Hà Nội

13 ngày “hầu tòa” vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình

20-06-2018 14:20 | Pháp luật
google news

SKĐS - Vụ án xét xử các bị cáo liên quan đến sự cố tai biến chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình không chỉ được người dân tỉnh Hòa Bình và ngành y tế đặc biệt quan tâm mà dư luận cả nước đều theo dõi, cập nhật diễn biến phiên tòa hàng ngày.

Bởi nó là sự cố y khoa chưa có trong tiền lệ. Theo các luật sư, đây là một trong những phiên xét xử sơ thẩm kéo dài nhất trong cuộc đời làm nghề. Bởi dự kiến của Hội đồng xét xử (HĐXX) chỉ diễn ra trong 5 ngày, tuy nhiên phiên xét xử đã phải kéo dài đến 13 ngày với thời tiết nóng cao điểm, đã để lại cho các phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa này nhiều ấn tượng khó quên...

An ninh được siết chặt

Sáng ngày 15/5, TAND TP. Hòa Bình mở lại phiên xét xử vụ án sự cố chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình khiến 8 người tử vong vào ngày 29/5/2017.

Đầu giờ sáng mà nắng đã gay gắt. Tại TAND TP. Hòa Bình, rất đông cảnh sát được điều động đảm bảo an ninh trật tự phiên tòa xét xử BS. Hoàng Công Lương. Ngay từ sáng sớm, an ninh phiên tòa được siết chặt, xác định đây là phiên xét xử phức tạp nên có đến gần trăm cảnh sát và an ninh được điều động nhằm đảm bảo trật tự phiên xử. Lực lượng công an được bố trí ngoài cổng, trong sân, hành lang và trước cửa phòng xử, trong phòng xét xử. Bên ngoài xe cứu hỏa cũng đã được tăng cường sẵn sàng.

Phiên tòa xét xử vụ án sự cố chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Phiên tòa xét xử vụ án sự cố chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Rất đông người dân, người thân, người quen đã tụ tập bên ngoài tòa án với cái nắng gay gắt, nhiều người đã không được vào. Những người được triệu tập tới tòa phải thông qua lực lượng công an kiểm tra an ninh cẩn thận. Việc ra vào phòng xử đều được kiểm tra rất chặt chẽ, gần trăm cơ quan báo chí được bố trí tác nghiệp tại một phòng riêng biệt, theo dõi qua màn hình, một bộ phận phóng viên nhanh trí “chiếm lĩnh” cho mình một góc tác nghiệp trên hành lang tầng 2 của phòng xét xử. Đây là vị trí đắc địa để chụp ảnh và đặt máy quay, nhưng chỉ chụp được từ trên xuống, phóng viên nào quan hệ tốt thì có thể chui vào trong hội trường xét xử. Tuy nhiên, máy ảnh và điện thoại được lực lượng cảnh sát giám sát chặt chẽ, không được chụp ảnh tự do, riêng chỉ có 3 máy quay của Truyền hình Quốc hội là được phép đặt cố định trong phòng xét xử để quay trực tiếp.

Trước đó TAND TP. Hòa Bình đã mở phiên xét xử vào ngày 7/5, tuy nhiên do thiếu 10/13 luật sư nên phiên tòa được hoãn đến 15/5. Theo đó, ba bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực BVĐK tỉnh Hòa Bình) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ Phòng Vật tư - Thiết bị y tế) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) về tội vô ý làm chết người.

Gia đình nạn nhân đồng loạt xin giảm án cho các bị cáo

Sáng ngày 21/5, phiên xét xử vụ tai biến chạy thận BVĐK tỉnh Hòa Bình bước sang ngày thứ 5. Gần 100 người tiếp tục đến phiên tòa, trong phòng xử án, ngoài thành phần HĐXX, 3 bị cáo, lực lượng công an, chỉ có đại diện gia đình nạn nhân. Ở phòng cạnh đó, hàng chục người liên quan ngồi theo dõi qua màn hình tivi. Căn phòng chật kín người, không khí ngột ngạt.

Khi HĐXX cho các gia đình phát biểu ý kiến của mình trước tòa. Điều ngạc nhiên của những người tham dự phiên tòa đó là sự thống nhất cao của gia đình các bệnh nhân tử vong, họ mong muốn HĐXX tuyên bị cáo Hoàng Công Lương vô tội. Còn đối với bị cáo Sơn và Quốc, bởi họ còn rất trẻ, có nhân thân tốt, gia đình khó khăn và họ chỉ là người bị liên đới trách nhiệm trong vụ án này. Mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Chia sẻ về việc này, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng chưa bao giờ có một vụ án mà đồng loạt các thân nhân gia đình bị hại lại đồng loạt xin giảm án và đề nghị tuyên vô tội với các bị cáo. Điều này chứng tỏ rằng vụ án có quá nhiều điều chưa được làm sáng tỏ, họ luôn cho rằng các bị cáo “chỉ là nạn nhân của vụ án”.

