Ngày 11/4, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an) cho biết, trong 3 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 28 vụ việc chống người thi hành công vụ, làm 10 chiến sĩ CSGT bị thương. Lực lượng CSGT trực tiếp, phối hợp bắt giữ 29 đối tượng để bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Trong đó, nhiều nhất là Hà Nội xảy ra 4 vụ, TP.HCM 3 vụ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Yên, Bình Định, Tuyên Quang mỗi tỉnh xảy ra 2 vụ…
Đại diện Cục CSGT cho biết, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 20 vụ, tăng 8 chiến sĩ CSGT bị thương và tăng 22 đối tượng bị bắt giữ.
Đáng nói, số người sử dụng rượu bia chống đối CSGT lên đến 17 vụ (chiếm hơn 50%), làm 5 chiến sĩ CSGT bị thương và 17 đối tượng bị bắt giữ.
Đơn cử như vụ việc xảy ra tại Vĩnh Phúc và Lào Cai trong tháng 2 vừa qua, các đối tượng điều khiển ô tô, xe máy tông thẳng vào lực lượng CSGT khi bị yêu cầu dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn. Những vụ việc này thể hiện rõ sự liều lĩnh, bất chấp hậu quả, coi thường pháp luật của các đối tượng phạm tội.
Chia sẻ về vấn đề trên, luật sư Lê Hoàng Phúc An (Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X) cho rằng, giải pháp quan trọng bảo vệ CSGT trước vấn nạn chống đối, tấn công của người vi phạm, đó là phải tăng cường tính răn đe của pháp luật đối với hành vi này. Mọi hành vi tấn công lại CSGT (dù chưa gây hậu quả thương tích), cũng phải được xem xét xử lý về hình sự.
Theo luật sư Phúc An, mỗi cán bộ CSGT cần phải biết kiềm chế cảm xúc, không chạy theo diễn biến của sự việc và thái độ của đương sự khiến bản thân mất bình tĩnh, dẫn đến nổi nóng và hành xử sai. Trong những tình huống phạm tội đã rõ ràng, thì cần phải quyết đoán, sử dụng vũ lực ở mức đủ để khống chế, ngăn chặn tội phạm, lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, ghi hình sự việc để làm căn cứ xử lý...