Trong báo cáo gửi tới Đại biểu Quốc hội về hoạt động giáo dục năm 2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm 2022 có khoảng 16.000 giáo viên xin nghỉ việc gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học trong các nhà trường.
Bên cạnh đó, hiện cả nước thiếu khoảng 100.000 giáo viên mầm non, phổ thông; thiếu giáo viên một số môn học khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như môn tiếng Anh, tin học đối với cấp tiểu học và môn âm nhạc, mỹ thuật đối với THPT.
Theo TS. Hoàng Trung Học - Chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, xu hướng nghỉ việc ở bộ phận giáo viên có nhiều nguyên nhân. Trước hết, tác động mạnh đến đội ngũ nhà giáo là thu nhập. Mức lương hiện tại của nhà giáo chưa đảm bảo cho mức sống tối thiểu, đặc biệt là ở những giáo viên mới vào nghề ở bậc học mầm non, tiểu học.
Tiếp đến là áp lực nghề nghiệp hiện tại của các nhà giáo rất nặng nề. Áp lực cho giáo viên còn đến từ chính phụ huynh và xã hội. Ngoài ra, giáo viên cũng đang phải chịu quá nhiều sức ép từ các loại giấy tờ, sổ sách, họp hành, tập huấn; sức ép thành tích và các hoạt động mang tính hình thức khác. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình mới cũng là nguyên nhân gây ra vấn đề.
TS. Hoàng Trung Học cho biết, khi sàng lọc bằng trắc nghiệm, chúng tôi thấy, gần 60% giáo viên có biểu hiện stress trong công việc, 35-40% có những dấu hiệu rối loạn lo âu liên quan đến công việc, và một tỷ lệ nhỏ hơn giáo viên có biểu hiện ban đầu của trầm cảm. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở giáo viên mầm non, sau đó lần lượt đến giáo viên bậc tiểu học, THCS và cuối cùng là THPT.
Để giải quyết áp lực cho gáo viên và "giữ chân" những người giỏi, TS. Hoàng Trung Học cho rằng, cần những giải pháp tổng thể và phải thực hiện trong thời gian dài. Gốc rễ của vấn đề vẫn là thu nhập của giáo viên. Họ phải bảo đảm được đời sống tối thiểu mới an tâm làm nghề. Nếu không, nhiều người sẽ bỏ nghề hoặc làm thêm. Một số giáo viên bán hàng online, làm nghề phụ để kiếm thêm thu nhập. Điều này không có gì xấu nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục.
"Chúng ta đừng nghĩ mức lương trung bình 5 - 7 triệu đồng/tháng với giáo viên là cao. Bởi công nhân lao động phổ thông hiện nay cũng đã có thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/tháng. So sánh như vậy để thấy thu nhập của giáo viên thấp đến mức nào".
Theo TS. Hoàng Trung Học, các nhà quản lý giáo dục các cấp cần ngồi lại với nhau để rà soát công tác quản lý giáo viên. Hãy suy nghĩ để cắt giảm hơn nữa những cuộc thi không cần thiết, bãi bỏ sổ sách hành chính, nhiệm vụ kiêm nhiệm không cần thiết đang chi phối giáo viên. Hãy rũ bỏ tất cả thủ tục hành chính làm giáo viên thêm mệt mỏi, để thầy cô được thực sự "tự do" và dành thời gian cho công tác giảng dạy, giáo dục.
Bên cạnh đó, bản thân mỗi nhà giáo và nhà trường cũng phải làm tốt công tác tư tưởng để sốc lại tinh thần, thay đổi tư duy làm giáo dục trong giai đoạn mới. Qua đó, giúp giáo viên có năng lực ứng phó với những thách thức và khó khăn mới.
Về phía Bộ GD&ĐT, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) Vũ Minh Đức cho biết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tích cực phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ ngành liên quan trong việc rà soát, đề xuất bổ sung biên chế còn thiếu cho ngành Giáo dục.
Mới đây, Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026. Riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung hơn 27.800 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Đây là kết quả rất tốt trong việc phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ ngành để tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.
Để thu hút và giữ chân giáo viên yên tâm công tác, Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW. Theo đó, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Qua đó, thu hút và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền cần có chính sách hỗ trợ phù hợp với đội ngũ giáo viên của địa phương. Đồng thời, xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt, nhằm thu hút giáo viên về công tác tại địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho nhà giáo trong quá trình công tác. Cùng với đó, có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.