Một phiên tòa diễn ra công khai, dân chủ và công minh

Là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của BVĐK tỉnh Hòa Bình, luật sư Nguyễn Danh Huế đánh giá đây là phiên tòa vô cùng đặc biệt. Bởi lẽ, vụ án không chỉ nhận được sự quan tâm của giới y khoa trong nước, cộng đồng ngành luật, người Việt sinh sống ở nước ngoài mà người dân cả nước cũng dõi theo. Theo luật sư Huế, kết quả phiên tòa sẽ có quyết định rất lớn đến bức tranh ngành y tế tương lai cũng như môi trường, không gian làm việc của bác sĩ.

Theo luật sư Huế, so với nhiều đại án, như Oceanbank lên tới mấy chục bị cáo, số lượng bị cáo trong phiên tòa tại Hòa Bình chỉ có 3. Tuy nhiên bị hại rất nhiều, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng rất đông, nên việc thẩm vấn, xét hỏi mất nhiều thời gian.

Đặc biệt, ngay từ đầu, các cơ quan tố tụng đã xác định sai tư cách của những người tham gia tố tụng hoặc không xác định được tư cách của những người có liên quan. Như trường hợp ông Hoàng Đình Khiếu (Phó Giám đốc BV, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực); ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư - Thiết bị y tế)... trong biên bản lấy lời khai tại cơ quan điều tra, không thể hiện tham gia tố tụng với tư cách gì.

“Chính vì xác định sai tư cách tố tụng của một số nhân vật là mắt xích quan trọng trong vụ án, chỉ xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên không thể bắt buộc họ đến tòa. Khi không có mặt, sự thật khách quan của vụ án trở nên bế tắc, những người có mặt tại tòa theo ủy quyền không hiểu hết vấn đề, thời gian xác định sự thật vụ án rất khó khăn, khiến phiên toà kéo dài”, luật sư Huế đánh giá.

Phân tích sâu hơn các yếu tố pháp lý trong phiên tòa, luật sư Huế cho rằng: Thứ nhất, vụ án có nhiều nút thắt chưa trả lời được. Thứ hai, các luật sư chỉ ra, quá trình thu thập chứng cứ trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử chưa thực sự khách quan, có bằng chứng cho thấy có mớm cung, thông cung, xuất hiện “lời khai sinh đôi”. Thứ ba, quá trình điều tra vụ án cho thấy, những cơ quan tiến hành tố tụng có khuynh hướng buộc tội các bị cáo thay vì áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội.

“Luật sư đưa bằng chứng cho thấy các yêu cầu sửa chữa trang thiết bị được ký bởi nhiều bác sĩ khác nhau, cho thấy vai trò của các bác sĩ tại đơn nguyên thận như nhau nhưng các bằng chứng này không được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập. Tôi thấy như thế rất khiên cưỡng, đây chính là mấu chốt làm cho tính pháp lý trong vụ án rất sôi động”, luật sư Huế nhìn nhận.

Đánh giá chung về phiên tòa, luật sư Huế cho rằng đây là phiên tòa diễn ra công khai, dân chủ và công minh. Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh là người có năng lực, điều hành khá tốt, biết hướng đến những vấn đề quan trọng của vụ án, hướng luật sư và tạo không gian cho luật sư trình bày quan điểm pháp lý thoải mái đúng theo tinh thần cải cách tư pháp.

Tuy nhiên, luật sư Huế cũng chỉ ra 2 điểm trừ của phiên tòa: Thứ nhất, không mời các chuyên gia để làm sáng tỏ vấn đề pháp lý trong vụ án, đề xuất này đã được hàng loạt luật sư kiến nghị từ đầu phiên xử. Thứ hai, thời gian làm việc tương đối ngắn khiến phiên tòa kéo dài.

Những lời nói từ đáy lòng

Được nói lời sau cùng, bị cáo Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn đều gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình nạn nhân. Hai bị cáo Quốc và Sơn mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt, riêng bị cáo Lương vẫn khẳng định vô tội và đề nghị tòa tuyên mình vô tội.

