi quá mức và do dừng đột ngột nên không có lợi. Giải pháp thông minh là luyện tập đều đặn, tăng dần tần suất, duy trì trong cả tuần chứ không phải phải là hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật.
7. Lạm dụng rượu bia
Tật xấu này “nói mãi” vẫn không thừa bởi nó là thủ phạm gây hại cho tim. Nếu quá nhiều sẽ làm cho tim kiệt sức. Bằng chứng, cứ uống rượu vào là tim đập nhanh hơn, huyết áp và mỡ máu tăng cao... Nên duy trì lối sống khoa học, dùng đồ uống thông minh hoặc nếu bỏ được rượu càng tốt.
8. Ăn nhiều
Ăn nhiều, nghiện ăn là tật xấu gây tăng cân, béo phì và là thủ phạm làm tăng bệnh tim. Để giảm bệnh nên tránh ăn nhiều, tránh xa đồ uống có gas, nhiều đường nhiều phụ gia độc hại. Nên giảm khẩu phần ăn giàu calo, thực phẩm nhiều đường nhiều mỡ và bột tinh lọc. Nên ăn thực phẩm có hàm lượng mỡ thấp, chú trọng rau xanh trái cây, thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao.
9. Tự cho mình là khỏe mạnh
Phải nói ngay rằng bệnh tật không chừa một ai, nhưng nhiều người chủ quan cho rằng bản thân khỏe mạnh nên không chú ý phòng tránh, khám bệnh lẫn điều trị, khi biết bệnh thì đã quá muộn. Mọi người nên đi khám bệnh định kỳ, kiểm tra huyết áp, mỡ máu, đường huyết, duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, không nên hút thuốc lá và năng luyện tập.
10. Nghiện thịt đỏ
Thịt đỏ là nhóm thực phẩm khoái khẩu được nhiều người ưa thích nhưng nó lại giàu mỡ bão hòa, thủ phạm gia tăng bệnh tim và ung thư ruột kết. Lý tưởng nhất là duy trì thịt đỏ dưới 10% trong khẩu phần ăn hàng ngày.
11. Ngại đi khám bệnh
Nguyên nhân rất đa dạng như: ngại, xấu hổ, thậm chí còn giấu bệnh nên không biết được sức khỏe cụ thể của bản thân, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp, cholesterol và đường huyết... Riêng cao huyết áp có tới 90% số ca mắc bệnh không hề có dấu hiệu nhận biết bên ngoài, vì vậy nên đi khám định kỳ, làm các xét nghiệm để có giải pháp can thiệp hữu hiệu nhất.
12. Sống chung cùng thuốc lá
Có thể là hút thuốc lá chủ động, hay hít phải khói thuốc người hút thuốc lá phả ra (chuyên môn gọi là hút thuốc lá thụ động)... Tất cả những điều này đều làm gia tăng bệnh tim. Lý do, khói thuốc lá có chứa hàng trăm hóa chất độc hại khác nhau. Nó làm cho máu đậm đặc, khó lưu thông, phát sinh cục máu đông, tăng các mảng bựa bám trong trong thành động mạch và cuối cùng làm tăng bệnh. Vì lý do này, mọi người nên bỏ thuốc càng sớm càng tốt, đồng thời tránh xa môi trường có khói thuốc lá.
13. Dừng thuốc chữa bệnh đột ngột hoặc uống thuốc “nhảy cò”
Nhiều người khi có bệnh được kê đơn dùng thuốc nhưng lại bỏ không uống, uống “nhảy cò” lúc có lúc không, nhất là thuốc chữa bệnh cao huyết áp. Nhiều người thấy huyết áp ổn định đã bỏ thuốc và hậu quả bệnh tình trầm trọng. Hiện tại có tới trên 30 loại thuốc chữa cao huyết áp khác nhau, mọi người có tư vấn và chọn cho mình loại thuốc phù hợp để hạn chế các phản ứng phụ.
14. Ngại ăn rau xanh, trái cây
Đây là nhóm thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng nhiều người ngại ăn, đơn giản là nó không hợp khẩu vị. Tại Mỹ, người ta vừa công bố tháp thực phẩm mới trong đó có chứa tới 50% là nhóm thực phẩm cây trồng. Theo nghiên cứu thì những người ăn 5 suất trái cây, rau xanh/ngày (1 suất = 75g) sẽ giảm được 20% rủi ro mắc bệnh tim mạch và đột quỵ so với nhóm người ăn 2 suất/ngày.
15. Bỏ qua các triệu chứng thể chất
Bình thường nếu leo cầu thang liên tục 3 lần mà không có vấn đề gì nhưng mới leo được một lần đã thấy tức ngực là có vấn đề, đáng tiếc nhiều người lại bỏ qua hiện tượng này. Theo các bác sĩ, riêng bệnh tim mạch “thời gian là tính mạng con người”, nghĩa biết sớm và can thiệp kịp thời sẽ giảm được rủi ro cũng như tổn hại cho tim. Một khi có dấu hiệu bất thường thì không nên làm bất cứ điều gì, hãy ngồi yên 6 tiếng, nếu không có dấu hiệu gì xảy ra thì mới được xem là an toàn.
16. Lạm dụng muối
Càng ăn mặn ăn nhiều muối thì rủi ro mắc bệnh cao huyết áp lại càng tăng và cuối cùng dẫn đến tăng bệnh tim mạch, đột quỵ và suy thận. Nên tránh xa đồ hộp, thức ăn nhanh.. vì đây là nhóm thực phẩm giàu muối, mỡ. Khi dùng thì nên đọc kỹ nhãn mác, đặc biệt là hàm lượng muối.
17. Nghiện thực phẩm có hàm lượng calo “rỗng”
Nhóm thực phẩm giàu đường, mỡ là nhóm thực phẩm có hàm lượng dưỡng chất kém, hay còn gọi là thực phẩm có hàm lượng calo thấp gây bất lợi cho cơ thể, gia tăng bệnh béo phì và đái tháo đường. Nên đọc kỹ nhãn mác, dùng thực phẩm giàu dưỡng chất tốt như rau xanh, trái cây hạt ngũ cốc nguyên chất, hải sản, trứng đậu, thịt nạc và sữa có hàm lượng mỡ tốt, vừa ngon miệng lại có lợi lâu dài cho sức khỏe tim mạch.
KHẮC NAM (Theo Heath)