Hà Nội

14 người ngộ độc vì... bát canh nấm rừng

03-12-2014 10:49 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngay sau bữa ăn chiều có món canh nấm rừng, 10 người dân ở bản Phan - Xi - Hoa, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, phải nhập bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu trong tình trạng buồn nôn, nôn ra thức ăn kèm theo đau tức bụng.

Thông tin về vụ ngộ độc nấm rừng này được Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế cho biết vào chiều tối ngày 2/12.

Sau bữa cơm có nấm… 10 người nhập viện!

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lai Châu, vụ ngộ độc này xảy ra vào 19 giờ 30 ngày 29/11 tại gia đình ông Giàng A Cha, 48 tuổi và gia đình anh Giàng A Lứ, 26 tuổi (con trai ông Giàng A Cha). Các bệnh nhân đều có tiền sử liên quan đến bữa ăn chung của gia đình. Bữa ăn gây ra vụ ngộ độc thực phẩm là bữa chiều ngày 29/11.

Thức ăn chứa tác nhân gây ngộ độc thực phẩm là nấm rừng do 2 bố con ông Giàng A Cha, Giàng A Lứ hái được khoảng 2kg nấm rừng đem về nhà chia cho 2 gia đình (khoảng 1 kg/gia đình) để chế biến thành canh nấm ăn vào bữa cơm tối. Tổng số có 14 người cùng ăn (mỗi gia đình có 7 người) tuổi từ 2 – 84 tuổi. Sau khi ăn khoảng 1 – 1 giờ 30 phút, tất cả 14 người đều có biểu hiện buồn nôn, nôn ra thức ăn kèm theo đau tức bụng. Trong đó có 10 người có biểu hiện nặng đã được đưa đến BVĐK tỉnh Lai Châu để điều trị.

Bệnh nhân ngộ độc nấm được điều trị tại cơ sở y tế             (Ảnh mang tính chất minh họa)

Bệnh nhân ngộ độc nấm được điều trị tại cơ sở y tế (Ảnh mang tính chất minh họa)

Tại khoa Hồi sức cấp cứu của BVĐK tỉnh Lai Châu, 10 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng buồn nôn, nôn ra thức ăn kèm theo đau tức bụng, không đi ngoài, không hoa mắt, không chóng mặt. Ngay sau đó, tất cả các bệnh nhân đều được xét nghiệm thường quy, được chẩn đoán ngộ độc do nấm độc và được cấp cứu, điều trị tích cực bằng các biện pháp cho uống than hoạt tính, truyền dịch để hồi sức, dùng thuốc để bảo vệ chức năng gan, giải độc cơ thể và theo dõi sát sao diễn biến bệnh và xử trí kịp thời.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Trung tâm y tế huyện đã lấy được mẫu nấm và gửi Trung tâm chống độc Học viện Quân y để xác định loài nấm gây ngộ độc và độc tính.

Đến 8 giờ ngày 1/12, sức khỏe của tất cả 10 bệnh nhân (3 bệnh nhân từ 2 - đến 4 tuổi, 2 bệnh nhân từ 6 - 9 tuổi, 5 bệnh nhân từ 18 - 48 tuổi) đều ổn định, các kết quả xét nghiệm trở về bình thường và đang chờ xuất viện về nhà.

Được biết, trước đó, vào ngày 3/11, tại xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã có 19 người đã nhập viện vì ăn phải nấm rừng có độc.

Thủ phạm là loài nấm ma

Theo Cục An toàn thực phẩm, kết quả điều tra, nhận dạng bước đầu tại thực địa cho thấy thủ phạm gây ra vụ ngộ độc này nghi ngờ là loài Nấm ma (Omphalotus nidiformis) với độc tố là illudin, gây co thắt, kích thích đường tiêu hóa. Hiện tại các cơ quan chức năng địa phương đang tiếp tục giám sát và tích cực tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc tuyệt đối không thu hái, không sử dụng chế biến thành thức ăn đối với nấm rừng lạ, nghi ngờ có độc hoặc không biết rõ là nấm có độc không.

