Hà Nội

14 vụ hành hung nhân viên y tế trong gần 2 năm

09-12-2014 17:05 | Thời sự
google news

Từ năm 2013 đến nay đã có 14 vụ hành hung nhân viên y tế tại các bệnh viện trong cả nước, thậm chí dẫn đến tử vong.

Sáng 9/12, Bộ Y tế cùng báo Lao động tổ chức tọa đàm bảo vệ người lao động ngành y, chống bạo hành trong bệnh viện với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện Công an TP Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Thanh Nhàn...

Điểm qua các vụ hành hung nhân viên y tế gần đây, thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhận định, tình trạng hành hung bác sĩ đang gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2013 đến nay, đã có 14 vụ việc lớn, trong đó có bác sĩ bị chấn thương nặng. Thậm chí một bác sĩ ở Vũ Thư (Thái Bình) đã bị người nhà bệnh nhân hành hung đến tử vong.

"Người bệnh tấn công nhân viên y tế thì không chỉ gây tổn thương cho cá nhân mà còn khiến người bệnh khác hoang mang, đồng thời làm gián đoạn quy trình khám chữa bệnh, gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh", bác sĩ Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết.

bv1-2359-1418098497.jpg
Vụ hành hung nhân viên y tế mới đây tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh chụp từ clip.

Mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa cho rằng do đạo đức xã hội xuống cấp, sự manh động của một số đối tượng; cấu trúc hạ tầng an ninh bệnh viện chưa đảm bảo; khung pháp lý chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp của người thầy thuốc, kỹ năng giao tiếp, ứng xử… chưa cao.

Từ góc độ người làm nghề, giáo sư Trần Quỵ, nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thừa nhận, sai sót và tai biến y khoa luôn xảy ra và khó tránh khỏi. Đây là vấn đề quan tâm toàn cầu, có thể xảy ra ở mọi lúc mọi nơi, tập trung nhiều nhất là ở khoa ngoại, cấp cứu, hậu phẫu. Bên cạnh đó, quy định cụ thể về bảo vệ an toàn và bảo hiểm nghề nghiệp cũng như chế độ chính sách đãi ngộ cho cán bộ công chức ngành y chưa có.

"Ở Mỹ, thống kê cho thấy mỗi năm có đến 120.000 người chết do các sai sót trong y khoa, trong đó 30% do lỗi cá nhân y, bác sĩ và 70% do lỗi hệ thống. Nếu chúng ta không có cái nhìn khách quan, quy chụp cho cá nhân là điều không đúng. Ở Việt Nam, hiện chưa có thống kê đầy đủ nào về sai sót trong y khoa, song thực tế đã có không ít bài học đắt giá về vấn đề này", giáo sư Quỵ nói.

Để bảo vệ y bác sĩ, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề xuất các nhóm giải pháp ở 6 góc độ: thầy thuốc, bệnh viện, ngành y tế, các ngành liên quan, cơ quan truyền thông, cộng đồng.

"Tiên trách kỷ hậu trách nhân, trước hết thầy thuốc phải xem lại mình. Chúng ta chăm sóc và điều trị người bệnh chứ không phải chỉ điều trị bệnh. Quan điểm ban ơn, làm ơn vẫn còn có, điều này cần thay đổi, phải coi người bệnh là trung tâm, là khách hàng", Phó cục trưởng nhấn mạnh.

 


Ý kiến của bạn