Kén ăn được hiểu là trẻ có những giai đoạn từ chối một số loại thực phẩm, tránh một số kết cấu nhất định hoặc khăng khăng chỉ ăn những món chúng thích. Theo các chuyên gia, có khoảng 25-30% trẻ trong độ tuổi chập chững biết đi và mẫu giáo có hiện tượng kén ăn. Kén ăn lâu dài sẽ dẫn đến biếng ăn tâm lý, gây thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Giúp trẻ kén ăn phát triển mối quan hệ lành mạnh với thức ăn có thể là một thách thức nhưng những thay đổi nhỏ có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Tạo ra một môi trường ăn uống không căng thẳng và dần dần giới thiệu sự đa dạng có thể khuyến khích thói quen ăn uống tốt hơn ở trẻ.

Trẻ kén ăn chỉ lựa chọn những thực phẩm trẻ thích khiến trẻ không đủ dinh dưỡng để phát triển.
Cha mẹ có thể khuyến khích thói quen ăn uống tốt hơn bằng cách cung cấp nhiều loại thực phẩm mà không gây áp lực, tạo ra môi trường giờ ăn tích cực và cho trẻ tham gia vào quá trình chuẩn bị thức ăn. Tham khảo những mẹo thực tế này sẽ giúp trẻ kén ăn vượt qua giai đoạn này trong khi nuôi dưỡng thói quen ăn uống lành mạnh.
1. Tạo bầu không khí tích cực trong bữa ăn
Cha mẹ cần giữ cho giờ ăn thoải mái và không căng thẳng. Tránh ép trẻ ăn và biến giờ ăn thành thời gian trò chuyện vui vẻ.
2. Cho trẻ ăn bắt đầu từ những phần nhỏ
Phục vụ các phần ăn nhỏ sẽ giúp trẻ không bị quá tải và cảm thấy ngợp trước bàn ăn. Trẻ luôn có thể yêu cầu thêm nếu trẻ thích đồ ăn.
3. Giới thiệu thực phẩm mới dần dần
Thay vì ép trẻ ăn những món ăn mới, hãy giới thiệu chúng cùng với những món ăn yêu thích quen thuộc. Nên cho bé làm quen dần dần trên quy tắc vẫn duy trì các món cũ, không nên thay đổi hoàn toàn món ăn trong 1-2 bữa. Việc tiếp xúc nhiều lần giúp trẻ cảm thấy thoải mái với những hương vị mới.
4. Tránh sử dụng thức ăn như một phần thưởng
Sử dụng đồ ăn để "hối lộ" trẻ có thể tạo ra những liên tưởng không lành mạnh. Khuyến khích thói quen ăn uống lành mạnh bằng cách biến giờ ăn thành một phần bình thường trong ngày.
5. Làm cho bữa ăn trở nên thú vị và hấp dẫn
Sắp xếp thức ăn theo cách sáng tạo, chẳng hạn như tạo hình mặt cười hoặc sử dụng nguyên liệu nhiều màu sắc, để bữa ăn trở nên hấp dẫn về mặt thị giác.
6. Để trẻ kén ăn tham gia chuẩn bị món
Cho trẻ tham gia nấu ăn sẽ làm tăng hứng thú của trẻ trong việc thử các loại thực phẩm khác nhau. Hãy để trẻ rửa rau, trộn nguyên liệu hoặc chọn món ăn yêu thích.
7. Duy trì lịch ăn uống nhất quán
Việc cung cấp các bữa ăn và đồ ăn nhẹ vào đúng giờ giúp điều chỉnh cảm giác thèm ăn, ngăn ngừa việc ăn vặt quá mức trước bữa ăn.
8. Làm gương tốt
Trẻ em học bằng cách quan sát cha mẹ. Ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh sẽ khuyến khích trẻ thực hiện theo như vậy.
9. Cung cấp nhiều loại kết cấu và hương vị
Những người kén ăn có thể có sở thích về kết cấu. Hãy thử nhiều kỹ thuật nấu ăn khác nhau như rang, hấp hoặc xay.
10. Hãy kiên nhẫn với sở thích của trẻ
Trẻ có thể cần thử một loại thức ăn mới nhiều lần trước khi chấp nhận. Tránh ép buộc trẻ nhưng hãy tiếp tục cho trẻ ăn theo những cách khác nhau.
11. Giảm thiểu sự mất tập trung trong bữa ăn
Tắt màn hình và hạn chế đồ chơi trên bàn. Khuyến khích trẻ tập trung vào việc ăn và thưởng thức bữa ăn.
12. Tôn trọng dấu hiệu đói của trẻ
Ép trẻ ăn khi chúng không đói có thể tạo ra sự phản kháng. Hãy để chúng lắng nghe cơ thể mình.

Khuyến khích trẻ tập trung vào việc ăn và thưởng thức bữa ăn.
13. Thêm nước chấm và nước sốt lành mạnh
Thêm các loại nước chấm lành mạnh như sốt cà chua, sữa chua, hummus hoặc bơ đậu phộng khiến cho món rau và các loại thực phẩm khác hấp dẫn hơn.
14. Phục vụ cùng một bữa ăn cho cả gia đình
Tránh nấu các bữa ăn riêng cho trẻ một cách cầu kỳ. Phục vụ cùng một nhóm thức ăn cho mọi người trong khi cho phép trẻ tự chọn lượng thức ăn con muốn ăn. Cho bé ăn cùng gia đình sẽ tạo cho bé cảm giác thích thú với các món ăn, không biệt lập, không khí vui vẻ của bữa ăn sẽ làm bé có nhiều cảm hứng ăn uống hơn.
15. Luôn khích lệ khi trẻ ăn ngon
Khuyến khích và khen ngợi trẻ khi trẻ thử những món ăn mới. Sự củng cố tích cực có thể giúp trẻ tự tin hơn khi ăn nhiều loại thức ăn khác nhau.
Với sự kiên nhẫn và nhất quán, thói quen ăn uống kén chọn có thể cải thiện theo thời gian. Khuyến khích thái độ tích cực đối với thực phẩm có thể giúp trẻ phát triển thói quen ăn uống lành mạnh hơn trong tương lai.
Sự thay đổi thất thường của kén ăn thường không gây tổn hại cho sức khỏe tổng thể của trẻ. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng kén ăn sẽ cải thiện theo thời gian nhưng nếu nó ảnh hưởng đến sự phát triển hoặc sức khỏe, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Theo BS. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, sự thèm ăn của trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm cả mức độ hoạt động thể lực, sự mệt mỏi và bất ổn về cảm xúc. Hoặc có thể trẻ chỉ đơn thuần là một người kén ăn. Chừng nào tăng trưởng của trẻ là bình thường và trẻ đang ăn một chế độ ăn uống cân bằng thì cha mẹ không có gì cần phải lo lắng.
Mời xem thêm video:
Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ nhờ các loại thực phẩm.