Khi dùng PrEP hàng ngày, nó có thể ngăn chặn không cho HIV xâm nhập và nhân lên trong cơ thể lên đến hơn 90% qua đường tình dục và 70% qua đường tiêm chích.
Khi sử dụng PrEP mỗi ngày, PrEP có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến hơn 90%. Do đó tuân thủ dùng PrEP đều đặn là vô cùng quan trọng để dự phòng HIV.
1. Ai nên sử dụng PrEP?
Những người chưa nhiễm HIV và có nguy cơ nhiễm HIV gồm:
- Gần đây, có quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su với nhiều bạn tình, hoặc với bạn tình không rõ tình trạng nhiễm HIV
- Bạn tình có HIV nhưng chưa điều trị hoặc đang điều trị nhưng chưa đạt tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu.
- Thường sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích.
- Gần đây có mắc nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
- Có trao đổi tình dục lấy tiền hoặc ma tuý
2. Ai không nên sử dụng PrEP?
- Người dị ứng với thuốc (tenofovir và emtricitabine);
- Người mắc rối loạn chức năng thận;
- Người có dấu hiệu hoặc triệu chứng của nhiễm HIV cấp tính.
- Người đang sống với HIV…
Do không phải tất cả mọi người đều dùng được PrEP, nên một người muốn dùng PrEP cần phải được bác sĩ tư vấn, khám và làm xét nghiệm trước khi chỉ định dùng.
3. Trước khi sử dụng PrEP cần làm gì?
Cần đến gặp bác sĩ để được:
- Tư vấn;
- Xét nghiệm HIV;
- Có thể cân nhắc xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục;
- Xét nghiệm chức năng thận...
Nếu khách hàng có thể dùng được PrEP, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc, giải thích và hướng dẫn việc sử PrEP.
4. Cách dùng PrEP như thế nào ?
Sử dụng hàng ngày hoặc theo chỉ định. Một số việc có thể giúp bạn nhớ thời gian uống thuốc như sử dụng điện thoại nhắc giờ, hoặc uống thuốc sau khi đánh răng.
Nếu quên liều, cần uống ngay khi nhớ ra ngay. Tuy nhiên không được uống quá 2 liều trong một ngày (trong 24 giờ).
5. Các tác dụng phụ của PrEP là gì?
Hầu hết người dùng PrEP không gặp tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Chỉ có khoảng 10% người sử dụng có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: Buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt, đau đầu, chán ăn...
Thông thường, các tác dụng phụ này sẽ hết sau một đến hai tuần. PrEP không ảnh hưởng tới việc sử dụng hormon.
Cần gọi điện và đến gặp bác sĩ ngay nếu những biểu hiện này kéo dài và ảnh hưởng đến sinh hoạt của khách hàng.
6. Sử dụng PrEP sau bao lâu mới có tác dụng?
- Đối với quan hệ tình dục qua đường hậu môn: Với PrEP hàng ngày, cần sử dụng ít nhất 7 liều (7 ngày) mới có tác dụng tối đa phòng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
- Đối với quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc phòng lây nhiễm HIV qua đường máu: Cần uống ít nhất 21 ngày mới có tác dụng phòng lây nhiễm HIV tối đa.
7. Có cần tái khám định kỳ khi dùng PrEP?
Tái khám định kỳ là cần thiết để nhận thuốc và xét nghiệm theo dõi việc điều trị, cần:
- Tái khám lần đầu sau 1 tháng;
- Tái khám lần 2 sau tái khám lần đầu 2 tháng.
- Sau đó định kỳ 3 tháng đến cơ sở y tế để khám và nhận thuốc một lần.
- Xét nghiệm HIV lại trong mỗi lần tái khám...
Người sử dụng PrEP nếu có biểu hiện bất thường hoặc dị ứng, nên trao đổi ngay với bác sĩ.
8. PrEP hiện đang được cung cấp ở đâu?
Hiện tại thuốc PrEP đang được cung cấp tại các cơ sở điều trị PrEP của các tỉnh, thành phố: Hà Nội; Hải Phòng; Quảng Ninh; Thái Nguyên; Thành phố Hồ Chí Minh; Bà Rịa - Vũng Tàu; Long An; Bình Dương; Tây Ninh; Đồng Nai; Tiền Giang…
Trong thời gian tới, thuốc PrEP sẽ được cung cấp rộng rãi tại các tỉnh thành phố khác trong cả nước.
9. Khi nào có thể dừng sử dụng PrEP?
PrEP không cần phải dùng cả đời, có thể dừng sử dụng PrEP khi:
- Không còn nguy cơ lây nhiễm HIV, ví dụ: luôn sử dụng bao cao su đúng cách mỗi lần quan hệ tình dục; không sử dụng chung bơm kim tiêm…;
- Chỉ có một bạn tình mà bạn tình đó có HIV âm tính và không có hành vi nguy cơ cao;
- Vợ/chồng hoặc bạn tình có HIV đã điều trị ARV trên 6 tháng và có tải lượng virus đạt ngưỡng ức chế (dưới 200 bản sao/ml máu);
Lưu ý: Điều quan trọng, trước khi dừng PrEP cần có sự tham vấn bác sĩ.
10. Sử dụng PrEP thì không cần dùng bao cao su?
PrEP chỉ dự phòng lây nhiễm HIV nhưng không dự phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai hay viêm gan B, C… và không giúp phòng tránh thai. Do vậy vẫn cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
11. PrEP có phải là vaccine không?
PrEP không phải là vaccine.
Vaccine giúp hệ miễn dịch sinh ra kháng thể của cơ thể để chống lại một nhiễm trùng nào đó trong thời gian dài.
PrEP là sự kết hợp của 2 loại thuốc kháng virus để dự phòng lây nhiễm HIV. PrEP cần phải được sử dụng một lần mỗi ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ, khi dừng, thuốc sẽ hết tác dụng bảo vệ.
12. PrEP khác gì với K=K?
PrEP | K=K |
PrEP là những người âm tính với HIV uống thuốc kháng virus ARV để dự phòng HIV. PrEP không phải là phác đồ đầy đủ cho việc điều trị HIV.
| K = K (Không phát hiện = Không lây truyền) là những người đã có HIV điều trị bằng thuốc kháng virus ARV mỗi ngày để đạt được ức chế tải lượng virus HIV dưới 200 bản sao/ml máu và thường đạt được sau 6 tháng điều trị, khi đó không thể lây truyền HIV sang bạn tình của họ |
HIV- | HIV+ |
13. PrEP và PEP khác nhau như thế nào?
PrEP và PEP đều là phương pháp ngăn ngừa lây nhiễm HIV bằng cách sử dụng thuốc kháng virus (ARV) dành cho những người có hành vi nguy cơ, nhưng không nhiễm HIV để dự phòng lây nhiễm.
PrEP | PEP |
PrEP là viết tắt của điều trị dự phòng TRƯỚC phơi nhiễm | PEP là viết tắt của điều trị dự phòng SAU phơi nhiễm. |
PrEP: Dùng trước phơi nhiễm HIV. PrEP được sử dụng hằng ngày hoặc theo chỉ định, trước khi có nguy cơ phơi nhiễm. | PEP: Sau khi phơi nhiễm với HIV Trong các tình huống khẩn cấp, PEP được sử dụng trong vòng 72 giờ (3ngày) sau khi có nguy cơ phơi nhiễm. |
Mời độc giả xem thêm video:
Bạn Hỏi - Chuyên Gia Trả Lời: Tất Tần Tật Về HIV/AIDS