Hà Nội

13 cách để có lá gan khỏe mạnh

08-09-2022 08:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nâng niu, nuôi dưỡng lá gan luôn khỏe mạnh là cách để có sức khỏe tuyệt vời.

Khi bị viêm gan cấp, người bệnh cần làm gì?Khi bị viêm gan cấp, người bệnh cần làm gì?

SKĐS - Bệnh viêm gan cấp là tình trạng viêm cấp tính của gan với đặc trưng là xuất hiện đột ngột và thời gian phát bệnh ngắn dưới 6 tháng.

Gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể. Gan của bạn đóng vai trò giải độc cơ thể. Vì vậy, khi lá gan khỏe mạnh, cơ thể bạn cũng tràn đầy sức sống và ít bị bệnh tật hơn.

Sau đây là 13 cách giúp bạn duy trì lá gan khỏe mạnh:

1. Duy trì cân nặng hợp lý

Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, bạn đứng trước nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, một trong những hình thức bệnh gan tiến triển nhanh nhất. Trong trường hợp này, giảm cân là cách để giảm lượng mỡ thừa trong gan.

2. Chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý

Để lá gan của bạn khỏe mạnh, không bị quá tải, nên tránh những bữa ăn mà hàm lượng calories quá cao, tránh ăn nhiều chất béo bão hòa, quá nhiều tinh bột (carbonhydrate) tinh chế và đường tinh chế.

Không nên ăn gỏi, tiết canh, hải sản sống hoặc đồ ăn tái/sống để tránh nhiễm khuẩn gan.

13 cách để có lá gan khỏe mạnh - Ảnh 2.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, giàu chất xơ, tránh xa đồ uống có cồn là bí quyết để gan khỏe mạnh

Hãy duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, nên ăn nhiều chất xơ. Để đủ hàm lượng chất xơ, bạn nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, bánh mỳ ngũ cốc nguyên hạt, gạo và ngũ cốc nguyên hạt.

Nên ăn lượng thịt đỏ vừa phải, nên uống sữa ít béo và lượng phô mai vừa phải.

Đối với chất béo, nên ăn dầu thực vật, các loại quả hạch, hạt (lạc, óc chó,...) và cá cũng với hàm lượng hợp lý. Người bị gan nhiễm mỡ nên ăn dầu thực vật và mỡ cá thay vì mỡ động vật.

Để giải độc gan, cần phải uống đủ nước hàng ngày. Bởi uống nước giúp cơ thể tránh mất nước, qua đó gan cũng được thải độc tốt hơn và khỏe mạnh hơn.

3. Tập thể dục đều đặn, thường xuyên

Khi bạn tập thể dục đều đặn liên tục, cơ thể bạn sẽ "đốt cháy" triglyceride và do đó có thể giảm mỡ trong gan. Tập thể dục cũng giúp máu lưu thông tốt hơn, đặc biệt để nuôi dưỡng lá gan của bạn khỏe mạnh hơn.

4. Tránh xa độc tố

Độc tố có thể làm tổn thương tế bào gan. Hãy giảm tiếp xúc trực tiếp với độc tố như các sản phẩm khí dung aerosol và chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu, hóa chất và chất phụ gia. Khi sử dụng khí dung aerosol, hãy đảm bảo phòng thoáng khí và đeo khẩu trang. Không hút thuốc.

5. Hạn chế đồ uống có cồn

Đồ uống chứa cồn như rượu bia,...có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe. Rượu có thể gây hư tổn hoặc hủy hoại các tế bào gan và gây ra sẹo ở gan.

13 cách để có lá gan khỏe mạnh - Ảnh 3.

Lạm dụng rượu bia có thể gây tổn thương gan

Hãy tư vấn bác sĩ để cai rượu. Bạn có thể uống rượu ở mức độ cho phép hoặc nếu cần, có thể phải bỏ hẳn rượu.

6. Không sử dụng thuốc phiện/thuốc gây nghiện

Ở Mỹ, theo số liệu năm 2012, ước tính gần 24 triệu người Mỹ từ 12 tuổi trở lên từng sử dụng thuốc phiện hoặc thuốc gây nghiện (ước tính chiếm tới 9,2% dân số từ 12 tuổi trở lên).

Những loại thuốc gây nghiện bao gồm cần sa / hashish, cocaine (bao gồm cả crack), heroin, chất gây ảo giác, thuốc hít hoặc thuốc trị liệu tâm lý loại theo toa (thuốc giảm đau, thuốc an thần, chất kích thích và thuốc an thần) được sử dụng không theo mục đích y tế.

