Hà Nội

15 phút thoát "cửa tử" ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim 23 tuổi

18-11-2019 14:15 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Sáng 18/11/2019, BS CKII Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc chuyên môn BVĐK TW Cần Thơ cho biết, Trung tâm tim mạch của bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân nam 23 tuổi, nhồi máu cơ tim tối cấp có biến chứng ngừng tim.

Anh Nguyễn Nhựt Cường, 23 tuổi, ở huyện Phong Điền - Cần Thơ, nhập viện 3h ngày 16/11/2019 vì đau ngực trái.

Trước khi nhập viện 3 giờ, anh Cường có đi uống bia, đột ngột nôn ói hơn 10 phút, nghĩ mình bị dạ dày anh Cường tự mua thuốc điều trị nhưng triệu chứng đau ngực trái, nôn ói không giảm nên gia đình đưa vào bệnh viện.

Tìm hiểu tiền sử, anh Cường không có yếu tố nguy cơ tim mạch nào, ngoài việc nghiện thuốc lá, trung bình hút 1 bao/ngày và đã hút trong nhiều năm.

Lúc nhập viện anh Cường tỉnh táo, nôn ói, đau ngực trái nhiều, sinh tồn ổn định, thăm khám lâm sàng và đo điện tâm đồ các bác sĩ chẩn đoán cơn đau thắt ngực không ổn định và được chuyển đến Trung tâm tim mạch để được theo dõi và điều trị theo chuyên khoa.

Hình ảnh phát hiện bệnh nhân tắc nhánh liên thất trước

Lúc vào đến Trung tâm tim mạch, bệnh nhân đột ngột ngừng tim, ngừng thở. Mạch =0; Huyết áp =0 các bác sĩ tiến hành cấp cứu hồi sức cơ bản và sốc điện, sau sốc điện bệnh nhân có nhịp tim trở lại. Bệnh nhân được tiếp tục sử dụng vận mạch, chống loạn nhịp tim…. Đo điện tim phát hiện nhồi máu cơ tim tối cấp. Hội chẩn gồm nhiều chuyên khoa quyết định can thiệp cấp cứu tái thông mạch vành khi tình trạng bệnh nhân cho phép.

Hình ảnh sau can thiệp thành công ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim còn trẻ

Ê kíp can thiệp do Ths. Bs Trần Văn Triệu, Khoa Tim mạch can thiệp (phẫu thuật viên chính) và Bs Dương Hoàng Mẩn, các bác sĩ  đã tiến hành chụp mạch vành cấp cứu cho bệnh nhân. Kết quả chụp mạch vành tắc LADII – huyết khối mạch vành, ê kíp can thiệp nong bóng và đặt stent nhánh LADII. Thời gian can thiệp 15 phút, sau can thiệp huyết động bệnh nhân ổn định, bệnh nhân bớt đau ngực nhiều.

Sáng 18/11/2019 dấu hiệu sinh tồn bệnh nhân ổn định, hết đau ngực, không khó thở, bệnh nhân sinh hoạt gần như bình thường.

Theo BS CK II Phạm Thanh Phong, nhồi máu cơ tim trước đây được biết đến là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện bệnh đang trẻ hóa với số lượng người trẻ mắc nhồi máu cơ tim ngày càng tăng cao. Nhồi máu cơ tim xảy ra ở tuổi 45 được đánh giá là trẻ, còn nếu dưới 35 tuổi mắc bệnh là rất trẻ.

Nhồi máu cơ tim là tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim cấp gây những cơn đau thắt ngực và sau đó là hoại tử cơ tim dẫn đến suy tim hoặc đột tử. Nhồi máu cơ tim chủ yếu do nguyên nhân xơ vữa động mạch vành.

Tuy nhiên, nhồi máu cơ tim không đơn giản chỉ do nguyên nhân tắc động mạch vành. Có nhiều nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi, trong đó chính chế độ sinh hoạt không khoa học, thiếu lành mạnh là nguyên nhân chủ yếu gây hình thành các mảng xơ vữa nhanh chóng và dẫn đến nhồi máu cơ tim ở người trẻ.

Các nguyên nhân chính ở người trẻ thường gặp như:

-Stress.

-Thừa cân, béo phì.

-Hút thuốc lá: Đây là thói quen xấu mà phần lớn người trẻ đều mắc phải, đặc biệt là nam giới

Đối với người cao tuổi, nguyên nhân chủ yếu của nhồi máu cơ tim là xơ vữa động mạch diễn ra nhiều năm. Với người trẻ dưới 40 tuổi, chủ yếu là do huyết khối trong lòng động mạch do stress, béo phì, nghiện thuốc lá nhiều năm liền. Người trẻ thường chủ quan không nghĩ mình mắc phải căn bệnh này nên càng dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim chủ yếu là cơn đau thắt ngực ở vị trí sau xương ức lan lên trên dưới hàm, tay trái. Thi thoảng người bệnh bắt gặp cơn đau thượng vị như cơn đau của bệnh lý tiêu hóa. Các cơn đau thường kéo dài hơn 30 phút, khi nghỉ ngơi cơn đau cũng không giảm. Ngoài ra người bệnh còn có các triệu chứng khác như khó thở, thở dốc, vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, nôn, buồn nôn, thậm chí là lú lẫn, hay quên...

Ở độ tuổi trẻ, muốn phòng tránh bệnh nhồi máu cơ tim, điều người trẻ cần làm đầu tiên là thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt một cách khoa học:

  • Không hút thuốc lá, thuốc lào…
  • Ổn định cân nặng ở mức tương đối, phù hợp
  • Chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý
  • Tập luyện thể dục, vận động thường xuyên
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh stress, áp lực
  • Hạn chế rượu bia, chất kích thích, chất béo
  • Khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/ năm để đảm bảo sức khỏe, tầm soát bệnh nói chung.

Đặc biệt khi bị nhồi máu cơ tim, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được khám và điều trị đúng hướng. Sau khi xuất viện, người bệnh cần được thăm khám đều đặn theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch để đảm bảo sức khỏe và ổn định bệnh.


PV
Ý kiến của bạn