15 dấu hiệu cho biết bạn mang thai

11-07-2015 15:19 | Đời sống
google news

SKĐS - Mang thai là thiên chức của người phụ nữ. Chăm sóc sức khỏe khi mang thai lại là một việc cực kỳ quan trọng để đảm bảo cho cả mẹ và con đều khỏe mạnh.

Mang thai là thiên chức của người phụ nữ. Chăm sóc sức khỏe khi mang thai lại là một việc cực kỳ quan trọng để đảm bảo cho cả mẹ và con đều khỏe mạnh. Nhưng nhiều khi việc không phát hiện các dấu hiệu sớm để biết chắc chắn mình mang thai thì những người phụ nữ sẽ bỏ qua cơ hội chăm sóc thai kỳ sớm nhất có thể. Những dấu hiệu sau đây sẽ giúp bạn để ý hơn nhằm làm các test chẩn đoán mình có mang thai hay không.

Buồn nôn là một dấu hiệu thường gặp khi mang thai.

Ngực sưng và mềm: Dấu hiệu đau nhức và ngứa ở vú là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của thời kỳ mang thai. Đầu thai kỳ, ngực sẽ to lên và thay đổi hình dạng để chuẩn bị cho việc sản xuất sữa. Vú trở nên rất mềm và nhạy cảm. Tuy nhiên, đối với những người phụ nữ đã từng uống thuốc tránh thai thì ít xuất hiện những dấu hiệu này.

Quầng thâm: Đối với nhiều phụ nữ, hormon là nguyên nhân chính gây ra quầng thâm ở đầu vú ngày càng rộng ra và tối màu hơn.

Giọt máu tươi (hay còn gọi là giọt máu báo): Khoảng 10 ngày sau khi thụ thai, một số phụ nữ sẽ có dấu hiệu này khi phôi làm tổ trong tử cung. Vì vậy, nếu nếu bạn thấy có dấu hiệu này trong chu kỳ của mình, có thể bạn đã có tin vui đấy.

Tiểu nhiều lần hoặc táo bón: Khi mang thai, tử cung của bạn phát triển để nuôi dưỡng phôi thai nên sẽ ép vào bàng quang dẫn đến đi tiểu thường xuyên hơn. Các áp lực trong ổ bụng và thay đổi đường ruột cũng có thể gây táo bón. Và tất nhiên là khi em bé lớn dần lên thì càng ép mạnh vào bàng quang và các cơ quan khác.

Mệt mỏi: Nhiều phụ nữ thấy mệt mỏi sớm trong thai kỳ (có thể do mất nhiều năng lượng để nuôi dưỡng một em bé). Trong thực tế thì mệt mỏi thường xuyên là một trong những dấu hiệu đầu tiên của thai kỳ. Thường thì bạn sẽ bớt mệt hơn khi thai được 12 tuần trở ra, khi nhau thai đã được hình thành đầy đủ.

Buồn nôn và nôn: Đây là một trong những dấu hiệu thường gặp nhất của thai kỳ. Nó gây ra bởi sự gia tăng nồng độ hormon (khoảng 80% phụ nữ bị ốm nghén trong suốt 3 tháng đầu của thai kỳ). Đối với nhiều người, buồn nôn và nôn không chỉ xuất hiện vào buổi sáng mà có khi kéo dài cả ngày.

Nhạy cảm với mùi vị: Nhiều phụ nữ tăng nhạy cảm với mùi vị trong quá trình mang thai. Dấu hiệu này là một những tín hiệu sớm phổ biến nhất mà bạn có thể mang thai. Có thể dấu hiệu này nhằm giúp cho người phụ nữ phát hiện và tránh khỏi việc ăn những đồ ăn đã bị hư hoặc thực phẩm bị ô nhiễm, bảo vệ bé khỏi bất kỳ độc tố gây hại.

Tăng nhiệt độ cơ thể: Nếu bạn theo dõi nhiệt độ cơ thể, một dấu hiệu tích cực của thời kỳ mang thai là tăng khoảng 1 độ kéo dài hơn 2 tuần sau khi rụng trứng.

Chậm kinh: Dấu hiệu chỉ rõ ràng nhất của mang thai là chậm kinh. Tuy nhiên, việc căng thẳng, chế độ ăn uống hoặc đi lại thường xuyên cũng có thể là thủ phạm. Vì vậy, tốt nhất nên làm các xét nghiệm để chắc chắn trước khi kết luận mình có thai.

Đói hay thèm ăn: Đây là dấu hiệu bình thường của cơ thể nhằm đảm bảo cung cấp dinh dưỡng nuôi thai phát triển. Bạn cần khoảng hơn 300 calo mỗi ngày.

Đau đầu: Tần suất của cơn đau nửa đầu có thể tăng khi mang thai. Nhiều phụ nữ xuất hiện đau đầu trong thời gian rất sớm của thai kỳ.

Tính nết thay đổi: Nhiều phụ nữ thay đổi tâm trạng, cảm xúc trong quá trình mang thai. Đó có thể là kết quả của việc thay đổi hormon và thay đổi thể chất của người phụ nữ.

Ngất hoặc chóng mặt: Nhịp tim nhanh hơn để bơm máu nhiều hơn thông qua nhau thai sang nuôi thai nhi có thể làm huyết áp giảm trong thai kỳ. Kết quả là nhiều phụ nữ sẽ cảm thấy chóng mặt hoặc đầu óc quay cuồng, thậm chí ngất.

Vị như “kim loại” trong miệng: Một số phụ nữ phàn nàn có hương vị như “kim loại” trong miệng của mình khi mang thai. Trong khi không có lời giải thích khoa học nào cho dấu hiệu này và đối với một số phụ nữ thì nó có thể kéo dài suốt thai kỳ.

Những giấc mơ sống động: Trong quá trình mang thai, các hormon tăng lên có thể làm cho xuất hiện nhiều hơn các giấc mơ sống động trong khi ngủ.

BS. Trần Tất Đạt

 

 


Ý kiến của bạn