Hà Nội

15 hành động làm tổn thương khớp

18-03-2019 14:09 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Trong cuộc sống hàng ngày, dù vô tình hay hữu ý chúng ta mắc phải những hành động gây tổn thương cho các khớp. Nếu muốn hệ xương khớp khỏe mạnh, bạn cần thay đổi lối sống và tránh xa những hành động làm tổn thương khớp dưới đây:

Thừa cân, béo phì

Khớp của mỗi người có chức năng liên kết các xương với nhau, nó rất nhạy cảm với sức nặng của cơ thể. Sức nặng của cơ thể gây áp lực lên đầu gối, đồng thời  làm căng lưng, hông và bàn chân của bạn. Nếu quá thừa cân, béo phì sẽ gây ra đau các khớp, nhất là các khớp gánh trọng lượng của bạn. Thừa cân còn là nguy cơ cao gây ra viêm khớp với các triệu chứng như cứng, đau và sưng khớp.

Sử dụng điện thoại quá nhiều

Sử dụng ngón tay trên các thiết bị thông minh khiếp khớp ngón tay bị mỏi, cứng khi một số ngón như ngón cái thường phải giữ điện thoại ở vị trí cố định. Sử dụng điện thoại còn gây hại cho khớp ở cổ và vai. Tư thế cúi  đầu về phía trước dùng điện thoại sẽ làm tăng tải trọng trên cơ bắp, cổ của bạn phải đỡ trọng lượng lớn hơn rất nhiều so với tư thế thẳng đầu.

Đi giày cao gót

Mặc dù giày cao gót là niềm yêu thích của nhiều chị em phụ nữ, nhưng đi giày càng cao, càng gây gánh nặng cho chân. Cơ đùi của bạn sẽ phải làm việc nhiều hơn để giữ cho đầu gối thẳng, toàn bộ trọng lượng cơ thể sẽ dồn vào mũi chân qua đầu gối, rất có hại cho khớp xương. Nếu sử dụng giày cao gót thường xuyên , bạn sẽ tăng tỷ lệ mắc bệnh viêm xương khớp.

Mang giày sai kích cỡ

Giày quá chật sẽ ảnh hưởng tới bàn chân và mắt cá chân của bạn. Đó sẽ tạo áp lực cho đầu gối, hông. Ngoài ra, đi giày thể thao không phù hợp với môn thể thao mà bạn chơi cũng gây ảnh hưởng tới khớp. Nếu chân không được bảo vệ khi chơi thể thao còn có khả năng gây chấn thương.

Bẻ các khớp

Đây là thói quen thường gặp ở rất nhiều người, khi mỏi xương khớp, nhất là khớp tay chân, chúng ta thường tự bẻ các khớp và tự cảm thấy thoải mái hơn. Thực tế là,  khi bẻ các khớp, hoạt dịch ở giữa các đốt ngón tay  sẽ khiến cho những bong bóng nhỏ trong hoạt dịch vỡ ra gây ra các tiếng kêu ở khớp. Người ta đã nghiên cứu và cho biết, nếu thường xuyên bẻ khớp sẽ ảnh hưởng tới các mô mồm xung quanh khớp, thậm chí làm sưng khớp hoặc giảm sức mạnh của bàn tay….

Mang vác vật nặng không đúng cách

Việc mang vác các vật như túi xách, ba lô …. không đúng có thể dẫn tới chứng đau cổ và vai. Khi bạn phải mang theo một trọng lượng quá nặng trên vai sẽ làm mất thăng bằng và ảnh hưởng tới bước đi của bạn. Nếu bạn mang đồ ở một bên, lực kéo liên tục sẽ kéo căng cơ bắp và ảnh hưởng đến  khớp. Nếu thường xuyên mang vác vật nặng không đúng tư thế, còn ảnh hưởng tới dáng đi, hệ xương của bạn.

