Hà Nội

15 năm nữa, Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già, tiếp tục đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

27-09-2024 09:48 | Y tế

SKĐS - Việt Nam chỉ còn khoảng 15 năm để bước vào giai đoạn dân số già, do đó trong Chương trình Phối hợp hoạt động về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn 2024-2028 đã đề ra nhiều hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi; cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe...

Tại Hà Nội, Bộ Y tế và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết "Chương trình Phối hợp hoạt động về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn 2024-2028" (gọi tắt là chương trình phối hợp).

Tham dự buổi lễ diễn ra cuối giờ chiều 26/9, về phía Bộ Y tế có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục, Đơn vị, Văn phòng Bộ Y tế.

Về phía Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam có Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cùng các Phó Chủ tịch Trung ương hội và đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam.

15 năm nữa, Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già, tiếp tục đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình ký kết Chương trình Phối hợp hoạt động về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn 2024-2028.

Đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi

Báo cáo tổng kết thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn từ năm 2018 - 2022 cho thấy, Bộ Y tế và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp thực hiện tốt 5 nội dung của chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đã đề ra; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đạt hiệu quả tích cực.

Bộ Y tế và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã phối hợp trong việc tham mưu, đề xuất với Chính phủ các chính sách thuộc lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi. Triển khai thực hiện Quyết định số 7618/QĐ-BYT về việc phê duyệt đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025; phối hợp tham mưu ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; định kỳ tổ chức kiếm tra việc thực hiện tại địa phương, cơ sở.

Bộ Y tế đã chỉ đạo tổ chức thực hiện, phát triển chuyên ngành Lão khoa; đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; tạo điều kiện cho người cao tuổi được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với chất lượng tốt; đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người cao tuổi.

15 năm nữa, Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già, tiếp tục đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi- Ảnh 2.

Ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam báo cáo tại buổi lễ.

Hội Người cao tuổi Việt Nam chỉ đạo phát triển các mô hình câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như: Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, Câu lạc bộ Dưỡng sinh, Câu lạc bộ Sức khỏe ngoài trời, Câu lạc bộ của những người bị bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp…

Tổ chức mạng lưới tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, người cô đơn không nơi nương tựa, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Hội Người cao tuổi các địa phương phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch, tổ chức khám sức khoẻ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi. Nhờ đó, sức khỏe của người cao tuổi ngày càng được cải thiện, nâng cao hơn.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu lên một số khó khăn hạn chế trong việc phối hợp, tổ chức thực hiện tại một số địa phương và đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Y tế và Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam.

15 năm nữa, Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già, tiếp tục đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu.

Việt Nam chỉ còn khoảng 15 năm để bước vào giai đoạn dân số già

Trong phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, trong lịch sử phát triển của dân tộc ta, người cao tuổi luôn có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước; Bác Hồ đã dạy người cao tuổi nước ta thực sự là "vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam".

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi, trong đó đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chủ chương, chính sách, chiến lược, chương trình, đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như:

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới.

15 năm nữa, Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già, tiếp tục đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi- Ảnh 4.

Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi lễ.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chương trình, Đề án về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

"Bộ Y tế đánh giá cao sự phối hợp của Hội Người cao tuổi Việt Nam trong tham mưu ban hành và triển khai thực hiện chủ chương, chính sách, đề án chương trình chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi trong những năm qua"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tuổi thọ tăng và xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp, dự báo Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới và sớm trở thành quốc gia dân số già vào năm 2038. Như vậy, Việt Nam chỉ còn khoảng 15 năm để bước vào giai đoạn dân số già.

Già hóa dân số là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn cho hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta.

Kế thừa và phát huy những thành tựu, kết quả đạt được trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022, Bộ Y tế và Hội Người cao tuổi Việt Nam đã thảo luận và thống nhất ký kết Chương trình phối hợp hoạt động về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn 2024-2028 nhằm tăng cường phối hợp triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật; các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số nhanh ở nước ta;

15 năm nữa, Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già, tiếp tục đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi- Ảnh 5.

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng trình bày dự thảo chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế và Trung ương Hội Người cao tuổiViệt Nam về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn từ năm 2024 - 2028.

Đảm bảo người cao tuổi được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng; phát huy vai trò, chủ động tham gia các hoạt động chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Để chương trình phối hợp hoạt động về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn 2024-2028 đạt hiệu quả tốt, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Cục Dân số, Bộ Y tế và Ban Chăm sóc, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam là đầu mối phối hợp tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam: Xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp hằng năm và giai đoạn; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp hằng năm và cả giai đoạn.

Trước mắt đề nghị Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" được giao tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới;

Trao đổi thông tin, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và phát sinh trong quá trình thực hiện chương trình phối hợp.

Cùng đó, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế; Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam chỉ đạo các cấp Hội Người cao tuổi xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động chăm sóc sức người cao tuổi phù hợp với địa phương.

15 năm nữa, Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già, tiếp tục đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi- Ảnh 6.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình và các đại biểu tại buổi ký kết.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy Ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam đã đại diện hai đơn vị ký kết chương trình phối hợp hoạt động.

Bộ Y tế đề xuất chính sách gì để thích ứng với già hóa dân số?Bộ Y tế đề xuất chính sách gì để thích ứng với già hóa dân số?

SKĐS - Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến nhân dân, Bộ Y tế đề xuất chính sách thích ứng với già hóa dân số, dân số già.

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh
Ý kiến của bạn