Là người có cùng tội danh như Hoàng Công Lương, nhưng bị cáo Trần Văn Sơn bị tuyên 4-5 năm tù. Mặc dù các luật sư bào chữa đã chứng minh Viện Kiểm sát chưa đủ chứng cứ để buộc tội Trần Văn Sơn. Được nói lời cuối, Trần Văn Sơn vô cùng trăn trở: “Đó là những thiết bị sau sửa chữa, bị cáo chỉ nhận bàn giao từ Công ty Thiên Sơn, sau đó bàn giao lại cho các khoa, không có một cơ quan nào đứng ra kiểm tra thiết bị sau sửa chữa... Bị cáo nghĩ sau vụ án này, tất cả những thiết bị y tế sau sửa chữa đều phải có một đơn vị hoặc ai đó trong Phòng vật tư kiểm soát được việc đó. Từ trước đến nay không ai bảo bị cáo phải kiểm tra lại chất lượng trước khi đưa vào sử dụng”.

Nói về việc này, luật sư Nguyễn Tiến Thủy cho rằng, HĐXX chưa đủ chứng cứ để buộc tội Trần Văn Sơn, vì vậy nên cho Sơn được tại ngoại, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Bởi cùng một tội danh như Hoàng Công Lương và không phải là người chịu trách nhiệm khi sự cố xảy ra. Người chịu trách nhiệm chính tại Phòng Vật tư - Thiết bị y tế phải là ông Trần Văn Thắng - Trưởng phòng. Việc HĐXX tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung là bước thắng lợi đối với các luật sư bào chữa; càng chứng tỏ rằng các bị cáo không có tội. Bên cạnh đó, việc HĐXX đề nghị điều tra trách nhiệm của các ông Hoàng Đình Khiếu - Phó Giám đốc; ông Trần Văn Thắng - Trưởng phòng Vật tư đã cho thấy rõ vai trò và trách nhiệm, giám sát quản lý của các vị này trong sự cố xảy ra.

Vai trò của các luật sư

Cánh nhà báo theo dõi phiên tòa này rất ấn tượng với cách làm việc của các luật sư, dù ở vai trò là luật sư bào chữa cho các bị cáo hay người bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại, bị đơn dân sự trong vụ án. Nhưng ai cũng đã hết sức cố gắng làm tròn bổn phận của mình nhằm đóng góp cho phiên tòa công khai tìm ra lẽ phải. Tiếng nói của các luật sư góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người có thể nói đến là nhóm luật sư bào chữa cho Trần Văn Sơn là luật sư Phạm Quang Hòa và Nguyễn Tiến Thủy. Các luật sư đã chỉ rõ Viện Kiểm sát TP. Hòa Bình đã chỉ rõ 4 vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, bỏ lọt tội phạm và chứng cứ buộc tội bị cáo, buộc Viện Kiểm sát sau đó đã phải đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung và kiến nghị xem xét trách nhiệm của các ông: Hoàng Đình Khiếu - Phó Giám đốc; Trần Văn Thắng - Trưởng phòng Vật tư...

Bên cạnh đó, những người theo dõi phiên tòa thấy rằng qua sự đấu lý của các luật sư này đã buộc HĐXX phải triệu tập ông Trần Văn Thắng đến tòa để làm rõ các tình tiết vụ án. Chúng tôi hy vọng tất cả người dân Việt Nam nhìn thấy được sự thật của vụ án này để bảo vệ cho lương tâm, bảo vệ cho lẽ phải, bảo vệ cho công lý, luật sư Nguyễn Tiến Thủy chia sẻ.

Trả hồ sơ điều tra bổ sung - Một quyết định được nhiều người mong đợi

Chiều 5/6, theo đúng dự kiến, TAND TP. Hòa Bình tuyên án đối với BS. Hoàng Công Lương cùng hai bị cáo khác trong vụ án. Theo đó, tòa quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án, kiến nghị khởi tố điều tra nhiều người, trong đó có ông Hoàng Đình Khiếu (Phó Giám đốc BV); ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư - Thiết bị y tế) và một số cá nhân khác có liên quan... Theo lịch, 14 giờ TAND TP. Hòa Bình mới bắt đầu làm việc, tuy nhiên hơn 13 giờ cùng ngày người dân ở nhiều nơi đã có mặt tại phiên xét xử để “giành chỗ” vì sợ hôm nay đến muộn sẽ không có chỗ ngồi.

Sau khi tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung, hàng trăm người có mặt tại sân tòa đồng loạt vỗ tay. Theo dõi phiên xử kéo dài hơn 2 tuần, quyết định của HĐXX khiến rất nhiều người cảm thấy vui mừng, công tâm và khách quan. Đó là quyết định mà nhiều người dân mong đợi. Đối với các phóng viên theo dõi phiên tòa đó là những ngày lao động miệt mài với cái nắng như lửa. Ai cũng mồ hôi nhễ nhại ướt đầm, nhưng đều vui vì đã góp một phần nhỏ vào việc cập nhật diễn biến thông tin từ phiên tòa đến bạn đọc và người dân.


Lâm Trần
Ý kiến của bạn