Tư thế bê vác sai

Khi bạn đặt quá nhiều lực lên các cơ nhỏ, khớp của bạn phải trả giá ví dụ như khi mở một cánh cửa nặng, bạn sử dụng ngón tay sẽ không phù hợp, hãy đẩy bằng lực của vai và cả hai cánh tay. Khi bạn nhấc thứ gì đó lên khỏi sàn, giữ vật đó trong lòng bàn tay, sử dụng lực của cánh tay, đầu gối và đẩy lên bằng cơ bắp chân. …

Ngủ sấp

Tư thế nằm ngủ này có thể giảm triệu chứng ngáy, tuy nhiên nó lại không tốt cho hệ cơ xương khớp của mỗi người. Khi nằm sấp, cột sống sẽ bị nén xuống, đầu thường quay về một hướng để thở, gây ra chứng mỏi cổ khi ngủ, từ đó gây áp lực lên các khớp và các cơ bắp ở cổ vai. Nếu nằm ngửa bạn sẽ không gặp phải những vấn đề này.

Không co duỗi cơ thể

Nếu không làm điều này là bạn đã mắc một sai lầm. Co duỗi cơ thể giúp tăng cường cơ bắp chống mỏi gân cơ, ngoài ra nó còn  cũng cơ thể chúng ta linh hoạt hơn, giúp các khớp di chuyển dễ dàng hơn và các cơ xung quanh hoạt động tốt hơn. Đây chính  là chìa khóa để khớp khỏe mạnh và ổn định.

Không tập  luyện tăng cường sức khỏe cơ bắp

Khi bạn bước sang tuổi 40, xương của bạn bắt đầu giảm đi và dễ bị gãy hơn. Nếu bạn có một chế độ luyện tập, sẽ làm chậm quá trình mất xương và kích hoạt sự phát triển xương mới. Chính vì vậy, tập luyện không chỉ có được cơ bắp, mà còn tạo xương. Tập luyện thể thao còn giúp ổn định các khớp khiến chúng ít bị tổn thương hơn.

Hút thuốc và khói thuốc lá

Nicotine từ thuốc lá do bạn hút hoặc hút thuốc thụ động đều làm giảm lưu lượng máu đến xương và đến các đĩa đệm. Nicotine làm hạn chế lượng canxi mà bạn có thể hấp thụ. Ngoài ra, nó còn phá vỡ estrogen, một loại hormone bạn cần cho việc tạo xương.

Chất lượng giấc ngủ kém

Một nghiên cứu cho thấy những người bị viêm khớp, đau khớp thường xuất hiện sau một đêm thiếu ngủ. Một giả thuyết đặt ra rằng ngủ không ngon, nó sẽ gây ra tình trạng viêm trong cơ thể, trong đó có viêm các khớp. Tuy nhiên đây mới chỉ là giả thuyết và đang được các nhà khoa học nghiên cứu thêm.

Tư thế trượt khi ngồi

Tư thế là vấn đề cực kỳ quan trọng trong bệnh lý xương khớp. Nhiều người có thói quen ngồi trượt trên ghế, mặc dù khiến bản thân thấy thoải mái nhưng ảnh hưởng tới khớp xương. Tư thế ngồi giữ cho lưng thẳng vai ngang là tốt nhất cho xương khớp.

Bỏ qua các cơn đau

Nhiều người nghĩ rằng, khi tập thể dục bị đau là lúc các khớp xương, cơ bắp đang được vận động. Đây chỉ là đau nhức cơ bắp. Điều đó đúng nếu bạn thỉnh thoảng mới tập thể dục và tập với cường độ cao, mạnh. Tuy nhiên cơn đau kéo dài nhiều ngày, thậm chí bị sưng, đau khi di chuyển, chạm vào, lại là một vấn đề sức khỏe cần phải đi khám ngay.  Nhiều người chủ quan cho rằng do tập luyện quá sức gây đau nhức, tuy nhiên nếu đã giảm cường độ, hoặc nghỉ ngơi mà không đỡ, cần nghĩ tới bạn đã bị tổn thương các khớp hoặc xương.

Sử dụng máy tính quá nhiều

Đây là căn bệnh mãn tính mà nhiều người mắc phải. Khi ngồi máy tính thường xuyên, kéo dài, người bệnh sẽ gặp các cơn đau ở cổ,  khuỷu tay, cổ tay, lưng và vai .

Dù vận động, tập luyện hay sinh hoạt dưới hình thức nào, nếu loại trừ được các yếu tố nguy cơ đã nói trên, các khớp xương của bạn sẽ khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ.


Hải Yến
Ý kiến của bạn