7. Không sử dụng kim tiêm bị nhiễm bẩn

Trong thực hành tiêm, hoặc dùng que nhọn, vật dụng sắc nhọn thâm nhập cơ thể chẳng hạn như sinh thiết,..., cần đảm bảo dụng cụ được khử khuẩn sạch sẽ. Tiêm ven trong bệnh viện thì cần dùng kim tiêm một lần và đảm bảo kim tiêm sản xuất tại cơ sở có uy tín, vô trùng.

Ngoài ra, đối với các hoạt động xăm trổ, xỏ khuyên như khuyên tai, khuyên rốn trên cơ thể cũng cần đảm bảo kim tiêm và dụng cụ vô trùng khử khuẩn để tránh nhiễm khuẩn gây độc cho gan.

8. Cần thận trọng khi tiếp xúc với máu

Nếu vì lý do nào đó mà bạn tiếp xúc với máu hay vết thương hở của ai đó mà không được khử trùng, cần ngay lập tức đi khám bác sĩ. Nếu lo lắng, hãy đến ngay phòng y tế gần nhất để được tư vấn khử khuẩn, làm sạch vết thương hở, tránh nhiễm trùng và làm các xét nghiệm theo dõi nếu cần thiết.

9. Không dùng chung vật dụng vệ sinh cá nhân

Những dụng cụ vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu và cắt móng tay không nên dùng chung. Bởi vô tình có thể làm lây các truyền nhiễm, chẳng hạn như máu hay dịch từ người bệnh sang người lành. Chẳng hạn như nếu người nhiễm HIV hay virus viêm gan C đánh răng và chảy máu, thì dùng chung bàn chải có thể làm lây virus sang cho người lành.

10. Tình dục an toàn

Quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ hoặc quan hệ với nhiều bạn tình làm tăng nguy cơ nhiễm viêm gan B và viêm gan C.

Vì vậy, nên quan hệ tình dục an toàn. Đặc biệt, chung thủy một vợ một chồng cũng là cách để phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục, trong đó có viêm gan B và viêm gan C. Đây cũng là cách để bạn có sức khỏe tổng thể và lá gan khỏe mạnh hơn.

11. Rửa tay

13 cách để có lá gan khỏe mạnh - Ảnh 5.

Rửa tay là thói quen tốt giúp phòng tránh nhiều loại bệnh

Rửa tay là cách để phòng tránh nhiễm khuẩn, do đó giúp bạn phòng tránh virus vi khuẩn thâm nhập cơ thể, trong đó có các tác nhân gây ra bệnh gan.

Vì vậy, thói quen rửa tay trước khi ăn không bao giờ thừa. Thậm chí trước khi sơ chế đồ ăn, bạn cũng nên rửa tay sạch sẽ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho cả gia đình.

Sau khi đi vệ sinh, thay tã cho em bé, bạn cũng cần rửa tay thật sạch sẽ.

12. Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn, tránh tương tác thuốc

Khi dùng thuốc sai cách, không đúng chỉ dẫn, dùng thuốc quá liều có thể dẫn tới gây độc cho gan. Dùng không đúng hay trộn thuốc lẫn lộn vào nhau cũng có thể gây hư hại gan.

Vì vậy, không bao giờ được dùng chung rượu với thuốc tây y. Kể cả khi dùng nhiều loại thuốc một lúc, cũng phải tư vấn bác sĩ về thời gian sử dụng và liều lượng để tránh tương tác thuốc.

Kể cả thuốc không kê đơn, thảo dược hay thực phẩm chức năng khi sử dụng cũng nên tư vấn bác sĩ để tránh tương tác thuốc hay nhiễm độc gan không cần thiết.

13. Tiêm phòng viêm gan

Hiện tại, tiêm phòng có thể giúp chúng ta chống lại viêm gan A và viêm gan B. Tuy nhiên, không may là chúng ta vẫn chưa có vaccine phòng viêm gan C. Vì vậy, bảo vệ chống lây nhiễm viêm gan C vẫn là cách tốt nhất.

Để phòng chống viêm gan C, cần tránh tiếp xúc với máu người nhiễm, tránh sử dụng chung vật dụng cá nhân hay kim tiêm với người nhiễm. Khi nghi ngờ phơi nhiễm, cần đến ngay bệnh viện khám, xét nghiệm và được tư vấn phòng ngừa điều trị kịp thời.

Mời độc giả xem thêm video:

'Bỏ cơm' và những tác hại âm thầm tàn phá sức khỏe


Nguyễn Vân
(theo Hiệp hội Gan Mỹ/American Liver Foundation)
Ý kiến của bạn