Về loài nấm ma này, TS Lâm Quốc Hùng – Trưởng phòng giám sát và quản lý ngộ độc thực phẩm- Cục An toàn thực phẩm cho hay, đặc điểm nhận dạng nấm ma là thường mọc trên cây gỗ mục trong rừng thành từng đám lớn.

Nấm ma

Hình ảnh đặc trưng của nấm ma

Về hình thể của nấm mà là dạng thể quả; mũ nấm hình quạt hoặc hình phễu, màu trắng hoặc màu kem hoặc xám hoặc hơi vàng (phụ thuộc vào nấm mọc trên loài cây gỗ mục nào), giữa mũ nấm thường có màu thậm hơn, khi già mép mũ nấm thường cuốn xuống, đường kính mũ 2–10 cm (tùy theo nấm non hay trưởng thành và tùy theo chất dinh dưỡng trong gỗ mục); phiến nấm màu trắng đến hơi vàng, hơi xám; cuống nấm thường đính lệch vào mũ, dài 2 – 4 cm; thịt nấm màu trắng.

“Đặc biệt, loài nấm ma phát sáng trong đêm khi trời ẩm, sau cơn mưa”- TS Hùng nhấn mạnh.

Về đặc điểm ngộ độc nấm ma, TS Lâm Quốc Hùng cho hay, độc tố của nấm ma là illudin. Đây là một chất phát quang hay còn gọi là chất lân tinh (phát sáng trong bóng tối). Đây là loài nấm gây rối loạn tiêu hóa và không gây chết người. Triệu chứng đầu tiên xuất hiện ngộ độc sau ăn nấm khoảng 30 phút – 3 giờ (tùy theo số lượng nấm đã ăn và lượng thức ăn kèm theo) với biểu hiện: Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng (gây co thắt, kích thích đường tiêu hóa). Điểm đặc biệt của loài nấm này là thường không gây ỉa chảy. Thông thường người bị ngộ độc nấm ma sẽ khỏi trong vòng từ 3 - 5 ngày.

Liên quan đến các trường hợp ngộ độc nấm rừng, TS Lâm Quốc Hùng cho rằng, trên thực tế, cơ quan chức năng và các chuyên gia về lĩnh vực này đã rất nhiều lần cảnh báo về những nguy hiểm tiềm ẩn với sức khỏe của các loài nấm rừng, nấm mọc hoang. Thậm chí, Cục ATTP cũng đã có công văn đề nghị các đơn vị y tế một số tỉnh phối hợp tuyên truyền ngộ độc nấm bằng tiếng Dao, Thái, Mông… Tuy nhiên, theo thói quen, đồng bào vẫn thường hái lượm nấm để sử dụng trong bữa ăn, nhưng do hiểu biết hạn chế, nhiều người đã không phân biệt được nấm độc với nấm lành nên đã thu hái nhầm nấm độc về sử dụng cho cả gia đình. Do đó, tại các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh khu vực Tây Nguyên vẫn thường xuyên xảy ra các vụ ngộ độc nấm, thậm chí có những vụ ngộ độc nấm còn gây ra những cái chết đau lòng.

TS. Phạm Duệ - Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai nhấn mạnh, người dân cần lưu ý, ngay cả trong một đám nấm mọc ở rừng vẫn lẫn lộn nấm lành và nấm độc vì bào tử nấm trôi theo gió, nước và đọng lại. Do đó, người dân cần tuyệt đối không hái nấm rừng về để sử dụng, tránh bệnh vạ vì miệng.

Cách sơ cứu khi bị ngộ độc nấm ma:

- Gây nôn (bằng biện pháp cơ học): Trong vòng vài giờ sau ăn nấm (tốt nhất trong giờ đầu tiên) nếu bệnh nhân là người trên 2 tuổi, tỉnh táo, chưa nôn nhiều. Cho bệnh nhân uống nước và gây nôn.

- Uống than hoạt: liều 1gam/kg cân nặng người bệnh.

- Cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol.

- Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất

Thái Bình


Ý kiến của bạn