Thông tin này vừa được công bố tại Hội nghị khoa học "Cập nhật các tiến bộ mới trong quản lý bệnh tiêu hóa và gan mật" được Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật tổ chức vào ngày 8/12.
Hội thảo nhằm chia sẻ những giải pháp tiên tiến và công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc quản lý và bảo vệ sức khỏe tiêu hóa.
Theo GS.TS Đào Văn Long, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu Hóa, Gan mật, cho biết, bệnh lý về đường tiêu hóa luôn là một trong những nhóm bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến mọi độ tuổi. Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc các bệnh lý này có xu hướng gia tăng đáng kể. Theo thống kê, khoảng 15-20% dân số Việt Nam mắc bệnh viêm loét dạ dày, với các triệu chứng điển hình như đau bụng, buồn nôn và đầy bụng.
Tỷ lệ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) ước tính khoảng 10-15%. Bên cạnh đó, tỉ lệ bệnh nhân trào ngược kháng trị hoặc có hội chứng chồng lắp ngày càng tăng đặt ra thách thức trong quản lý điều trị. Polyp đại tràng là bệnh lý phổ biến với tỉ lệ ung thư đại tràng ngày càng tăng đặt ra nhiều khó khăn trong việc tối ưu hóa tầm soát.
Một loạt các tiến bộ mới về công nghệ nội soi đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới khả thi và hiệu quả. Một nhóm bệnh lý khác cũng ngày càng được quan tâm đó là viêm ruột mạn tính do tính chất phức tạp trong chẩn đoán và điều trị với sự ra đời của một loạt các thuốc sinh học.
Bên cạnh đó, khoảng 10% dân số Việt Nam nhiễm virus viêm gan B, trong khi viêm gan C và xơ gan cũng có tỷ lệ mắc cao, gan nhiễm mỡ liên quan tới rối loạn chuyển hóa bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có khoảng 7,8 triệu người mắc viêm gan B mạn tính, hơn 13.000 người bị xơ gan mất bù, gần 6.000 người bị ung thư tế bào gan và hơn 6.400 người tử vong do bệnh gan gây nên.
Chia sẻ về vấn đề này, theo PGS.TS.BS Đào Việt Hằng, Bộ môn Nội tổng hợp (Trường Đại học Y Hà Nội), Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu Hóa, Gan mật, cho biết thêm: có nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến nhất gây viêm loét dạ dày là do vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori) là một trong những nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày - tá tràng. Một lưu ý đặc biệt đó là vi khuẩn Hp rất dễ lây nhiễm giữa các thành viên trong gia đình. "Vì thế việc can thiệp sớm ngay từ ban đầu rất quan trọng để ngăn chặn bệnh tiến triển thêm và đề phòng nguy cơ tái phát". TS Hằng chia sẻ.
Về chẩn đoán viêm loét dạ dày sớm, các bác sĩ cho rằng, nội soi dạ dày là phương pháp phổ biến và hiệu quả trong chẩn đoán bệnh viêm loét dạ dày. Nhờ nội soi, bác sĩ nhìn trực quan về tình trạng bên trong dạ dày, đánh giá chính xác tình trạng bệnh, vị trí tổn thương để đưa ra liệu pháp điều trị tốt nhất. Ngoài ra, bác sĩ điều trị cầm máu các ổ loét dạ dày, sinh thiết quanh vị trí tổn thương để xác định sơ bộ tình trạng nhiễm khuẩn hoặc các vấn đề nghi ngờ khác.
GS.TS Đào Văn Long, Chủ tịch hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu Hóa, Gan mật, cho biết, một loạt các tiến bộ mới về công nghệ nội soi đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới khả thi và hiệu quả. Vì thế, hội nghị lần này tập trung vào nhiều vấn đề thời sự trong lĩnh vực tiêu hóa và gan mật, chuyển đổi số trong y tế, trí tuệ nhân tạo, sử dụng app trong lĩnh vực tiêu hóa, rối loạn chức năng đường tiêu hóa, gan nhiễm mỡ, hệ vi sinh trong đường ruột… Các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ những giải pháp tiên tiến và công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc quản lý và bảo vệ sức khỏe tiêu hóa.
Chia sẻ tại Hội nghị, theo TS Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, việc gần 1/10 dân số mắc bệnh đường tiêu hóa là một vấn đề lớn với hệ thống y tế. Vì thế, phát triển khoa học kỹ thuật trong tư vấn, chẩn đoán sớm, phát hiện sớm, điều trị sớm, cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới là một trong những định hướng phát triển chung của khoa học. Nếu không đây sẽ là gánh nặng rất lớn với hệ thống y tế.
Khi có dấu hiệu bất thường ở đường tiêu hóa như sụt cân không rõ lý do, đi ngoài ra máu, đi ngoài phân đen, người có tiền sử viêm dạ dày mạn tính, viêm dạ dày do vi khuẩn Hp, gia đình có người thân bị ung thư đường tiêu hóa, người trên 40 tuổi… thì người bệnh nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời bệnh viêm loét dạ dày.