12 bác sĩ, điều dưỡng từ các bệnh viện đầu ngành thành phố Hà Nội vẫn đang được tăng cường khám, tư vấn miễn phí cho người dân gần khu vực cháy Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông.
Địa điểm khám là trạm y tế phường Hạ Đình và trạm y tế phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Cùng với đó, TTYT quận Thanh Xuân thường trực 24/24 giờ tại các điểm trạm đảm bảo cung cấp đủ nhân lực, trang thiết bị, các điều kiện về cơ sở vật chất sẵn sàng khám sức khỏe miễn phí cho người dân.
Tính đến 17 giờ chiều ngày 10/9, TTYT quận Thanh Xuân cho biết đã có 1.442 người dân được khám, tư vấn sức khỏe miễn phí, trong đó 599 người có nhu cầu chuyển tuyến nhưng chỉ có 91 người vào viện đăng ký làm xét nghiệm chuyên sâu.
Theo kế hoạch đợt khám này sẽ kéo dài đến hết ngày 12/9. Ngành y tế Hà Nội khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng mà cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ động đến khám sức khỏe tại các điểm khám và tư vấn miễn phí theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn y tế.
Kiểm tra sức khoẻ cho nguời dân tại trạm y tế phường Hạ Đình. Ảnh: V.L
Tư vấn sức khoẻ cho nguời dân tại trạm y tế phường Thanh Xuân Trung. Ảnh: V.L
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cũng đã phối hợp với TTYT quận Thanh Xuân tổ chức truyền thông hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cộng đồng sau vụ cháy. Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo để phòng nhiễm độc thủy ngân từ vụ cháy, người dân thực hiện vệ sinh, lau rửa nhà cửa bằng nước sạch.
Vệ sinh nguồn nước ăn uống và sinh hoạt bằng cách sử dụng nguồn nước máy, dụng cụ chứa nước có nặp đậy kín; thay rửa bể chứa nước nếu bị hở và ám khói bụi; không thu gom và sử dụng nước mưa trong thời gian này và không sử dụng nước giếng khoan chưa qua kiểm soát. Thực hiện vệ sinh ăn uống bằng cách không sử dụng các thực phẩm như rau xanh, củ quả, các loại thực phẩm khác và nước bị ám khói bụi.
Về vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sau vụ cháy, theo ThS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, những người có biểu hiện bất thường, khó chịu, khó thở, ho nhiều, tức ngực, nôn mửa, đau bụng, choáng váng, tê chân tay, run, yếu cơ, nhìn mờ, lú lẫn, tiểu tiện nước tiểu ít hơn so với ngày thường,... thì nên đến các cơ sở y tế gần nhà để được khám, đánh giá và làm các xét nghiệm cần thiết.
Với các trường hợp nguy cơ cao hoặc có các biểu hiện nghi ngờ, các bác sĩ sẽ chỉ định các thăm dò và xét nghiệm, trong đó thường có chụp Xquang phổi, công thức máu, chức năng thận, men gan, nồng độ thủy ngân máu, thủy ngân trong nước tiểu thu gom trong 24 giờ.
Xét nghiệm thủy ngân có thể được làm ở một số phòng xét nghiệm, ví dụ có thể gửi tới Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm và Khoa học Công nghệ Việt Nam. Các bác sĩ tại các cơ sở đó khi cần thiết sẽ trao đổi hoặc hội chẩn với Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để làm thêm các kiểm tra, chẩn đoán và thậm chí điều trị cho bệnh nhân. Không nên dồn đến khám tại một bệnh viện sẽ gây quá tải.