15 ca tử vong do sốt xuất huyết ở BV Bệnh Nhiệt đới TW chủ yếu nhập viện muộn

25-11-2022 16:27 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thống kê tại BV Bệnh Nhiệt đới TW từ tháng 5/2022 đến nay có 15 ca sốt xuất huyết tử vong, đa số do bệnh nhân nhập viện muộn không thể cứu chữa, trong đó có 4 ca ngưng tim.

Các bệnh nhân tử vong có độ tuổi từ 13-82 tuổi, đáng chú ý 50% bệnh nhân tử vong có biểu hiện nặng vào ngày thứ 3-5 của bệnh.

Trường hợp tử vong mới nhất là một bệnh nhân nữ trẻ tuổi (22 tuổi), có dấu hiệu thừa cân, được chuyển từ tuyến dưới lên. Bệnh nhân vào BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc mất bù, xuất huyết, thiếu máu nặng nề, ngưng tim... không đáp ứng với mọi biện pháp điều trị. Trước đó, bệnh nhân đã ngưng tim một lần trước khi chuyển tuyến.

Chia sẻ tại Hội nghị khoa học toàn quốc về bệnh Truyền nhiễm và HIV/AIDS năm 2022 diễn ra ngày 25/11, TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, năm nay diễn biến dịch sốt xuất huyết có sự khác biệt với nhiều ca bệnh đi vào sốc nhiễm trùng sớm từ ngày thứ 3-5 (trong khi mọi năm thường là ngày 5-7).

Hiện tại, 2 cơ sở Giải Phóng và Kim Chung của bệnh viện này đang điều trị cho hơn 100 trường hợp sốt xuất huyết nặng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10-20 bệnh nhân nặng nhập viện điều trị.

BS. Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh, nhiều bệnh nhân không có biểu hiện xuất huyết nhưng vẫn giảm tiểu cầu nặng và tử vong nhanh chóng. Do đó, nên chăng cần thay đổi khái niệm về bệnh để người dân vào viện sớm hơn khi có sốt, không phải cứ đợi đến khi có xuất huyết thì bệnh mới nặng.

"Người mắc bệnh sốt xuất huyết nhất thiết phải có sự chỉ dẫn, giám sát của bác sĩ vì một khi bệnh diễn biến nặng thì sẽ rơi vào sốc, tử vong rất nhanh, tính bằng giờ bằng phút..." - BS. Phúc nói.

BS. Phúc khuyến cáo người dân nếu điều trị sốt xuất huyết tại nhà phải theo dõi sát sao, khi thấy có các dấu hiệu như: mệt lả, nôn, tiêu chảy, đi ngoài phân đen, chảy máu chân răng, chảy máu mũi… cần nhập viện gấp để được các bác sĩ chẩn đoán, xét nghiệm chính xác tình trạng bệnh.

15 ca tử vong do sốt xuất huyết ở BV Bệnh Nhiệt đới TW chủ yếu do nhập viện muộn - Ảnh 2.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: D.Hải.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng chia sẻ, năm nay tại Trung tâm tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết nặng, số ca tử vong nhiều.

"Chúng ta vẫn quen gọi là bệnh sốt xuất huyết Dengue, điều này rất dễ gây nhầm lẫn cho người dân vì họ nghĩ phải có xuất huyết thì mới là bệnh sốt xuất huyết. Trên thực tế, bệnh nhân có xét nghiệm tiểu cầu dưới 10 G/L vẫn không thấy xuất huyết ở vị trí nào cả nhưng lại đi vào sốc rất nhanh.

Trong thời điểm nhiều dịch bệnh như hiện nay, người dân có thể chỉ nghĩ mình bị cúm hoặc COVID-19 nên không đi điều trị; đến ngày thứ 4, 5 thì bệnh đã đi vào sốc và khó cứu chữa. Hầu hết 15 ca tử vong được báo cáo trong hội nghị đều đến viện muộn, có sốc..." - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm chỉ rõ và khuyến cáo:

"Theo cập nhật của thế giới, bệnh sốt xuất huyết Dengue nên gọi là bệnh sốt Dengue, và xuất huyết chỉ là một trong những triệu chứng của bệnh".

Các bác sĩ nhận định, thời điểm này có thể đang là đỉnh dịch của sốt xuất huyết (thông thường bệnh xảy ra từ tháng 9 đến tháng 11), số mắc có thể sẽ giảm dần trong thời gian tới khi mùa đông đến gần do có liên quan đến yếu tố dịch tễ của muỗi. Tuy nhiên người dân cũng không nên chủ quan trong việc phòng tránh bệnh sốt xuất huyết theo khuyến cáo của ngành y tế.

"Bệnh nhân sốt xuất huyết nếu được hướng dẫn, điều trị ngay từ đầu thì hầu hết không có diễn biến nặng và tử vong"- chuyên gia đặc biệt lưu ý.

Hội nghị khoa học toàn quốc về Truyền nhiễm và HIV/AIDS năm 2022 diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/11 do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phối hợp với Hội Truyền nhiễm Việt Nam và Hội Y khoa lâm sàng HIV/AIDS Việt Nam tổ chức với sự tham gia của hơn 800 đại biểu trong và ngoài nước.

Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đây là cơ hội tốt để các nhà quản lý, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các bác sĩ, điều dưỡng thuộc chuyên ngành truyền nhiễm và các chuyên ngành liên quan được cập nhật thông tin, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong các lĩnh vực công tác của mình sau thời gian dài nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm.

Hội nghị khoa học toàn quốc về Truyền nhiễm và HIV/AIDS năm 2022.

Hơn 200 báo cáo khoa học từ các đơn vị trong cả nước đã gửi tới hội nghị, trong đó có 66 báo cáo xuất sắc được lựa chọn trình bày tập trung vào các nội dung nổi bật như:

  • COVID-19 và hậu COVID-19;
  • Bệnh truyền nhiễm tái nổi và mới nổi ở người lớn và trẻ em; bệnh truyền nhiễm bị lãng quên
  • Bệnh viêm gan virus;
  • Điều trị và dự phòng HIV/AIDS
  • Vi khuẩn và kháng kháng sinh;
  • Các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm;
  • Chăm sóc điều dưỡng;
  • Cập nhật các kết quả nghiên cứu hợp tác với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford, Vương Quốc Anh về chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm.

Ngay trước thềm hội nghị, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tổ chức các khóa Đào tạo liên tục (CME) về: Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan; Cập nhật chẩn đoán và điều trị nhiễm nấm xâm lấn và Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết Dengue. Trên 200 bác sĩ và điều dưỡng đã được đào tạo và cấp chứng chỉ từ 03 lớp đào tạo liên tục nói trên.

Cảnh báo người béo phì dễ trở nặng khi mắc sốt xuất huyếtCảnh báo người béo phì dễ trở nặng khi mắc sốt xuất huyết

SKĐS - Mới đây, cô gái 19 tuổi nặng gần 160kg đã rơi vào tình trạng nguy kịch khi mắc sốt xuất huyết. Các bác sĩ cảnh báo, béo phì là yếu tố tiên lượng nặng khi mắc sốt xuất huyết.


Dương Hải
Ý kiến của bạn