14 món ăn thuốc phòng trị cảm lạnh

SKĐS - Theo Y học cổ truyền, nguyên nhân gây cảm lạnh là do cơ thể suy yếu khiến phong hàn thừa cơ xâm nhập vào phế gây bệnh.

Cảm lạnh rất hay gặp khi thời tiết chuyển mùa và đa số có thể tự khỏi. Tuy nhiên chúng khiến người bệnh khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống.

Người bệnh có biểu hiện sợ gió, sợ lạnh, sốt, đau đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi trong, hắt hơi; có thể ho, đau rát họng, rêu lưỡi trắng mỏng. Sau đây là một số món ăn thuốc bổ thận ôn dương, dưỡng tâm khí, rất tốt cho người bị cảm lạnh.

Món ăn thuốc cho người bị cảm lạnh

14 món ăn thuốc phòng trị cảm lạnh - Ảnh 1.

Gừng tươi trị cảm lạnh.

1. Sinh khương di đường ẩm: Gừng tươi 10g, đường đỏ 30g.

Gừng rửa sạch, đập giập, cho vào ấm cùng đường, đổ nước sôi hãm trong 10 phút, uống nóng. Dùng cho người tỳ vị hư nhược, bị mưa lạnh gây nôn ói, trẻ nhỏ nôn ói, tiêu chảy.

2. Ngũ thầm thang: Gừng tươi 20g, kinh giới 20 – 30g, tử tô diệp 20 – 30g, trà 30g. Sắc lấy nước, thêm đường đỏ khuấy đều, uống. Dùng tốt cho người bị ngoại cảm phong hàn (cảm cúm).

3. Nước hãm gừng tươi tía tô: Lá tía tô 30g, gừng tươi 15g, sắc hãm 15 phút, gạn lấy nước, thêm đường, uống. Dùng cho người bị ngoại cảm phong hàn, nôn ói, đau bụng.

4. Thông tiêu ẩm: Hành hoa 20g, gừng tươi 10g, bột tiêu 3g. Giã nát, cho nước sôi hãm uống. Dùng cho người bị đau bụng do lạnh, buồn nôn, nôn ra nước trong.

5. Thịt dê hầm can khương: Thịt dê 100 - 200g, can khương 10g. Thịt dê thái lát, can khương tán mịn, trộn đều, thêm củ sả, gia vị, mắm muối và nước vừa đủ, hầm nhừ. Ăn trong ngày 1 - 2 lần, liên tục trong 1 tuần. Dùng tốt cho người bệnh u xơ tuyến tiền liệt đi tiểu khó, di niệu, có các biểu hiện thận dương hư (sợ lạnh, tay chân lạnh).

14 món ăn thuốc phòng trị cảm lạnh - Ảnh 3.

Kinh giới.

6. Thịt chó hầm đảng sâm, liên nhục: Thịt chó 300g, đảng sâm 30g, liên nhục 30g. Thịt chó làm sạch, thái lát; thêm dược liệu, gia vị trộn đều để 15 phút, thêm nước; hầm nhỏ lửa cho chín nhừ. Dùng tốt cho người ốm lâu ngày, sức khỏe suy kiệt, tinh thần hư lao, khí huyết không thông.

7. Canh đương quy sinh khương dương nhục: Thịt dê 300g, đương qui 30g, gừng tươi 15g, thêm nước hầm nhừ, vớt bỏ bã đương qui, thêm gia vị. Chia ăn 2 - 3 lần trong ngày. Dùng cho người cao tuổi thể trạng suy nhược, phụ nữ sau sinh đẻ huyết hư thiếu máu, người bệnh suy nhược sau bệnh lâu ngày, sản phụ sau đẻ đau quặn bụng do lạnh. Chú ý: Người âm hư, thấp nhiệt, ngoại cảm nhiệt không dùng.

8. Cháo hành giải cảm: Hành sống 1 - 3 củ; gừng tươi 3 lát. Hai thứ giã nát cho vào bát to, đổ cháo trắng đang sôi vào, khuấy đều, thêm đường, muối tùy ý. Ăn nóng. Dùng tốt cho bệnh nhân ngoại cảm phong hàn, đau bụng nôn ói...

14 món ăn thuốc phòng trị cảm lạnh - Ảnh 4.

Cháo hành giải cảm.

9. Cháo gừng: Gừng tươi 30g, gạo tẻ 60 - 80g. Gạo vo sạch nấu cháo, gừng thái lát cho vào khi cháo chín, thêm đường trắng, khuấy đều, ăn nóng. Dùng thích hợp cho trẻ em viêm khí phế quản do cảm lạnh, nôn ói đau bụng.

10. Cháo thịt dê sâm kỳ linh táo: Thịt dê 100g, hoàng kỳ 30g, nhân sâm 6g, phục linh 15g, đại táo 5 quả, gạo tẻ 100g. Dược liệu sắc lấy nước, thịt dê rửa sạch thái lát. Cho gạo vào nước thuốc, cho tiếp thịt dê vào, khi cháo chín nhừ thêm gia vị. Dùng tốt cho người gầy sút, dễ cảm cúm, cơ thể suy nhược.

11. Cháo thịt chó đậu hạt: Thịt chó 300g, gạo tẻ 60g, đậu hạt 50g. Thịt chó làm sạch thái lát; thêm gạo và đậu vo sạch vào hầm nhừ, thêm gia vị, chia ăn nhiều bữa trong ngày. Dùng tốt cho người tỳ vị hư hàn, đầy trướng bụng, đau bụng.

12. Cháo thịt chó: Thịt chó 300g, gạo tẻ 80g. Hai thứ nấu thành dạng canh, cháo, nấu như món ăn thông thường: Nhựa mận, áp chảo với riềng sả gia vị. Dùng tốt cho người bị cổ trướng, phù nề, sợ lạnh, rét run.

14 món ăn thuốc phòng trị cảm lạnh - Ảnh 5.

Phở bò chữa cảm lạnh.

13. Lẩu cá trắm: Thịt cá trắm, rau mùi, thì là, hành, cải xoong, rau thơm, gừng, ớt, tiêu gia vị vừa đủ nấu lẩu ăn. Món ăn ngon bổ giải phong hàn, ôn trung kiện tỳ, chữa cảm lạnh đau nhức đầu, bụng đầy chậm tiêu, nhức mỏi… hiệu quả.

14. Phở bò: Thịt bò, xương bò, rau húng quế, mùi tàu, giá đậu, hành, tỏi, ớt, thảo quả, gừng nướng, gia vị vừa đủ nấu phở ăn. Món ăn bổ tỳ ích vị thông phế, trừ hàn tà, sát khuẩn. Chữa cảm lạnh – cúm gây đau đầu nghẹt mũi, viêm họng khàn tiếng… rất tốt.

Để phòng cảm lạnh, nên ăn các món có hành, gừng; các thực phẩm bổ thận ôn dương, tư âm liễm dương (ba ba, rùa, vừng, mộc nhĩ, câu kỷ tử hay thịt dê, canh thịt dê, xáo thịt chó, cẩu nhục thang…). Hạn chế thức ăn có tính hàn như nước dừa, nước cam, cà, sắn dây, artisô, ốc, hến...; các loại rau củ quả có vị chua, đắng, lạnh quá thuộc âm tính. Không dùng quá mức thực phẩm ôn nhiệt, tránh khuấy động tinh khí nội tạng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hà Nội số F0 tăng nhanh, phường Thanh Xuân có 303 ca mắc.

BS. Tiểu Lan
Ý kiến của bạn