Đây là tín hiệu đáng mừng sau 2 tháng triển khai thực hiện mô hình Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên của Việt Nam tại BV Sản – Nhi Đà Nẵng.
Theo các chuyên gia y tế, ngân hàng sữa mẹ giúp mang lại nguồn dinh dưỡng sống còn cho nhóm trẻ có nguy cơ cao mà không được tiếp cận sữa mẹ đẻ, song, mô hình này vẫn chưa phổ biến ở Đông Nam Á. Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên của Việt Nam cho thấy tính khả thi trong việc thiết lập một cơ sở đạt chuẩn quốc tế của khu vực. Đây sẽ là cơ sở để xem xét nhân rộng Ngân hàng sữa mẹ ở các tỉnh thành khác ở Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á.
Các nghiên cứu cho thấy trong số những giải pháp nhằm giảm tử vong trẻ nhỏ, sữa mẹ là giải pháp quan trọng nhất và có tiềm năng to lớn tác động đến sự sống còn của trẻ (tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam vẫn ở mức 22‰ theo số liệu Điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2015). Sữa mẹ chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu mà trẻ sơ sinh cần để hình thành nên hệ miễn dịch khỏe mạnh, đồng thời là thức ăn tốt nhất và dễ hấp thụ nhất của trẻ. Dù tất cả trẻ em đều có thể nhận được các lợi ích từ sữa mẹ, song không phải mọi bà mẹ đều có thể cho con bú trực tiếp; có thể là do bị bệnh hoặc đang dùng thuốc điều trị ảnh hưởng tới sữa mẹ.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ Trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế nhận xét “Việc thiết lập và vận hành ngân hàng sữa mẹ thí điểm đầu tiên của Việt Nam tại Đà Nẵng đã mang lại cơ hội tuyệt vời cho việc cứu sống các trẻ em có nguy cơ tử vong cao của Thành phố. Chúng tôi hy vọng những bài học kinh nghiệm từ ngân hàng thí điểm này sẽ được áp dụng cho các tỉnh, thành phố khác ở Việt Nam. Thành công của việc thí điểm Ngân hàng sữa mẹ tại Đà Nẵng cũng thể hiện sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế như PATH và Alive & Thrive; sự cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Chính quyền địa phương trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân nói chung cũng như công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em nói riêng. Thành công này cũng cho thấy Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng đã luôn sẵn sàng đón nhận và triển khai có hiệu quả các sáng kiến toàn cầu trong chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em”.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho rằng: “Để có được sữa mẹ hiến tặng, đội ngũ y bác sĩ và người hiến tặng phải làm việc vất vả qua nhiều công đoạn từ tổ chức vận động, sàng lọc sức khỏe, vắt và trữ sữa, thanh trùng, xét nghiệm, lưu trữ và phân phối. Ngân hàng sữa mẹ không phải đơn thuần chỉ là nơi cho và nhận sữa mẹ để cứu giúp những đứa trẻ non yếu mà còn mang sứ mệnh thúc đẩy toàn xã hội nhận thức tầm quan trọng và đẩy mạnh việc nuôi con bằng sữa mẹ. Tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở Đà Nẵng cũng như ở Việt Nam cần phải liên tục được nâng cao để xứng với tầm quan trọng của sữa mẹ”.
Bà Mona Byrkit, Giám đốc vùng Mekong của tổ chức PATH cũng trao đổi những thành quả ban đầu của ngân hàng sữa mẹ Việt Nam: “Thật đáng mừng khi thấy 136 trẻ được hưởng lợi từ ngân hàng sữa mẹ trong vòng 2 tháng và chứng kiến việc nuôi con bằng sữa mẹ đang là một phần thực hành quan trọng trong chăm sóc tại bệnh viện. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ngân hàng sữa mẹ và mong được thấy những cải thiện trong dinh dưỡng trẻ nhỏ ở Việt Nam”.
Ông Roger Mathisen, Giám đốc Alive & Thrive Đông Nam Á ghi nhận một trong những bài học chính rút ra, “Một trong những yếu tố chính, đó là ngân hàng sữa mẹ không thể vận hành một mình, mà cần được tích hợp vào công tác chăm sóc sơ sinh. Ngân hàng sữa mẹ kết nối chăm sóc sơ sinh và nuôi con bằng sữa mẹ, kết nối trẻ có nguy cơ cao với nguồn sữa hiến tặng. Một cách tiếp cận tích hợp giúp kết nối chăm sóc sơ sinh, ngân hàng sữa mẹ, và khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ chính là yếu tố then chốt để có thể thành công”.